Sùng Mí Say thoát nghèo từ thay đổi cách chăn nuôi
BHG - Từ nhỏ sống trên bản cao, hàng ngày cùng cha mẹ lặn lội đi tìm cỏ nơi xa về cho bò ăn, anh Sùng Mí Say, thôn Lão Nùng, xã Mậu Duệ (Yên Minh) thấu hiểu sự vất vả đó. Khi trưởng thành và lập gia đình, cùng với việc được đi học, anh đã ước mơ có thể tìm biện pháp khắc phục điểm hạn chế đó, xóa nghèo từ phát triển chăn nuôi. Sau quá trình tìm tòi, anh quyết định tìm mua những con bò gầy của các hộ dân trong thôn về nuôi vỗ béo. Bên cạnh đó, anh thấy gia đình có nhiều diện tích đất nương bỏ hoang, anh cùng vợ mua giống cỏ về trồng. Ý tưởng đó được anh thực hiện trong khoảng 3 năm, đến nay trong chuồng anh luôn duy trì từ 8 – 10 con bò, trồng được hơn 2 ha cỏ cùng với đó là kết hợp chăn nuôi gà, lợn, dê... để có thêm nguồn thu.
Bò của anh Sùng Mí Say được chăm sóc tốt nên thương lái trả giá cao. |
Anh Sùng Mí Say tâm sự: “Ban đầu chưa làm nghĩ là khó, nhưng khi triển khai được thấy dễ dàng hơn nhiều so với cách nuôi trước đây. Giờ đây, muốn lấy thức ăn cho bò chỉ cần xuống trước cửa nhà cắt cỏ mang về, vừa nhanh và đáp ứng đủ nhu cầu. Bên cạnh đó, gia đình cũng thường xuyên tiêm phòng bệnh cho đàn gia súc, nên rất ít khi bị bệnh. Qua đó, tránh được những rủi ro trong chăn nuôi và giúp gia đình thu nhập khoảng hơn 80 triệu đồng/năm. Từ những thành công và số vốn tích được, đầu năm 2018 gia đình xây dựng một hệ thống chuồng kiên cố theo đúng tiêu chuẩn với 6 gian, có máng ăn, hố thoát nước thải...”.
Đến thăm mô hình của gia đình anh Say, chúng tôi nhận thấy một diện tích rộng lớn toàn ngô và cỏ chăn nuôi xanh mướt; dưới tán ngô là cây bí và rau cải, xung quanh sạch sẽ cỏ và một khoảng xanh bạt ngàn của cỏ chăn nuôi, bên cạnh đó là căn nhà truyền thống của người Mông, được bài trí ngăn nắp đã cho thấy sự chăm chỉ của 2 vợ chồng anh Say. Anh cho biết, có được sự thay đổi này là nhờ mình tiếp cận những cái mới, chăn nuôi không quá khó, chỉ cần bỏ thêm công và biết sắp xếp công việc là sẽ hiệu quả. Nhưng khó khăn nhất là xây chuồng trại, bởi nhà ở xa, đường lên thôn lại khó khăn. Để xây được chuồng hiện tại gia đình phải bỏ ra hơn 80 triệu đồng, trong đó thuê người chở vật tư lên mất hơn 15 triệu. Nhưng giờ có chuồng kiên cố, đến mùa Đông cũng yên tâm hơn...
Dám nghĩ, dám thay đổi, anh Sùng Mí Say đã thành công với hướng đi của mình. Cùng với đó anh cũng luôn chia sẻ và động viên mọi người trong thôn phát triển chăn nuôi theo hướng nuôi nhốt và phát triển trồng cỏ chăn nuôi. Hiện tại, toàn thôn có 64 hộ, thì đã có 10 hộ làm kinh tế như anh Sùng Mí Say.
Bài, ảnh: HOÀNG YẾN
Ý kiến bạn đọc