Quang Bình tăng cường quản lý các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh lâm sản
BHG - Với lợi thế về trồng rừng kinh tế, trên địa bàn huyện Quang Bình hiện đã hình thành nhiều cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh lâm sản (SXCBKDLS); góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Đi cùng với đó, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường công tác quản lý; đồng thời đưa các cơ sở SXCBKDLS vào hoạt động phù hợp, đúng quy hoạch.
Đến thăm cơ sở SXCBKDLS Việt Trinh, thôn Tân Bình, thị trấn Yên Bình - một trong những cơ sở sản xuất, chế biến ván bóc, gỗ băm dăm lớn trên địa bàn huyện, được biết, gỗ ván bóc chủ yếu là keo, bồ đề, xoan…, được đấu thầu thu mua từ Lâm trường Cầu Ham và của người dân địa phương với khoảng 300m3 mỗi năm; giá dao động từ 1,2 – 1,4 triệu đồng/m3. Cùng với đó, cơ sở còn thu mua trung bình mỗi tháng khoảng 300 tấn đầu mẩu gỗ (từ các xưởng ván bóc nhỏ lẻ) để chế biến thành gỗ băm dăm, tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động, với mức thu nhập từ 6 – 9 triệu đồng/tháng và hàng chục lao động thời vụ (phơi ván bóc), thu nhập khoảng 200 – 250 nghìn đồng/ngày. Hiện, sản phẩm ván bóc của cở sở được xuất sang Trung Quốc qua Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy; còn gỗ băm dăm được tiêu thụ tại nhà máy giấy lớn là: An Hòa (Tuyên Quang) và Bãi Bằng (Phú Thọ). Ông Khuất Đình Vụ, Chủ cơ sở SXCBKDLS Việt Trinh cho biết: Chúng tôi luôn hoạt động theo đúng Giấy phép kinh doanh với đầy đủ giấy tờ về nguồn gốc nguyên liệu và sản xuất theo đúng quy định của pháp luật”.
Sản xuất ván bóc tại cơ sở SXCBKDLS Việt Trinh, thôn Tân Bình, thị trấn Yên Bình. |
Phó Chủ tịch UBND thị trấn Yên Bình, Hoàng Văn Nguồn cho hay: Hiện, thị trấn có 3 cơ sở SXCBKDLS và 2 xưởng mộc. Do đó, thị trấn thường xuyên kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh của các cơ sở cũng như việc chấp hành các quy định của pháp luật về nguồn gốc xuất, nhập lâm sản; cũng như cam kết bảo vệ môi trường, nghĩa vụ nộp thuế... Tuy nhiên, do quy hoạch chưa phù hợp, hiện vẫn có một số cơ sở SXCBKDLS được xây dựng trong khu dân cư, gây tiếng ồn, bụi bẩn…; ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Cấp ủy, chính quyền thị trấn sẽ cố gắng khắc phục tình trạng này trong thời gian sớm nhất.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Quang Bình có tổng số 25 cơ sở SXCBKDLS; trong đó, 19 cơ sở chế biến ván bóc, 1 cơ sở băm dăm và 5 cơ sở xẻ thuê và đóng đồ mộc dân dụng. Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Quang Bình, Hoàng Minh Sướng cho biết: Hạt thường xuyên tổ chức kiểm tra định kỳ 1 lần/tháng, nhằm quản lý chặt chẽ nguồn nguyên liệu đầu vào, hồ sơ lưu thông lâm sản, các hoạt động buôn bán, vận chuyển, đảm bảo đưa vào chế biến, lưu thông có nguồn gốc hợp pháp. Đồng thời phối hợp với các đơn vị chuyên môn kiểm tra, đảm bảo các cơ sở SXCBKDLS hoạt động đúng theo Giấy phép kinh doanh và thực hiện cam kết bảo vệ môi trường; phòng cháy, chữa cháy...
Qua các đợt kiểm tra, nhìn chung các cơ sở SXCBKDLS trên địa bàn đều chấp hành đầy đủ thủ tục hành chính, giấy tờ liên quan đến hoạt động kinh doanh theo quy định hiện hành. Nguyên liệu đều có nguồn gốc hợp pháp, đủ giấy tờ thủ tục, nộp thuế theo quy định trước khi chế biến và vận chuyển tiêu thụ. Cũng thông qua kiểm tra, từ đầu năm đến nay, các lực lượng chức năng phát hiện và xử lý 1 cơ sở chế biến gỗ ván bóc có hành vi mua, cất giữ lâm sản trái phép; xử lý 10 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng (1 vụ vi phạm các quy định chung của Nhà nước về bảo vệ rừng; 9 vụ mua bán, cất giữ, vận chuyển lâm sản trái pháp luật); tịch thu gần 6.600 m3 gỗ xẻ các loại, 2 máy cưa xăng; tổng số tiền phạt nộp vào ngân sách nhà nước gần 25 triệu đồng.
Để tăng cường quản lý cũng như đẩy mạnh hoạt động của các cơ sở SXCBKDLS tại địa phương; huyện sẽ tập trung mở rộng diện tích trồng cây lâm nghiệp (keo, quế, bồ đề, xoan…) nhằm tạo nguồn nguyên liệu ổn định cho các cơ sở SXCBKDLS trên địa bàn. Đồng thời, tăng cường quản lý, giám sát, kiểm tra thường xuyên đối với các cơ sở SXCBTTLS đảm bảo đúng quy định của Nhà nước; đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp Tân Bắc để thu hút đầu tư vào phát triển ngành sản xuất, kinh doanh lâm sản cũng như tạo ra các sản phẩm có giá trị kinh tế cao tại địa phương.
Bài, ảnh: YẾN VŨ
Ý kiến bạn đọc