Quản Bạ hiện thực giấc mơ "Trung tâm dược liệu" - Kỳ 1: Bảo tồn đa dạng sinh học và bài thuốc quý ở Nặm Đăm

16:30, 18/10/2018

BHG - Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng XVI của tỉnh về phát triển dược liệu gắn với xóa đói giảm nghèo, ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất; huyện Quản Bạ được biết đến là trung tâm trồng và phát triển dược liệu của tỉnh với tổng diện tích lên đến 2.800 ha. Mục tiêu trở thành “trung tâm dược liệu” là giấc mơ đã, đang trở thành hiện thực của người dân Quản Bạ. Nhờ rất nhiều nỗ lực và nguồn lực, nơi đây đã có HTX đầu tiên đủ điều kiện sản xuất thực phẩm chức năng và mỹ phẩm. Đánh dấu mốc quan trọng, tiền đề mở ra nhiều cơ hội cho lĩnh vực phát triển dược liệu ở vùng Cao nguyên đá.

Từ lâu, các dân tộc thiểu số ở vùng Cao nguyên đá đã nắm giữ rất nhiều bí quyết, bài thuốc quý từ rừng có giá trị trong chăm sóc sức khỏe. Nhưng với nhu cầu khai thác ngày càng lớn, trữ lượng thuốc ngày càng cạn kiệt, việc lưu giữ nguồn cây thuốc quý và phát triển đa dạng sinh học ở vùng Công viên Địa chất toàn cầu trở nên cấp bách. HTX Cộng đồng Nặm Đăm ở xã Quản Bạ (Quản Bạ) đã bảo tồn và biến nó thành lợi thế phát triển kinh tế.

Khu vườn ươm giống của HTX Cộng đồng Nặm Đăm, xã Quản Bạ
Khu vườn ươm giống của HTX Cộng đồng Nặm Đăm, xã Quản Bạ

Bảo tồn nguồn gen cây thuốc quý của người Dao

Trong số các bài thuốc quý phổ biến, thì dân tộc Dao còn lưu giữ rất nhiều tri thức truyền thống về các loại cây thuốc quý để chăm sóc sức khỏe được Hội Y học cổ truyền công nhận, trở điểm sáng để tiếp cận những nguồn lực hợp tác. Từ năm 2016, Dự án “Bảo tồn nguồn gen cây thuốc quý của người Dao” do Quỹ Môi trường toàn cầu Chương trình tài trợ các dự án nhỏ tại Việt Nam đầu tư; tổ chức điều hành dự án là Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cây thuốc Dân tộc Cổ truyền, đã triển khai các hạng mục dự án tại HTX Cộng đồng Nặm Đăm, là một HTX trồng dược liệu của địa phương, với tổng số tiền đầu tư hơn 1 tỷ đồng. Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cây thuốc Dân tộc Cổ truyền, TSKH. Trần Công Khanh, chia sẻ: “Dự án chọn HTX Cộng đồng Nặm Đăm vì người dân ở đây có kiến thức phong phú về các loại cây dược liệu, đường giao thông thuận tiện, chính quyền địa phương quyết tâm phát triển cây dược liệu. Hơn nữa, đây là vùng di sản Công viên Địa chất toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn, cần đặc biệt quan tâm và bảo tồn nên chúng tôi mong muốn các loại cây thuốc quý ở đây sẽ được bảo tồn bền vững cho thế hệ sau”.

Sống với rừng bao đời nay, người Dao có kho tàng cây thuốc rất phong phú, theo nghiên cứu có đến 59 loài cây được xác định làm thuốc tắm của người Dao ở xã Quản Bạ. Trong đó, có 55 loài đã xác định được tên khoa học. Người Dao sử dụng hết 7 bộ phận của cây làm thuốc tắm, có 16 tác dụng chữa các chứng bệnh khác nhau. Nổi bật là công dụng chữa trị bệnh về cơ xương khớp, sử dụng tiêu độc, dị ứng có 8 loài, làm đẹp da có 3 loài. Trong đó, một số cây thuốc tắm có trữ lượng rất nhỏ nhưng lại quan trọng với bài thuốc tắm của HTX cần được bảo tồn, như: Thanh phong, Xú hương, Vi hoàng, Sẹ lá đỏ, Sói rừng, Cơm cháy, Kinh giới rủ.

 Vườn bảo tồn các giống cây quý của HTX Cộng đồng Nặm Đăm.
Vườn bảo tồn các giống cây quý của HTX Cộng đồng Nặm Đăm.

Để bảo tồn được những bài thuốc này, vấn đề đặt ra là cần nhân giống được các loại cây thuốc quý từ rừng, bảo vệ được sự đa dạng sinh học trong vùng lõi Công viên Địa chất. TS.Trần Văn Ơn, Trưởng bộ môn Thực vật, Trường Đại học Dược Hà Nội, là đơn vị tư vấn kỹ thuật về GACP-WHO nhằm đảm bảo một môi trường sản xuất an toàn, sạch sẽ, dược liệu phải đảm bảo không chứa các tác nhân gây bệnh như chất độc sinh học và hóa chất, đảm bảo an toàn từ ngoài đồng đến khi sử dụng và kiểm soát hoạt chất; đã hướng dẫn người Dao thôn Nặm Đăm cách trồng từ 2-3 loài cây thuốc tại vườn nhà và thực hành quy trình nhân giống cây thuốc. Từ sự quan tâm của các thành viên, đến nay, HTX có vườn ươm rộng 3.000 m2, lưu giữ 78 loài cây thuốc, số lượng loài đang tiếp tục được bổ sung và đang tiến hành nhân giống bằng hạt và giâm hom cho một số cây thuốc như: Bình vôi, Cơm cháy, Đương quy Nhật Bản, Kim ngân, Actiso… Với sự quan trọng trong việc cung ứng giống dược liệu cho địa phương, chính quyền địa phương đã hỗ trợ đầu tư nâng cấp vườn ươm với quy mô ngày càng lớn và hiện đại. HTX cũng làm hợp đồng với các hộ dân trồng cây dưới tán rừng để cung cấp nguyên liệu cho HTX. Bắt kịp xu thế của các công ty dược phẩm hàng đầu về chủ động nguồn nguyên liệu dược liệu đầu vào như Traphaco, Nam Dược.

Dạy thế hệ trẻ cách sống với rừng

Bên cạnh mục tiêu duy trì và bảo tồn các sản phẩm từ bài thuốc tắm người Dao thông qua các hoạt động thu hái bền vững từ rừng theo tiêu chuẩn của GACP-WHO và nghiên cứu trồng trọt một số loài hiếm, có nguy cơ đe dọa trong tự nhiên, dự án còn thực hiện mục tiêu cải thiện sinh kế thông qua phát triển dịch vụ tắm lá thuốc phục vụ du lịch cộng đồng ở xã Quản Bạ và tuyên truyền cho thế hệ trẻ tương lai ý thức bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, phát triển kinh tế dựa vào nguồn thảo dược tại địa phương.

Các em học sinh ở địa phương đã được tuyên truyền về ý thức bảo tồn, gìn giữ nguồn gen cây thuốc tắm tại địa phương trong tiết học Chào cờ đầu tuần và tham quan vườn ươm tại HTX Nặm Đăm. Em Lý Tà Giàng, học sinh lớp 7, Trường DTBT THCS Quản Bạ, chia sẻ: “Sau khi tham gia các hoạt động ngoại khóa, em đã nhận diện được một số cây thuốc tắm có tại vườn nhà và một số cây dược liệu trồng ở vườn ươm. Em còn được hướng dẫn kỹ thuật nhân giống bằng gieo hạt và giâm hom, đóng bầu cây và các giá trị của dược liệu”. Qua đây, góp phần hoàn thiện nhận thức của các em từ đó lan tỏa ra cộng đồng, nâng cao ý thức bảo vệ nguồn tài nguyên cây thuốc bản sắc của dân tộc mình.

Kỳ cuối: HTX đầu tiên đủ điều kiện sản xuất thực phẩm chức năng và mỹ phẩm

Bài, ảnh: LÊ HẢI

 


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Giảm nghèo trong lộ trình xây dựng Nông thôn mới

BHG - Theo lộ trình đặt ra, năm nay tỉnh ta có thêm 11 xã đạt chuẩn Nông thôn mới (NTM); trong số đó, có những xã thuộc diện 30a (đặc biệt khó khăn), xuất phát điểm xây dựng NTM rất thấp. Với quyết tâm chính trị rất lớn của cấp ủy, chính quyền các cấp, các sở, ngành từ tỉnh đến huyện và sự nỗ lực của người dân, đến nay, nhiều tiêu chí khó như giao thông, môi trường, hộ nghèo, thu nhập… đang dần bị "khuất phục". Nằm đầu thôn Séo Lủng, xã Lũng Cú (Đồng Văn), ngôi nhà 4 tầng của Hờ Nỏ Giàng, dân tộc Mông, 30 tuổi được xếp vào hàng nhất, nhì địa phương. Sau gần năm khởi công xây dựng, ngôi nhà đang trong giai đoạn hoàn thiện

 

17/10/2018
Khó khăn trong xây dựng Nông thôn mới ở các xã vùng biên Hoàng Su Phì

BHG - Huyện Hoàng Su Phì có 4 xã biên giới gồm Pố Lồ, Thèn Chu Phìn, Thàng Tín và Bản Máy; các xã có địa hình chia cắt mạnh, khoảng cách giữa các thôn bản với trung tâm xã khá xa, hiểm trở; kinh tế chủ yếu sản xuất nông nghiệp với quy mô nhỏ lẻ, manh mún. Trong quá trình triển khai xây dựng NTM, việc phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập còn gặp nhiều khó khăn; một số người dân chưa chủ động phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Vì vậy đến nay, các xã biên giới mới hoàn thành 8 – 10 tiêu chí NTM, tỷ lệ hộ nghèo bình quân trên 50%, thu nhập khoảng 12 - 16 triệu đồng/người/năm.

17/10/2018
Kim Ngọc tập trung xây dựng Nông thôn mới

BHG - Từ nay đến cuối năm, xã Kim Ngọc (Bắc Quang) cần huy động khoảng 23 tỷ đồng, tập trung hoàn thành 4 tiêu chí xây dựng NTM: Hoàn hành 7 km đường giao thông vào thôn Nậm Vạc; quy hoạch và xây dựng bãi tập kết, thu gom rác thải; tu bổ, sửa chữa, xây dựng cơ sở vật chất nhà văn hoá; xây dựng xong chợ trung tâm. Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Kim Ngọc đang quyết tâm phấn đấu về đích NTM vào năm 2019.

 

17/10/2018
Đoàn viên, thanh niên xã Tùng Vài tích cực hưởng ứng phong trào khởi nghiệp

BHG - Chặng đường khởi nghiệp (KN) của đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) xã Tùng Vài (Quản Bạ) còn nhiều khó khăn và thách thức, nhưng với tinh thần dám nghĩ, dám làm, ĐVTN trong xã đã tích cực hưởng ứng, tham gia phong trào KN và có sức lan tỏa rộng khắp đến từng thôn, bản. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.  Thời gian qua, lực lượng ĐVTN xã Tùng Vài không ngừng vượt khó, sáng tạo vươn lên làm giàu từ những tiềm năng...

17/10/2018