Phát triển các cây trồng có giá trị kinh tế cao ở xã vùng biên Chí Cà
BHG - Xã biên giới Chí Cà (Xín Mần) có 10 thôn, bản, với 604 hộ dân, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao (chiếm 56% tổng dân số). Với điều kiện khí hậu khắc nghiệt, địa hình phức tạp, giao thông đi lại còn nhiều khó khăn thì việc xác định sản xuất nông – lâm nghiệp luôn có vai trò quan trọng trong phát triển KT-XH ở địa phương. Những năm qua, cấp ủy và chính quyền xã Chí Cà đã lãnh, chỉ đạo nhân dân phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, chất lượng sản phẩm tốt và phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương.
Cán bộ khuyến nông xã Chí Cà kiểm tra tình trạng sinh trưởng cây Ý dĩ. |
Sau nhiều năm triển khai, với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với cây Ý dĩ, hồng Không hạt... được người dân quan tâm gieo trồng, chăm sóc. Cấp ủy và chính quyền xã Chí Cà cũng xác định các loại cây trồng trên là những cây “mũi nhọn” để xóa đói, giảm nghèo, đồng thời, thực hiện nhiều chủ trương như: Phát triển các cây trồng theo hướng hàng hóa; tuyên truyền nhân dân mở rộng diện tích canh tác, nâng cao năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm; quảng bá hình ảnh của sản phẩm trên thị trường; tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm...
Vào mùa Thu, trên con đường quanh co đến trung tâm xã Chí Cà, chúng ta có thể thấy hình ảnh những nương Ý dĩ tươi tốt đang độ kết hạt, xen lẫn những cây hồng Không hạt quả trĩu cành đang hứa hẹn những vụ Mùa bội thu... Cây Ý dĩ được người dân xã Chí Cà gieo trồng và canh tác từ khá sớm, vốn trước đây chỉ được coi là loại cây trồng cứu đói mùa giáp hạt. Những năm gần đây, người dân mới thực sự nhận thức được giá trị của loài cây này. Theo tìm hiểu, hạt Ý dĩ có giá trị dinh dưỡng cao nên thường được sử dụng để bồi dưỡng sức khỏe cho người già, trẻ em bị suy nhược cơ thể và phụ nữ sau sinh nở. Trong Đông y, hạt Ý dĩ còn là một vị thuốc quý dùng để chữa một số bệnh.
Năm nay, cây Ý dĩ được người dân các thôn: Hậu Cấu, Hồ Sáo Chải, Hồ Mù Chải, Chí Cà Thượng gieo trồng 28 ha (tăng 6 ha so với năm 2017). Chị Hoàng Thị Dung, cán bộ khuyến nông xã cho biết: “Là loại cây trồng lâu đời của người dân trong xã, cây Ý dĩ có điều kiện tự nhiên phù hợp để phát triển và sinh trưởng thuận lợi. Người dân tận dụng các diện tích đất nhỏ lẻ, manh mún để trồng cây Ý dĩ; sau khi trồng, chỉ cần được làm cỏ 1 - 2 lần và hầu như không tốn kém về phân bón cũng như công chăm sóc”. Trên địa bàn xã Chí Cà hiện nay, người dân đang gieo trồng chủ yếu các loại Ý dĩ nếp và Ý dĩ tẻ. Trong đó, Ý dĩ nếp có giá trị cao hơn và được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Với giá bán nguyên hạt trung bình từ 20 - 25 nghìn đồng/kg cho thương lái. Sau khi chế biến, xay xát, Ý dĩ có giá từ 50 nghìn đồng/kg trở lên. Với năng suất trung bình từ 22 - 24 tạ/ha, cây Ý dĩ đang dần khẳng định được ưu thế của mình và được cấp ủy, chính quyền xã Chí Cà lựa chọn là sản phẩm tiêu biểu để thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Bên cạnh sản phẩm hạt Ý dĩ, quả hồng Không hạt ở xã Chí Cà hiện đang được nhiều người tiêu dùng biết đến. Hồng không hạt Chí Cà có nhiều đặc điểm riêng như: Quả to tròn, có màu vàng đỏ bắt mắt khi chín, không chát, có vị ngọt thanh mát sau khi ngâm từ 3 – 4 ngày; quả có nhiều cát đường và rất giòn. Hiện nay, trên địa bàn xã đang trồng gần 3 ha. Năng suất ước đạt trung bình từ 1 - 1,5 tạ quả/cây với giá bán buôn dao động từ 20 - 30 nghìn đồng/kg. Giá cả và đầu ra của sản phẩm ổn định, thương lái đến đặt mua ngay tại vườn. Ông Nguyễn Minh Công, Chủ tịch UBND xã cho biết: Qua nhiều năm triển khai các cây trồng có giá trị kinh tế như Ý dĩ, hồng Không hạt đều tăng trưởng về cả diện tích, giá trị và năng suất. Nhiều hộ trong xã đã cải thiện được đời sống, xóa đói, giảm nghèo từ những cây trồng này. Tuy nhiên, quá trình phát triển các cây trồng “mũi nhọn” còn nhiều khó khăn, bất cập, như: Diện tích, sản lượng cây trồng còn thấp, chưa đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường; người dân vẫn chưa mặn mà với việc đầu tư mở rộng diện tích, áp dụng KHKT để nâng cao năng suất... Trong thời gian tới, xã tiếp tục thực hiện các chính sách để thúc đẩy sản xuất; tuyên truyền, vận động người dân quan tâm đến canh tác các cây trồng có giá trị kinh tế cao như: Ý dĩ, hồng Không hạt, các loại cây dược liệu; hướng tới xây dựng thương hiệu, tích cực tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm nông sản của địa phương...
Bài, ảnh: Đại Tâm
Ý kiến bạn đọc