Bắc Quang cần xây dựng thương hiệu hàng hóa nông sản chủ lực bên bờ Đông sông Lô
BHG - Những năm gần đây, huyện Bắc Quang đã chú trọng phát triển nông sản hàng hóa bên bờ Đông sông Lô. Thế mạnh, tiềm năng của vùng chính là lúa gạo, kinh tế rừng và chăn nuôi gia súc, thuỷ sản; nhưng để khai thác hiệu quả, vẫn còn nhiều việc phải làm.
Cánh đồng lúa chất lượng cao xã Bằng Hành. |
Sản xuất lúa gạo đặc sản của huyện Bắc Quang tập trung chủ yếu tại 6 xã phía Đông sông Lô gồm: Bằng Hành, Liên Hiệp, Hữu Sản, Quang Minh, Vô Điếm với gần 2 nghìn ha, sản lượng hàng ngàn tấn/năm. Thơm ngon nổi tiếng phải kể đến Nếp cái hoa vàng, Nếp cẩm vừa làm thực phẩm, vừa làm thuốc, mỹ phẩm được trồng ở Hữu Sản, Liên Hiệp, Bằng Hành; gạo thơm, hạt dài chất lượng cao trồng tại các xã trong vùng đã được thị trường trong, ngoài tỉnh đón nhận. Vụ thu hoạch lúa bên bờ Đông sông Lô lại bắt đầu người trồng lúa vừa mừng, vừa băn khoăn vì chính sách xây dựng thương hiệu gạo đặc sản đã gần 3 năm triển khai nhưng kết quả chưa được như mong đợi.
Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Quang Nguyễn Hồng Tuyên thừa nhận, gần 3 năm triển khai xây dựng vùng lúa gạo hàng hoá bờ Đông sông Lô, sản phẩm nơi đây vẫn chưa có thương hiệu, chưa được cấp Chỉ dẫn địa lý. Cùng với lúa gạo, lợn đen, dê núi, trâu, bò nuôi ở các xã: Đức Xuân, Liên Hiệp, Thượng Bình với quy mô hàng ngàn con; cá ao nuôi tại xã Vô Điếm diện tích gần 300 ha, sản lượng trăm tấn/năm cũng chưa đăng ký nhận biết xuất xứ hàng hoá. Những hạn chế trên có nguyên nhân chính từ cơ chế đầu tư nhỏ giọt; chính sách hỗ trợ xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại của huyện còn hạn chế; cấp ủy, chính quyền các cấp còn thiếu quyết liệt...
Từ những tiềm năng, lợi thế của vùng sản xuất hàng hóa phía Đông sông Lô, tới đây huyện sẽ quyết liệt hơn trong chỉ đạo, điều hành xây dựng thành công thương hiệu nông sản hàng hóa, nhằm tăng thu nhập cho bà con - Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Quang Nguyễn Hồng Tuyên khẳng định.
Bài, ảnh: Nguyễn Hùng
Ý kiến bạn đọc