Tăng cường biện pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi vào địa bàn tỉnh
BHG - Dịch tả lợn Châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra; đây là loại vi rút có độc lực cao, lây lan nhanh, khiến 100% lợn bị nhiễm tử vong và hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
Từ cuối năm 2017 đến nay, đã có 17 quốc gia và vùng lãnh thổ báo cáo bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (bệnh không lây nhiễm và gây bệnh ở người), với trên 500 nghìn con lợn bị bệnh buộc phải tiêu hủy. Tại Trung Quốc, xuất hiện 14 ổ dịch ở 6 tỉnh (An Huy, Hắc Long Giang, Hà Nam, Liêu Ninh, Giang Tô và Chiết Giang) với tổng số hơn 38 nghìn con lợn buộc phải tiêu hủy.
Là tỉnh có chung đường biên giới khá dài với Trung Quốc, nguy cơ bệnh Dịch tả lợn Châu Phi từ nước ngoài xâm nhiễm vào tỉnh ta thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc là rất cao.
Đàn lợn trên địa bàn tỉnh đang phát triển ổn định, giúp nhiều gia đình phát triển kinh tế. |
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh; để chủ động phòng, chống, ngăn chặn bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào địa bàn, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 3639/UBND – KTN, ngày 13.9.2018 về việc triển khai các biện pháp ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh Dịch tả lợn Châu Phi vào địa bàn. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo: Các phòng, ban chuyên môn, lực lượng chức năng của các huyện, thành phố gồm: Ban chỉ đạo 389, biên phòng, hải quan, công an, quản lý thị trường, trạm chăn nuôi và thú y, phòng nông nghiệp... thường xuyên kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các điểm tập kết, buôn bán thịt lợn, lợn giống và sản phẩm từ lợn; kịp thời phát hiện, bắt giữ, tiêu hủy lợn, sản phẩm từ lợn nhập lậu trái phép qua biên giới, không rõ nguồn gốc. Các xã, thị trấn biên giới phối hợp với đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, vận động nhân dân cung cấp thông tin về đối tượng, tụ điểm tập kết người tham gia việc bốc xếp, vận chuyển lợn qua biên giới; theo dõi đàn lợn của địa phương, nếu phát hiện lợn bệnh với các dấu hiệu, triệu chứng điển hình của bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (lợn sốt cao, mệt mỏi, ủ rũ, lờ đờ, nằm bẹp, chân sau bại, bỏ ăn, khó thở, xuất hiện nhiều nốt xuất huyết và nhanh chóng bị hoại tử, rỉ dịch, khoảng 3 – 4 ngày sau thì chết), hoặc nghi lợn, sản phẩm từ lợn nhập lậu trái phép thì lấy mẫu gửi Chi cục Chăn nuôi thú y chẩn đoán, xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh; tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân không tham gia các hoạt động buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn nhập lậu; tăng cường vệ sinh, tiêu độc khử trùng tại các khu vực chăn nuôi, chợ, điểm buôn bán, giết mổ lợn và các sản phẩm của lợn...
Các sở, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị trực thuộc nghiêm túc thực hiện việc phòng, chống dịch bệnh. Trạm Kiểm dịch động vật Thanh Thủy và Xín Mần phối hợp với lực lượng tại cửa khẩu tăng cường giám sát chặt chẽ kiểm dịch động vật; Bộ Chi huy Bộ đội biên phòng chỉ đạo các Đồn Biên phòng tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ khu vực cửa khẩu, đường mòn, lối mở; ngăn chặn, bắt giữ, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Hiện nay, toàn tỉnh có trên 537 nghìn con lợn; thời gian qua, giá thịt lợn hơi trên thị trường tăng cao, nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư tái đàn, phát triển chăn nuôi lợn, góp phần quan trọng trong việc tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Công tác tiêm phòng các loại vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm được các địa phương triển khai hiệu quả; ngành chức năng thực hiện 2 đợt “Tháng hành động vệ sinh, tiêu độc khử trùng” và thực hiện vệ sinh tiêu độc thường xuyên tại các vùng có nguy cơ cao, các chợ buôn bán gia súc, gia cầm sống... nên từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh không xảy ra dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.
Là tỉnh có địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn, đường biên giới dài, nhiều đường mòn, lối mở nên việc kiểm tra, kiểm soát lợn và sản phẩm của lợn từ bên kia biên giới vào địa bàn gặp nhiều khó khăn. Thực tế, tình trạng buôn bán, vận chuyển lợn nhập lậu quan biên giới vẫn còn. Thời gian qua, các ngành chức năng đã phát hiện, xử lý 6 vụ vận chuyển 43 con lợn thịt với trọng lượng 5.640 kg nhập lậu từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho ngành chăn nuôi phát triển ổn định và chủ động phòng, chống dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào địa bàn tỉnh, người dân cần tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng trong công tác phòng, chống dịch bệnh; không buôn bán, vận chuyển lợn trái phép qua biên giới; không sử dụng các sản phẩm từ lợn nhập lậu không rõ nguồn gốc.
Bài, ảnh: BIỆN LUÂN
Ý kiến bạn đọc