Phát triển du lịch gắn xây dựng các sản phẩm đặc thù ở Đồng Văn
BHG - Nhằm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, huyện Đồng Văn đã có nhiều chính sách thu hút, thúc đẩy du lịch phát triển, chú trọng khai thác các lợi thế sẵn có của địa phương. Trong đó, phát triển du lịch gắn với xây dựng những sản phẩm đặc thù, có chất lượng cao trở thành thương hiệu sản phẩm du lịch cho Cao nguyên đá Đồng Văn là một trong những biện pháp tích cực đã và đang triển khai thực hiện có hiệu quả.
Mật ong Bạc hà - sản phẩm du lịch đặc trưng của Cao nguyên đá Đồng Văn thu hút nhiều người tiêu dùng. |
Với tiềm năng, lợi thế lớn, ngành Du lịch huyện Đồng Văn có khả năng phát triển ở tất cả các loại hình du lịch và tạo nên những sản phẩm đặc thù của vùng: Du lịch khám phá, tham quan, nghiên cứu tại các điểm di tích như Dinh thự nhà Vương (xã Sà Phìn), Cột cờ Quốc gia Lũng Cú (Lũng Cú), di tích Đồn cao (thị trấn Đồng Văn); du lịch trải nghiệm, sinh thái tại các làng văn hóa cộng đồng, các homestay, để du khách cùng tham gia các hoạt động trong đời sống của người dân; du lịch văn hóa tâm linh với hệ thống các di tích văn hóa chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, kiến trúc gắn với văn hóa tín ngưỡng độc đáo, hệ thống lễ hội phong phú, nhiều hoạt động văn hóa gắn với đời sống của đồng bào như: Lễ hội Khèn Mông, Lễ hội Hoa Tam giác mạch, Lễ hội Gầu tào,... Hiện, Bảo tàng Không gian Văn hóa các dân tộc vùng Cao nguyên đá tại thị trấn Đồng Văn đã được xây dựng, trở thành nơi trưng bày, gìn giữ nhiều nét văn hóa đặc sắc, phục vụ du khách tham quan và tìm hiểu. Loại hình du lịch thương mại tại các cửa khẩu biên giới hay hệ thống chợ phiên độc đáo, như: Chợ Đồng Văn, Sà Phìn, Phố Bảng cũng là một trong những sản phẩm du lịch đặc sắc trên Cao nguyên đá mà rất nhiều du khách muốn trải nghiệm.
Mặc dù có thể phát triển các sản phẩm du lịch ở tất cả các loại hình, tuy nhiên, với xuất phát điểm người dân trong huyện chủ yếu làm nông nghiệp nên Đồng Văn đặc biệt tập trung vào loại hình du lịch nông nghiệp, phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc thù phục vụ du lịch. Hiện nay, trên địa bàn huyện Đồng Văn có 13 cơ sở và 8 làng nghề sản xuất, chế biến các sản phẩm thuộc lĩnh vực nông nghiệp, như: Bánh Tam giác mạch, mật ong Bạc hà, gạo Khẩu Mang, chế biến chè Shan tuyết, Đậu xị, tinh dầu từ quả Óc chó,… Đây đều là những sản phẩm đặc trưng thu hút khách du lịch đến thưởng thức, mua làm quà. Trong đó, một số loại được huyện chỉ đạo quy hoạch vùng trồng như: Tam giác mạch, hoa Bạc hà; tiến hành chuyển đổi cơ cấu cây trồng và có chính sách hỗ trợ, khuyến khích việc gieo trồng và sản xuất các sản phẩm từ Tam giác mạch để tăng thu nhập cho người dân… Từ thực tế, việc phát triển sản xuất nông nghiệp gắn kết với du lịch là hướng đi thiết thực trong việc tạo diện mạo nông thôn mới, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập cho người dân trên Cao nguyên đá.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Thanh, Bí thư Huyện ủy Đồng Văn cho biết: Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX, nhiệm kỳ 2015- 2020, Đồng Văn đã và đang triển khai thực hiện nhiều biện pháp tích cực để thúc đẩy du lịch phát triển. Trong đó, mỗi vùng sẽ tập trung khai thác các tiềm năng sẵn có để tạo ra sản phẩm du lịch đặc thù. Cụ thể: Đối với thị trấn Phố Bảng, sẽ đẩy mạnh phát triển du lịch dựa trên lợi thế là sự đa dạng về ẩm thực và sôi động về thương mại, dịch vụ; xây dựng các sản phẩm đặc trưng cho từng vùng, để khi nhắc đến, du khách có thể nhận biết ngay ở đó có sản phẩm gì đặc trưng như đặc sản Gà xương đen ở xã Tả Lủng,… Đồng thời, huyện cũng có kế hoạch bảo tồn những sản phẩm du lịch này, như tu sửa, nâng cấp các điểm di tích; phát triển dựa trên sự bảo tồn các nét văn hóa phi vật thể; có nhiều chính sách hỗ trợ về vốn, công nghệ, nâng cao chất lượng các sản phẩm nông nghiệp phục vụ du lịch,.. Từ đó, giúp Đồng Văn hướng đến phát triển du lịch bền vững và tạo ra được những sản phẩm mang tính đặc thù, riêng có.
Bài, ảnh: MY LY
Ý kiến bạn đọc