Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động các chợ ở Đồng Văn
BHG - Chợ vùng cao là “bộ mặt” thể hiện sự phát triển giao thương của từng vùng và là nét văn hóa của đồng bào trên Cao nguyên đá. Từ xa xưa, các chợ truyền thống trên địa bàn huyện Đồng Văn đã phát huy tốt vai trò phục vụ nhu cầu thiết yếu trong đời sống của người dân và thúc đẩy phát triển thương mại. Tuy nhiên, việc quản lý và hiệu quả hoạt động của các chợ truyền thống vẫn còn nhiều bất cập… Từ thực tế đó, việc rà soát, đánh giá lại để từng bước đầu tư, nâng cấp và nâng cao hiệu quả hoạt động là hết sức cần thiết; nhằm thúc đẩy phát triển nền kinh tế của địa phương.
Chợ Lũng Phìn thu hút rất đông tiểu thương và người dân đến giao thương. |
Có mặt tại chợ Lũng Phìn, xã Lũng Phìn (Đồng Văn); theo quan sát, từ rất sớm, dọc 2 bên đường dẫn đến trung tâm chợ chật kín ô-tô, xe máy. Chợ Lũng Phìn là phiên chợ lùi, 6 ngày diễn ra 1 phiên và là một trong những chợ vùng cao nổi tiếng, được đánh giá sầm uất bậc nhất so với chợ trung tâm tại các huyện vùng Cao nguyên đá. Chợ xây dựng từ năm 2001 và được nâng cấp mở rộng vào năm 2011, với quy mô trên 6.000 m2; chợ Lũng Phìn nằm ở vị trí giao tiếp giữa 3 huyện Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc; mỗi phiên chợ thu hút lượng lớn các tiểu thương, người dân đến mua bán, trao đổi hàng hóa. Anh Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Lũng Phìn, cho biết: Do có chợ, người dân trong xã hiện đa phần đều có nghề buôn bán; nên đời sống rất ổn định và khá giả. Tuy nhiên, vào mỗi phiên chợ, có đến trên 3.000 xe máy và từ 30 – 40 xe ô-tô các loại dừng đỗ 2 bên đường; gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn giao thông. Từ lâu, xã đã có kiến nghị về việc mở rộng diện tích chợ và xây dựng bãi đỗ xe cho hợp lý… Mong muốn trong thời gian tới, chợ sẽ được đầu tư xây dựng lại để phục vụ tốt nhất cho người dân, cũng như góp phần vào phát triển kinh tế chung của địa phương.
Hiện, trên địa bàn huyện Đồng Văn có 8/19 xã, thị trấn có chợ; đáp ứng cơ bản nhu cầu trao đổi hàng hóa của người dân bản địa và khách du lịch. Thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các chợ trên địa bàn các huyện” của Sở Công thương; UBND huyện Đồng Văn giao Phòng Kinh tế - hạ tầng và các phòng, ban liên quan tăng cường quản lý, thanh tra, giám sát nhằm phát huy hiệu quả của hệ thống chợ trên địa bàn theo quy hoạch đã được phê duyệt; đồng thời tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng hệ thống chợ trên địa bàn để xem xét, điều chỉnh hoặc xây mới theo từng giai đoạn, phù hợp với quy hoạch phát triển thương mại của huyện...
Đối với việc đầu tư xây dựng chợ, huyện chỉ đạo tập trung xem xét, ban hành các cơ chế, chính sách và giải pháp nhằm huy động, khai thác các nguồn lực cùng với nguồn ngân sách địa phương để đầu tư xây dựng và có quy định cụ thể đối với việc sử dụng, quản lý hoạt động kinh doanh tại chợ cho phù hợp. Đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra thường xuyên, liên tục nhằm nắm bắt tình hình và xử lý nghiêm các quy định về quản lý, đầu tư, kinh doanh tại các chợ trên địa bàn đối các hành vi vi phạm về kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng… Theo kế hoạch của huyện, để đảm bảo thống nhất việc quản lý các chợ trong thời gian tới, huyện sẽ thành lập Ban Quản lý chung để quản lý tất cả các chợ, thay vì giao cho xã trực tiếp quản lý như trước đây.
Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn huyện có chợ Sà Phìn, xã sà Phìn vừa được xây mới, với quy mô lớn và hiện đại; đáp ứng được nhu cầu trao đổi hàng hóa của người dân các xã lân cận như: Sảng Tủng, Lũng Táo,… Hiện chợ Phố Cáo, xã Phố Cáo cũng đang được nâng cấp, mở rộng và tiếp đó là chợ Lũng Táo... Việc đầu tư nâng cấp và mở rộng các chợ truyền thống không chỉ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, trao đổi, mua bán hàng hóa phục vụ cuộc sống của người dân; mà còn giữ gìn được nét đẹp văn hóa truyền thống, riêng có của đồng bào dân tộc trên Cao nguyên đá, đó là “Văn hóa chợ phiên”.
Bài, ảnh: MY LY
Ý kiến bạn đọc