Liên kết sản xuất, chế biến chè giữa doanh nghiệp và người dân xã Tân Lập bao giờ thành hiện thực?
BHG - Xã Tân Lập (Bắc Quang) hiện có trên 458 ha chè (294 ha chè hữu cơ), 403 ha đang cho thu hoạch, sản lượng chè búp tươi hàng năm ước đạt gần 400 tấn. Trên địa bàn xã có Nhà máy chế biến chè của Công ty TNHH MTV Hoàng Long (Nhà máy chè Hoàng Long) được đầu tư xây dựng hiện đại. Nhưng, việc liên kết giữa doanh nghiệp và người dân vùng nguyên liệu chè chưa thực sự phát huy hiệu quả.
Công nhân Nhà máy chè Hoàng Long thu hái chè búp nguyên liệu. |
Đón tôi tại Nhà máy chè Hoàng Long vào một ngày đầu Thu, anh Trần Đình Hưng, cán bộ nhà máy cho biết: Nhà máy, được xây dựng tại km 13, thôn Chu Thượng, xã Tân Lập, nằm trên trục tỉnh lộ 177 (Tân Quang - Hoàng Su Phì) nên rất thuận lợi cho việc giao thương hàng hoá. Nhà máy gồm hai dây chuyền chế biến chè hiện đại theo công nghệ Nhật Bản rất hiện đại. Trong xưởng sản xuất có 1 công nhân đang đảo lại số chè nguyên liệu được phơi, sấy diệt men làm chè đen. Anh Hưng phân trần, thời gian này chè chưa vào vụ hái nên nhà máy chưa có nguyên liệu chế biến.
Giới thiệu sản phẩm chè của doanh nghiệp, anh Hưng lấy trên kệ hộp trà đặc sản cao cấp màu phấn hồng. Trong hộp gồm nhiều túi trà nhỏ được hút chân không, xếp đều, bao ngoài bởi tấm lụa đỏ rất bắt mắt. Sản phẩm này được Chứng nhận đạt chất lượng trà hữu cơ do nhà máy chế biến xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và các nước có nền kinh tế phát triển. Anh Hưng cho biết thêm, gần 8 tháng qua, nhà máy, chế biến được trên 70 tấn sản phẩm trà các loại. Giá chè búp tươi được nhà máy thu mua từ 8 – 9,5 nghìn đồng/kg, cao hơn khoảng 2.000 – 2.500 đ/kg so với cùng kỳ năm trước. Nhà máy đặt mục tiêu thu mua chè búp tươi hái theo đơn đặt hàng “1 tôm 2 lá” với người dân vùng nguyên liệu, nhưng vẫn chưa thành công. Bởi lẽ, bà con nơi đây vẫn hái chè theo lối cũ nên không đạt tiêu chuẩn khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc phân loại chè nguyên liệu.
Chủ tịch UBND xã Tân Lập Hoàng Quang Hùng cho hay: Lợi thế lớn nhất của Nhà máy chè Hoàng Long là công nghệ hiện đại, vốn lớn và làm ăn uy tín. Thế nhưng, nhà máy vẫn chưa thể liên kết, thống nhất được với người dân về giá thu mua nên mới rơi vào tình trạng nằm giữa vùng nguyên liệu nhưng vẫn không đủ nguyên liệu chế biến. Có 2 nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, đó là: Người dân địa phương vẫn thu hái theo phương thức cũ và giá thu mua của nhà máy chưa có sức hút người trồng chè.
Vậy làm thế nào hình thành được liên kết giữa Nhà máy chè Hoàng Long với người dân, Bí thư Đảng uỷ xã Tân Lập Triệu Chàn Khuân cho rằng: Cần sự nỗ lực gắn kết hơn nữa từ phía nhà máy với nhà trồng chè. Trước hết, giá thu mua phải có tính cạnh tranh, có cơ chế hỗ trợ nhà nông thâm canh tăng năng suất, sản lượng chè búp tươi. Hiện nay, Đảng bộ, chính quyền địa phương đang nỗ lực vận động người dân thay đổi phương thức canh tác, nhằm đạt các thỏa thuận trong quá trình thu mua với doanh nghiệp.
Bài, ảnh: Nguyễn Hùng
Ý kiến bạn đọc