Kỳ vọng từ OCOP
BHG - Từ nay đến năm 2020, tỉnh ta sẽ lựa chọn, hoàn thiện, nâng cấp 80 - 100 sản phẩm thế mạnh nông nghiệp và dịch vụ du lịch nông thôn hiện có của các địa phương; có ít nhất 3 sản phẩm 5 sao cấp tỉnh, 2 sản phẩm 3-5 sao cấp quốc gia; có 700 - 900 sản phẩm, tạo ra 150 - 200 tổ chức kinh tế OCOP ở thời điểm năm 2030... Mục tiêu trên đang được các cấp, ngành, chính quyền cơ sở trên địa bàn tỉnh tích cực triển khai, nhằm hiện thực hóa Đề án Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020, định hướng 2030 (OCOP).
OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng nội sinh và gia tăng giá trị; gắn phát triển nông thôn với đô thị; giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng Nông thôn mới. Trọng tâm của OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế theo hướng gia tăng giá trị, do các tổ chức kinh tế tập thể và tư nhân thực hiện. Trong đó, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách, hỗ trợ đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hoá, dịch vụ. Đề án không giới hạn số sản phẩm của một xã, phường, thị trấn; các sản phẩm, dịch vụ của OCOP được phát triển dựa trên lợi thế so sánh, có tác động tích cực đến cộng đồng…
Chè Sanh tuyết Pìn Hồ, Mật ong Bạc Hà Mèo Vạc là những sản phẩm nông nghiệp, nông thôn tiêu biểu của tỉnh ta |
Đề án OCOP được triển khai với mục tiêu: Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh (ưu tiên phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa) để sản xuất các sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ du lịch có lợi thế, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng nội sinh và gia tăng giá trị; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí Quốc gia xã Nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020. Thông qua phát triển sản xuất khu vực nông thôn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động hợp lý, bảo vệ môi trường và gìn giữ, phát triển xã hội theo hướng bền vững.
Nguồn kinh phí thực hiện Đề án OCOP gần 141 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước trên 65 tỷ đồng, huy động cộng đồng gần 76 tỷ đồng. Trong năm nay, tỉnh ta triển khai thí điểm tại huyện Quản Bạ với các nội dung: Tổ chức tuyên truyền về OCOP; khảo sát hiện trạng, đề xuất chiến lược phát triển một số sản phẩm thế mạnh; tái cơ cấu hoặc thành lập mới tổ chức kinh tế; xây dựng và triển khai kế hoạch kinh doanh; đánh giá và phân hạng sản phẩm. Giai đoạn 2018-2020, tập trung truyền thông, giúp cộng đồng phân biệt được sản phẩm và chủ thể OCOP, từ đó đề xuất sản phẩm và xây dựng mô hình sản xuất, kinh doanh thích hợp; huấn luyện các chủ thể OCOP xây dựng câu chuyện sản phẩm; tư vấn và hỗ trợ các chủ thể OCOP xây dựng hệ thống tổ chức, bảo đảm chất lượng sản phẩm; huấn luyện và tư vấn kỹ năng bán hàng; rà soát sản phẩm OCOP được phân hạng 5 sao cấp tỉnh, từ đó xây dựng kế hoạch hỗ trợ phát triển, cải tiến và nâng cấp quy mô, chất lượng, tiến đến xuất khẩu. Giai đoạn 2021 - 2030, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP đến các nước trong và ngoài khu vực Asean; xây dựng mô hình nông nghiệp và kinh doanh 4.0, tạo ra sản phẩm OCOP đáp ứng nhu cầu trong thời kỳ mới.
Theo đồng chí Đỗ Tấn Sơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT, việc triển khai Đề án OCOP sẽ tạo ra các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh ở cấp cộng đồng trên phạm vi toàn quốc; tạo ra các tổ chức kinh tế OCOP, dưới dạng hợp tác xã, Tổ hợp tác, hộ đăng ký kinh doanh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển hợp tác xã và Quốc gia khởi nghiệp; tạo ra luồng đầu tư của cộng đồng thông qua phát triển sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP; tạo ra khối lượng hàng hóa, kèm theo đó là các hình thức quảng bá, giới thiệu, bán hàng phong phú. Bên cạnh đó, OCOP còn tạo công ăn việc làm khu vực nông thôn, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị. Thông qua việc góp vốn, OCOP khiến một bộ phận lớn dân cư các cộng đồng vùng nông thôn trở thành chủ nhân quá trình phát triển kinh tế, từng bước thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo bền vững...
THIÊN THANH
Ý kiến bạn đọc