Hà Giang, danh tiếng miền chè Shan - Kỳ I: Trứ danh Shan trà

15:08, 26/09/2018

BHG - Trên bản đồ những vùng chè truyền thống ở Việt Nam và thế giới, Hà Giang có vị trí nổi bật. Điều này được minh chứng qua những cây chè Shan tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi đang tươi tốt, Những cây chè Shan cổ thụ và diện tích chè Shan hiện có không chỉ góp phần đưa Hà Giang trở thành địa phương có sản lượng chè đứng thứ 3 cả nước, mà còn tạo nên chỉ dẫn địa lí, thương hiệu và bản sắc cho miền chè Hà Giang.

Một thân chè Shan cổ thụ ở thôn Sàng Sò, xã Sủng Trà (Mèo Vạc).    Ảnh: Chu Việt Bắc
Người dân Hoàng Su Phì thu hái chè Shan tuyết. Ảnh: Chu Việt Bắc

Không biết tự khi nào, cây chè Shan tuyết đã bén rễ trên đất Hà Giang. Nhưng nhìn những cây chè Shan cổ thụ hiện có trên dải Tây Côn Lĩnh có thể thấy, cây chè có cả một bề dày lịch sử gắn với cộng đồng các dân tộc ở Hà Giang, đặc biệt với các dân tộc Mông, Dao. Vì thế nhắc đến Hà Giang, người dân các tỉnh, thành sẽ nói đến chè Shan tuyết, một sản vật đặc biệt được đất trời ban tặng người dân nơi đây.

Người dân Hoàng Su Phì thu hái chè Shan tuyết.         Ảnh: Chu Việt Bắc

Một thân chè Shan cổ thụ ở thôn Sàng Sò, xã Sủng Trà (Mèo Vạc). Ảnh: Huy Toán

Có một điển tích về Shan trà Hà Giang, đó là từ thời Mạc, thứ chè Shan hái từ núi Tây Côn Lĩnh đã đến tay Mạc Đăng Dung (1483 – 1541, người sáng lập triều Mạc), ông rất thích loại chè này bởi nước xanh, hương thơm, vị ngọt từ miệng lan tỏa trong cơ thể, đem lại sự sáng khoái lạ thường sau khi thưởng thức. Khi sắp qua đời, Mạc Đăng Dung có sai người mang đến cho ông một thanh đao và một ấm trà Tây Côn Lĩnh. Phải chăng vì thế mà người đời sau khi nhắc đến chè Shan Tây Côn Lĩnh Hà Giang thì gọi là Mạc trà - một điển tích hiếm có.

Trong câu chuyện về Shan trà, anh Nguyễn Văn Thành, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông, lâm sản và thủy sản Hà Giang, cho biết: Với khí hậu mát mẻ, độ cao của vùng trồng chè Shan tuyết Hà Giang khoảng 1.200 – 2.200m so với mực nước biển. Ở điều kiện này, cây chè Shan phát triển rất tốt, cho chất lượng cực thơm, ngon. Trải qua lịch sử phát triển, đến nay vùng chè Shan ở Hà Giang ngày càng được mở rộng, bám quanh khu vực dãy Tây Côn Lĩnh, gồm các huyện Vị Xuyên, Hoàng Su Phì, Bắc Quang, Xín Mần, Quang Bình và thành phố Hà Giang. Theo thống kê đến cuối năm 2017, diện tích chè Shan toàn tỉnh có trên 16 ngàn ha. Trong đó, Hoàng Su Phì là địa phương có diện tích nhiều nhất, trên 4.500 ha, kế đến là Vị Xuyên trên 3.600 ha, các huyện Quang Bình, Bắc Quang, Xín Mần có từ 2.300 – 2.800 ha. Ngay tại các thôn vùng cao của thành phố Hà Giang cũng có hơn 300 ha chè Shan do người Dao trồng.

Theo các nhà khoa học, chè Shan Hà Giang có sự khác biệt với chè Shan ở một số tỉnh miền núi phía Bắc. Là loại cây thân gỗ, phân cành thưa, có thể phát triển với độ cao từ 6 – 10 m; lá to, dài, có nhiều răng cưa, búp chè to, tôm chè có nhiều lông tơ trắng mịn như tuyết. Đây là loại chè cho năng suất tốt với 4 vụ thu hoạch/năm. Chất lượng chè có thể chinh phục cả người uống khó tính nhất, bởi nó hội tụ chuẩn, đậm các yếu tố sắc – hương – vị. Đây là ưu thế hơn hẳn của chè Shan Hà Giang so với những vùng chè Shan ở các tỉnh khác như Yên Bái, Lai Châu hay Lạng Sơn… Có thể khẳng định, tập quán trồng, chăm sóc, thu hoạch chè cộng với các yếu tố đặc biệt về thổ nhưỡng, khí hậu đã tạo nên chất lượng đặc biệt cho chè Shan tuyết Hà Giang.

Được biết, từ thời phong kiến đến thời kỳ Pháp thuộc, chè Shan Hà Giang được coi là thứ hàng hóa giá trị. Đồng bào Mông, Dao ở vùng cao thường thu hái chè, sao kỹ, cho vào ống tre, bao vải mang xuống chợ đổi lương thực, muối và các nhu yếu phẩm. Cây chè Shan được người Pháp khi ở Hà Giang rất chú ý, là một sản vật nằm trong hành lý khi đem về Hà Nội hoặc về Pháp.

Cây chè Shan hiện trở thành sinh kế quan trọng của biết bao hộ dân. Danh tiếng cộng với sự nỗ lực của tỉnh, ngành Nông nghiệp và các công ty, hợp tác xã, hàng ngàn hộ sản xuất góp phần tạo nên những vùng chè Shan có tiếng, như: Vùng chè Shan Cao Bồ, Thượng Sơn (Vị Xuyên) với sản phẩm chè Shan Cao Bồ, Bách Shan trà, chè Thượng Sơn; vùng chè Phìn Hồ, xã Thông Nguyên (Hoàng Su Phì) với sản phẩm Fìn Hò Trà; vùng chè Vĩnh Tuy (Bắc Quang) có chè Shan tuyết công phu Độ Khoa; vùng chè Nà Chì (Xín Mần) có sản phẩm chè Bản Vẽ, Tuấn Băng Trà…

Qua khảo sát thị trường cho thấy, với chất lượng hảo hạng, hiện giá bán chè Shan tươi ở Hà Giang giao động từ khoảng 8.000 – 40.000đ/kg; giá bán chè thành phẩm từ 100.000 – 250.000đ/kg, có loại bán được đến trên 2.000.000đ/kg, tùy chất lượng, cách chế biến và thương hiệu. Thật đặc biệt khi sản phẩm chè đang đứng thứ nhất về số lượng xuất khẩu trong cơ cấu các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Anh Phạm Văn Quang, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến công và xúc tiến công thương Hà Giang khẳng định, có được điều này là bởi vùng chè Hà Giang chủ yếu tập trung ở những địa phương vùng cao, chưa thâm canh sản xuất, không sử dụng tràn lan thuốc bảo vệ thực vật. Vì thế, các sản phẩm chè ở đây được coi như những sản phẩm hữu cơ, sạch và đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường khó tính…

Thống kê của tỉnh cho thấy, hiện nay với khoảng 21.000 ha chè, sản phẩm chè nói chung và chè Shan tuyết nói riêng của Hà Giang đã xuất bán đến thị trường trên 20 quốc gia. Nhờ những nỗ lực xây dựng uy tín, thương hiệu, đến nay toàn tỉnh có đến 6.443,5 ha chè sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và hữu cơ.

Đặc biệt từ năm 2015, chè Shan tuyết với quần thể 220 cây cổ thụ từ 100 – 300 năm tuổi của xã Cao Bồ, huyện Vị Xuyên đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam trao Bằng công nhận cây Di sản Việt Nam. Và vừa qua, với sự nỗ lực của tỉnh trong xây dựng thương hiệu, khẳng định uy tín vùng chè Shan, Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam đã có quyết định cấp Giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm chè Shan tuyết Hà Giang. Phạm vi Chỉ dẫn địa lý bao gồm các khu vực trồng và chế biến chè Shan ở các huyện Bắc Quang, Quang Bình, Xín Mần, Hoàng Su Phì, Vị Xuyên và 2 xã vùng cao của thành phố Hà Giang. Qua đó, tiếp tục khẳng định sự đặc biệt, riêng biệt của danh tiếng, chất lượng cây chè và sản phẩm chè Shan tuyết tỉnh nhà.

Trong cuộc trao đổi với chúng tôi dịp Tết Mậu Tuất 2018, đánh giá về tình hình phát triển KT – XH của tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh khẳng định, Hà Giang đã có chuỗi sản phẩm mang thương hiệu của tỉnh rất tốt; có định tính và đến lúc chúng ta phải có định lượng để tiếp tục đẩy mạnh xây dựng thương hiệu thời gian tới. Từ đánh giá của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, có thể thấy cùng với chuỗi các sản phẩm của Hà Giang, sản phẩm chè nói chung và chè Shan tuyết nói riêng đang có những bước đi vững chắc trong việc xây dựng thương hiệu từ định tính sang định lượng, đóng góp quan trọng vào sự phát triển KT - XH của tỉnh, xây dựng danh tiếng, bản sắc văn hóa của miền đất Hà Giang – miền Shan trà trứ danh của cả nước.

Kỳ cuối: Đi tìm các “cụ” chè Shan khổng lồ

HUY TOÁN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Động lực của người dân xã Cán Tỷ

BHG - Sau khi được huyện Quản Bạ triển khai nguồn vốn vay theo Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh về chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa; nhận thấy đây là chính sách thiết thực đối với bà con nhân dân, cấp ủy chính quyền xã Cán Tỷ đã chủ động thông tin, tuyên truyền tới người dân để hiểu rõ hơn về những nội dung của Nghị quyết 209. Đến nay, trên địa bàn xã có nhiều hộ sử dụng hiệu quả nguồn vốn này vào chăn nuôi theo quy mô gia trại; đồng thời chuyển đổi 1 phần diện tích đất kém hiệu quả sang trồng cỏ để tạo nguồn thức ăn cho đàn gia súc.

 

26/09/2018
Đảng viên trẻ Giàng Seo Lìn sử dụng hiệu quả vốn vay

BHG - Pà Vầy Sủ là xã vùng cao thuộc diện khó khăn nhất của huyện Xín Mần, việc tiếp cận Nghị quyết 209 về hỗ trợ vốn phát triển kinh tế cho người dân vẫn còn nhiều khó khăn. Là địa phương có địa hình đồi núi, độ dốc lớn, nguy cơ sạt lở cao; để xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế ở đây rất vất vả. Hiện, xã Pà Vầy Sủ mới có 3 hộ đáp ứng đủ các tiêu chí vay vốn từ Nghị quyết số 209. Trong đó có đảng viên trẻ Giàng Seo Lìn, thôn Thèn Ván; người đầu tiên có đủ điều kiện vay vốn và sử dụng nguồn vốn hiệu quả.

 

26/09/2018
Phát triển chăn nuôi trâu, bò hàng hóa từ nguồn vốn 209

BHG - Được giải ngân theo chương trình cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn của Agribank; nhiều hộ dân ở thị trấn Tam Sơn (Quản Bạ) đã có cơ hội phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa và vươn lên thoát nghèo bền vững. Đến thăm hộ anh Nguyễn Hữu Chinh, thôn Nà Chang, thị trấn Tam Sơn; bước vào ngôi nhà xây vững chãi, sân được láng xi - măng sạch sẽ anh Chinh chia sẻ: Trước đây, gia đình mình ở nhà trình tường, theo thời gian, ngôi nhà cũng ngày một xuống cấp... Chính vì vậy, sau nhiều năm hai vợ chồng mình cùng dốc sức vào nuôi trâu, lợn để có tiền xây dựng lại ngôi nhà như hôm nay...

26/09/2018
Rút tiền không dùng thẻ - dịch vụ tiện ích mới tại Agribank

BHG - Đón đầu xu hướng phát triển của thị trường thẻ, với mong muốn đem lại cho khách hàng cơ hội trải nghiệm những sản phẩm dịch vụ tiện lợi và hiện đại, Agribank đã ra mắt tính năng cho phép người dùng có thể rút tiền bằng mã tại ATM không cần thẻ, nhận tiền không cần tài khoản. Đây là tính năng mới và tiện lợi, hỗ trợ khách hàng có thể nhận được tiền trong những trường hợp khẩn cấp như quên thẻ, thẻ hết hạn sử dụng, thẻ bị mất/đánh cắp, không có tài khoản tại ngân hàng. 

26/09/2018