Xã Thanh Đức chủ động liên kết sản xuất dược liệu
BHG - Là một trong 5 xã vùng cao, biên giới vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn của huyện Vị Xuyên. Thanh Đức có địa hình phức tạp, bị chia cắt nhiều bởi các khe suối, đồi núi cao, giao thông đi lại khó khăn… Song với những cố gắng, nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và nhân dân; những năm qua, xã Thanh Đức đã đạt được những thành tích đáng khích lệ trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, phát triển KT – XH và đảm bảo QP – AN. Nổi bật trong đột phá phát triển kinh tế của xã là đã chủ động liên kết với doanh nghiệp trồng thử nghiệm cây Đương quy, một trong những cây dược liệu phù hợp với thời tiết, thổ nhưỡng của xã.
Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện kiểm tra mô hình trồng Đương quy tại Thanh Đức. |
Ở Thanh Đức, khí hậu được phân chia thành 2 mùa rõ rệt, mùa mưa kéo dài từ tháng 4 đến tháng 10 dương lịch, lượng mưa trung bình từ 150 - 200 mm; có năm lên đến 300 mm, mùa khô từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau. Nhiệt độ trung bình năm dao động từ 25 độ C đến 36 đo C vào mùa Hè, từ 7 độ C đến 16 độ C vào mùa Đông. Đất đai phì nhiêu, đa số là đất pha cát tơi xốp thích hợp trồng các loại cây lấy củ như các loại khoai, sắn, Đương quy và các loại dược liệu lấy củ khác. Trên cơ sở thời tiết, thổ nhưỡng thuận lợi, xã đã nghiên cứu, tìm tòi và trồng thử nghiệm các loại cây trồng phù hợp và có hiệu quả kinh tế, mang lại nguồn thu nhập cao, bền vững cho người dân. Đương quy là loại cây dược liệu lấy củ được xã lựa chọn đưa vào trồng thử nghiệm, để loại dược liệu này phát huy được thế mạnh trên đồng đất Thanh Đức; lãnh đạo xã đã chủ động tìm kiếm đối tác, liên kết với doanh nghiệp để phát triển loại cây dược liệu này. Qua tìm hiểu, khảo sát các doanh nghiệp chuyên sản xuất, chế biến dược liệu, xã ký hợp đồng liên kết với Công ty Dược liệu xanh Việt Nam để triển khai đề án mang tính đột phá này. Để thực hiện đề án thành công, xã tổ chức cho một số cán bộ các ban, ngành, đoàn thể và một số hộ dân đi tham quan, học hỏi mô hình trồng cây dược liệu tại xã Quyết Tiến (Quản Bạ). Bên cạnh đó, xã phối hợp chặt chẽ với cán bộ kỹ thuật của Công ty Dược liệu xanh Việt Nam lựa chọn cây giống (do Công ty cung ứng), tập huấn kỹ thuật làm đất, chuẩn bị phân bón, cách gieo trồng và chăm sóc cho các hộ thực hiện đề án.
Theo kế hoạch ban đầu, đề án được thực hiện trên diện tích 3 ha. Qua việc khảo sát diện tích đất, lựa chọn các hộ có điều kiện, khả năng; xã đã chọn 15 hộ ở các thôn: Nặm Nịch, Nặm Tà và Nặm Tẳm để thực hiện đề án, với diện tích 2 ha (20 vạn cây giống). Cây trồng đợt I từ tháng 11.2017, đợt II vào tháng 1.2018; hiện nay, cây sinh trưởng và phát triển tốt, không bị sâu bệnh hại. Theo đồng chí Triệu Văn Mành, Chủ tịch UBND xã: Được sự hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật của Công ty Dược liệu xanh, các hộ thực hiện đề án đã tuân thủ nghiêm quy trình kỹ thuật trong các khâu từ làm đất, gieo trồng và chăm sóc. Công ty cũng cam kết bao tiêu sản phẩm cho người dân với giá thu mua từ 10.500 đồng đến 15.000 đồng/kg củ tươi. Theo ước tính, với diện tích 2 ha sẽ cho thu 2 tấn củ và cho thu nhập từ từ 105 đến 150 triệu đồng/ha. Qua trồng thử nghiệm cho thấy, cây Đương quy rất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, chắc chắn sẽ cho hiệu quả kinh tế cao; xã đã có kế hoạch phát triển diện tích theo từng năm, từ nay đến 2020 sẽ nhân rộng lên 15 ha.
Đồng chí Trần Mạnh Tuyên, Trưởng phòng Nông nghiệp – PTNT huyện Vị Xuyên cho biết, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng xây dựng phương án hỗ trợ xã mở rộng diện tích, hỗ trợ cây giống với tổng số tiền 200 triệu đồng cho các hộ dân tham gia dự án; nhằm giúp bà con thay đổi tư duy trong cơ cấu cây trồng; góp phần từng bước xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân vùng đất khó như Thanh Đức.
Ngoài cây Thảo quả được người dân Thanh Đức trồng và thu hoạch đã nhiều năm, cây Đương quy là loại cây dược liệu mới, hy vọng, với 2 loại cây dược liệu này sẽ mang lại nguồn thu nhập cao, góp phần giúp bà con trong xã vượt qua những khó khăn của cuộc sống.
Bài, ảnh: An Dương
Ý kiến bạn đọc