Quản Bạ phát triển vùng dược liệu liên kết theo chuỗi giá trị
BHG - Hiện nay, diện tích các loại cây dược liệu ở huyện Quản Bạ ngày càng tăng, đã tạo việc làm cho hơn 1.000 lao động. Thu nhập từ dược liệu của các hợp tác xã (HTX) và nhân dân các xã, thị trấn cũng tăng theo, trung bình từ 100 - 150 triệu đồng/hộ/năm. Nhận thức và kỹ thuật sản xuất có sự chuyển biến, đời sống người dân ngày càng được nâng lên.
Người dân xã Quyết Tiến (Quản Bạ) chăm sóc cây Đương quy. |
Đến nay, toàn huyện Quản Bạ có 145 ha cây dược liệu, với sự tham gia trồng của các doanh nghiệp, HTX là 32,9 ha; nhân dân các xã, thị trấn trồng đạt 112,1 ha. Có được thành quả này, huyện đã chỉ đạo ngành chuyên môn và các xã, thị trấn làm tốt hỗ trợ, phối hợp với các công ty, HTX, tổ hợp tác (THT) phát triển trồng các loại cây dược liệu. Quan tâm đến đào tạo nghề, mở các lớp tập huấn kỹ thuật trồng cây dược liệu cho lao động nông thôn, góp phần thay đổi nhận thức về chăm sóc, bảo tồn các loại cây dược liệu bản địa, qua đó năng suất và hiệu quả kinh tế từ trồng cây dược liệu được nâng lên. Việc triển khai trồng thử nghiệm thành công một số cây dược liệu đã khẳng định sự phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai, thổ nhưỡng của vùng và tạo được lòng tin cho nhân dân trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Với lợi thế về phát triển cây dược liệu, huyện chú trọng đầu tư, hỗ trợ nhân dân tạo thành vùng dược liệu có sự liên kết theo chuỗi giá trị. Bằng việc tổ chức ký thỏa thuận hợp tác, hợp đồng bao tiêu sản phẩm, thúc đẩy hình thành mối liên kết giữa doanh nghiệp với các HTX, THT và người dân. Các chính sách khuyến khích sản xuất nông - lâm nghiệp hàng hóa cũng là “đòn bẩy” quan trọng giúp phát triển cây dược liệu theo hướng hàng hóa. Thực hiện Nghị quyết số 209 của HĐND tỉnh đã có 4 hộ dân vay vốn trồng dược liệu, 1 HTX vay vốn xây dựng cơ sở sơ chế với tổng số tiền giải ngân 1,4 tỷ đồng. Cùng với các chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện đã ban hành Nghị quyết số 14 của HĐND huyện về hỗ trợ phân bón và màng phủ ni-lon cho các HTX, THT và các hộ trồng dược liệu.
Nhờ các cơ chế, chính sách phù hợp đã thu hút được một số doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển dược liệu trên địa bàn, như: Công ty Cổ phần (CP) Thương mại phát triển Nông lâm nghiệp Bình Minh 3, Công ty CP phát triển công nghệ Hà Giang, Công ty CP Dược khoa (DK Pharma), Công ty CP phát triển dược liệu ANVY Hà Giang… Qua đó, tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương. Điển hình như Công ty ANVY Hà Giang đã trồng dược liệu ở huyện được vài năm nay, từ 4 ha dược liệu ban đầu, đến nay mở rộng lên 12 ha, trồng các loại: Địa hoàng 3,5 ha, Tục đoạn 3 ha, Bạch truật 3 ha... Công ty đã đầu tư xây dựng 1 nhà lưới diện tích 0,3 ha; tạo việc làm cho gần 20 lao động địa phương với mức lương từ 3-4 triệu đồng/người/tháng.
Mối liên kết “4 nhà” cũng được hình thành thông qua việc thành lập các HTX, THT vệ tinh trong phát triển dược liệu. Việc tập hợp các hộ sản xuất nhỏ lẻ thành các nhóm sản xuất, THT đã tạo tiền đề cho sản xuất hàng hóa. Các HTX đã quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống nhà xưởng, mua sắm máy móc, thiết bị chế biến dược liệu, bước đầu có một số sản phẩm bán ra thị trường. Như HTX Cộng đồng Nặm Đăm, do anh Lý Tà Dèn làm Giám đốc, đã xây dựng nhà tắm lá thuốc nam, nhà sơ chế dược liệu, hệ thống thiết bị nấu bằng hơi… để sản xuất thực phẩm chức năng, với kinh phí đầu tư gần 2 tỷ đồng. Một số sản phẩm gồm: Cao mạnh gân, cao ích não, trà gừng, thuốc đau răng, xoa bóp, sỏi thận, cao Atiso bán ra thị trường đã mang về doanh thu những tháng đầu năm đạt gần 500 triệu đồng. Hay HTX dược liệu Nà Chang, do anh Dương Phong Thương làm Giám đốc, cũng đầu tư xây dựng nhà xưởng sơ chế, lò nấu cao Atiso công suất chế biến 1 tấn nguyên liệu/ngày, tổng vốn đầu tư hơn 700 triệu đồng. Các sản phẩm như cao Atiso, Đương quy… đem về doanh thu đầu năm đạt gần 70 triệu đồng.
Bên cạnh thuận lợi, theo đánh giá của ngành chuyên môn, việc phát triển cây dược liệu vẫn phải đối mặt với những khó khăn như: Diện tích dược liệu do các doanh nghiệp, HTX trồng vẫn còn thấp so với tiềm năng, lợi thế. Chưa chủ động được nguồn giống chất lượng cung ứng cho các HTX và người trồng. Lãnh đạo HTX còn thiếu kinh nghiệm quản lý, điều hành sản xuất, kinh doanh. Một số sản phẩm của các HTX và các hộ dân chưa có đầu ra ổn định, đặc biệt là các loại dược liệu bản địa, như: Hương thảo, Ấu tẩu, Thảo quả...; sản phẩm dược liệu được đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu chưa nhiều là những hạn chế cần giải quyết để phát triển cây dược liệu thành hàng hóa.
Bài, ảnh: Lê Hải
Ý kiến bạn đọc