Nỗ lực chăm sóc lúa 1 vụ ở Vị Xuyên
BHG - Mặc dù là huyện động lực của tỉnh về phát triển KT – XH, nhưng trên địa bàn huyện Vị Xuyên vẫn có một số xã chỉ sản xuất được 1 vụ lúa (vụ Mùa) do điều kiện thời tiết, khí hậu và địa hình chia cắt, có độ dốc lớn, đó là các xã: Thanh Đức, Xín Chải và Lao Chải. Đây là các xã vùng cao, biên giới của huyện còn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất do điều kiện tự nhiên; diện tích canh tác lúa hầu hết là nương, ruộng bậc thang; tuy vậy, những năm qua, cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc 3 xã trên đã hết sức nỗ lực vượt lên những thách thức; đảm bảo ổn định lương thực cho dù chỉ sản xuất được 1 vụ lúa.
Lúa Mùa thôn Tả Ván, xã Xín Chải đang lên xanh tốt. |
Đồng chí Viên Nguyễn Duyễn, Chủ tịch UBND xã Lao Chải, cho biết: Lao Chải là xã vùng cao, xa nhất của huyện, điều kiện canh tác cây lúa hết sức khó khăn do thời tiết lạnh, mưa nhiều, đất canh tác có độ dốc lớn. Xã có tổng diện tích gieo trồng 142,5 ha, trong đó, diện tích lúa chiếm 80,5 ha. Để sản xuất lúa thành công, ngay từ đầu vụ, xã đã chỉ đạo các ngành, đoàn thể và các thôn hướng dẫn người dân chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về phân bón, cây giống và đất trồng... Theo đó, đã chuẩn bị được 143 tấn phân bón, trong đó có 75 tấn phân chuồng, 68 tấn phân vô cơ. Giống lúa chuẩn bị được 2.254 kg; trong đó lúa lai 1.960 kg, gồm Nhị ưu 725, Nhị ưu 838, Kim ưu 18 gieo cấy trên diện tích 70 ha; lúa thuần 294 kg, là loại giống lúa nếp bản địa, gieo cấy trên diện tích 10,5 ha. Theo kế hoạch, 100% diện tích đất trồng lúa của xã đã được gieo trồng, cho đến nay cây sinh trưởng, phát triển tốt, không phát hiện sâu, bệnh hại. Ngay giáp xã Lao Chải là xã Xín Chải, là xã vùng II, biên giới của huyện, có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tương tự như xã Lao Chải. Xín Chải được coi là xã có diện tích tự nhiên nhỏ nhất, dân số ít nhất huyện với tổng dân số 191 hộ, 964 khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao, chiến 97% dân số. Toàn xã có tổng diện tích gieo trồng lúa cả năm 96 ha, trong đó lúa lai 87,5 ha. Ngoài các loại giống lúa lai, vụ Mùa năm nay, xã mạnh dạn đưa giống lúa J02 vào gieo trồng trên diện tích 14,5 ha, đây là loại lúa có chất lượng gạo vượt trội, giá trị kinh tế cao. Giống lúa thuần địa phương chỉ còn được gieo trồng trên diện tích 3 ha. Qua kiểm tra, đến nay toàn bộ diện tích lúa của bà con xã Xín Chải đều phát triển tốt, không phát hiện sâu, bệnh. Nông dân trong xã đã tiến hành các đợt chăm sóc, làm cỏ và bón phân theo đúng quy trình hướng dẫn của cán bộ Khuyến nông xã. Thanh Đức là xã cuối cùng trong dải các xã vùng cao, biên giới của huyện cũng chỉ trồng được 1 vụ lúa. Xã có tổng diện tích gieo trồng 129,9 ha, trong đó có 96 ha đất trồng lúa, còn lại là các loại cây nông nghiệp như ngô, đậu, lạc và các loại rau. Cũng như các xã trên, diện tích canh tác lúa ở Thanh Đức chủ yếu là ruộng bậc thang, do nằm trên vùng đất có độ dốc cao. Nhằm đảm bảo an ninh lương thực, địa phương đã lựa chọn các loại giống lúa lai phù hợp, có năng suất cao để bà con nông dân gieo trồng. Ngay từ đầu vụ, xã đã chỉ đạo, hướng dẫn bà con đảm bảo mọi điều kiện để cây lúa được sinh trưởng, phát triển tốt nhất.
Được gieo cấy từ cuối tháng 4, đến nay, toàn bộ diện tích lúa 1 vụ của các xã trên đều phát triển tốt, cây đang trong giai đoạn đẻ nhánh, đặc biệt có một số diện tích ở xã Lao Chải lúa đã bắt đầu trổ bông. Mặc dù phải canh tác trên vùng đất dốc, khí hậu khắc nghiệt, điều kiện địa hình không thuận lợi; nhưng với những nỗ lực trong lao động sản xuất, nhất là trong gieo trồng, chăm sóc cây lúa, hy vọng nông dân ở Lao Chải, Xín Chải và Thanh Đức sẽ có một mùa vàng bội thu.
Bài, ảnh: AN DƯƠNG
Ý kiến bạn đọc