Ngành Nông nghiệp nỗ lực "hồi sinh" sau lũ
BHG - Hơn 1 tháng sau đợt mưa, lũ lịch sử càn quét qua nhiều địa phương trong tỉnh; với sự vào cuộc quyết liệt, kịp thời của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự chung tay của toàn xã hội; người dân đã dần ổn định cuộc sống, màu xanh của lúa, ngô đã phủ khắp những cánh đồng, hứa hẹn mang về vụ Mùa bội thu.
Cánh đồng thôn Chang, xã Việt lâm (Vị Xuyên) nơi cơn lũ đi qua lúa đã lên xanh tốt. |
Đợt mưa, lũ diễn ra từ ngày 22 – 27.6 vừa qua đã gây thiệt hại lớn về tài sản của Nhà nước và nhân dân; với tổng giá trị thiệt hại ước tính hơn 220 tỷ đồng. Trong đó, nông nghiệp là một trong những ngành chịu thiệt hại nặng nề nhất, với trên 212 ha lúa, 554 ha ngô và hoa màu ngập úng, đổ dập, hư hỏng; trên 10 ha mạ và 669 kg mạ giống bị hỏng; trên 2 ha đậu tương, 41 ha cây Thảo quả, 300 ha cây Tam thất bị ảnh hưởng; nhiều diện tích ruộng bị đất, đá vùi lấp; 26 chuồng trại bị hỏng; 567 con trâu, bò, lợn và hàng nghìn con gia cầm bị chết do lũ cuốn; trên 20 tấn cá mất trắng và 316 đàn ong bị cuốn trôi; 20 công trình kênh mương dẫn nước bị sạt lở, sụt lún, đứt gẫy, vùi lấp; với tổng chiều dài là 6,6 km, 1 công trình kênh mương dẫn nước bị hỏng hoàn toàn.
Ngay khi mưa, lũ xảy ra, Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đã chủ động vào cuộc; tổ chức các đoàn công tác trực tiếp xuống cơ sở nắm bắt tình hình thiệt hại, hỗ trợ địa phương khắc phục hậu quả; gửi tờ trình đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí mua giống cây trồng khắc phục hậu quả thiên tai với tổng kinh phí đề xuất hỗ trợ trên 1,7 tỷ đồng; tham mưu cho UBND tỉnh gửi Công văn đề nghị Bộ NN&PTNT hỗ trợ khôi phục sản xuất cho người dân; trong đó, tập trung hỗ trợ về con giống, cải tạo đồng ruộng, hệ thống kênh mương thủy lợi bị vùi lấp, sạt lở và xây dựng mô hình sản xuất gắn với nâng cao năng lực ứng phó thiên tai của cộng đồng.
Thôn Chang, xã Việt Lâm (Vị Xuyên) là một trong những thôn bị thiệt hại trong đợt mưa lũ vừa qua: Hơn 2.700 khay mạ vụ Mùa bị ngập, trong đó, gần 500 khay bị hỏng hoàn toàn; nhiều đoạn kênh mương dẫn nước và diện tích đất nông nghiệp dọc bờ suối bị đất, cát vùi lấp, khoảng 3,5 ha đất trồng lúa chưa thể khôi phục kịp để sản xuất vụ Mùa. Bí thư Chi bộ thôn Chang, Nguyễn Văn Thức, chia sẻ: Ngay khi lũ tràn về, HTX Thôn Chang đã huy động toàn bộ thành viên kịp thời cứu mạ, đưa được hơn 2.000 khay mạ lên nơi khô ráo; nạo vét kênh mương bị vùi lấp, chỉnh trang đồng ruộng. Tuy nhiên đến nay, khoảng 3,5 ha đất trồng lúa dọc bờ suối bị lượng lớn đất, cát, đá cuội vùi lấp chưa thể khôi phục. Đặc biệt, như gia đình ông Nguyễn Văn Minh, Nguyễn Văn Cơ bị mất gần hết diện tích gieo trồng, khiến cuộc sống rơi vào cảnh khó khăn vì không có đất sản xuất”.
Để đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch sản xuất nông, lâm nghiệp năm 2018; ngành Nông nghiệp đề ra mục tiêu phải thực hiện tiếp 263.791 tấn lương thực trong vụ Mùa. Để thực hiện mục tiêu này, toàn tỉnh phải gieo trồng 31.006 ha lúa; 9.038 ha ngô Hè - thu; 11.528 ha đậu tương; 3.297 ha lạc; trong đó, đẩy mạnh thâm canh, ứng dụng KHKT vào sản xuất, sử dụng các loại giống cây trồng có chất lượng, khả năng chống chịu bệnh tốt; tiếp tục thực hiện các “cánh đồng mẫu”, dồn điền - đổi thửa và chỉnh trang lại đồng ruộng,… để tăng năng suất, sản lượng.
Bên cạnh đó, ngành tập trung đẩy mạnh phát triển đàn đại gia súc thông qua việc nâng quy mô chăn nuôi, tăng cường áp dụng biện pháp thụ tinh nhân tạo; bình tuyển trâu, bò giống và quy hoạch vùng sản xuất giống. Phối hợp với các cấp, ngành rà soát, tu sửa các công trình thủy lợi để đảm bảo phục vụ sản xuất.
Phó Chi cục Trưởng Chi Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Giang Đức Hiệp chia sẻ: “Đợt mưa, lũ vừa qua, thiệt hại đối với ngành Nông nghiệp rất lớn. Hiện, toàn ngành đang nỗ lực triển khai các giải pháp đồng bộ khắc phục hậu quả, hy vọng lấy Mùa bù Xuân. Nhưng để người dân ổn định được cuộc sống và đẩy mạnh sản xuất bền vững, rất cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành và hỗ trợ của toàn xã hội”.
AN GIANG
Ý kiến bạn đọc