Mèo Vạc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phát triển kinh tế biên mậu
BHG - Với lợi thế có đường biên giới tiếp giáp với hai tỉnh Quảng Tây và Vân Nam (Trung Quốc); có một cặp Cửa khẩu phụ và các lối mở nối liền với các cặp chợ biên giới nên huyện Mèo Vạc khá thuận lợi trong việc phát triển kinh tế biên mậu. Phát huy tiềm năng lợi thế, huyện đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/HU thực hiện Chương trình trọng tâm của Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 – 2020 về phát triển kinh tế biên mậu gắn với đảm bảo QP – AN với nhiều giải pháp đã giúp KT – XH vùng biên cương ngày một khởi sắc.
Chợ phiên Mèo Vạc đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân giao thương, phát triển kinh tế. (trong ảnh: Bà con nông dân trong huyện trao đổi và mua sắm nông cụ) |
Mèo Vạc có 3 xã biên giới gồm Thượng Phùng, Xín Cái, Sơn Vĩ; có một cặp cửa khẩu phụ Săm Pun - Điền Bồng và các lối mở nối liền với các cặp chợ biên giới: Chợ Xín Cái, chợ Lũng Làn, chợ Săm Pun. Hiện nay, huyện Mèo Vạc và huyện Phú Ninh, tỉnh Vân Nam đã tổ chức đấu nối đường qua Mốc 456 và Mốc 476, tạo điều kiện cho nhân dân qua lại thăm thân, mua bán, trao đổi hàng hóa góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, mậu dịch biên giới; huyện Mèo Vạc và huyện Nà Pô, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) hiện đã tổ chức đấu nối đường qua mốc 504. Đây được xem là lợi thế lớn của Mèo Vạc trong phát triển kinh tế biên mậu. Tuy nhiên, do có địa hình hiểm trở, chia cắt; hệ thống giao thông chưa phát triển dẫn đến hạn chế việc giao thương, lưu thông hàng hóa; đặc biệt, đường giao thông đi các xã biên giới bị xuống cấp gây ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế biên mậu của huyện. Bên cạnh đó, giá hàng hóa, nguyên vật liệu, nhân công tăng đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư, tiến độ đầu tư xây dựng các dự án trên địa bàn...
Đồng chí Nguyễn Cao Cường, Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc cho biết: Để khắc phục khó khăn, hiện thực hóa mục tiêu đặt ra, cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã đẩy mạnh tuyên truyền tới cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn nhận thức rõ tầm quan trọng của việc phát triển kinh tế biên mậu gắn với bảo đảm AN – QP. Đồng thời, quy hoạch chi tiết xây dựng cửa khẩu Săm Pun, giai đoạn 2010 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và quy hoạch chi tiết trung tâm xã Sơn Vĩ; bố trí kinh phí xây dựng kè chống sạt lở Đồn - Trạm Biên phòng và Hải quan biên giới xã Thượng Phùng; nâng cấp, rải nhựa tuyến đường từ ngã ba Lùng Thúng - UBND xã Thượng Phùng - Mốc 456; xây dựng kè chống sạt lở từ Mốc 485 đến Mốc 486; triển khai Dự án cấp nước sinh hoạt tập trung về UBND xã Thượng Phùng; chủ trương đầu tư xây dựng chợ Lũng Làn - Sơn Vĩ; Trạm kiểm soát liên ngành cửa khẩu Săm Pun xã Thượng Phùng; Trạm Kiểm soát liên ngành Mốc 504 xã Sơn Vĩ…
Do tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ người, hàng hóa, phương tiện xuất, nhập cảnh đảm bảo nhanh chóng, chính xác, kịp thời, đúng quy định, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân hai bên biên giới trao đổi, mua bán hàng hóa, phát triển KT – XH nên thời gian qua, hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa qua cặp cửa khẩu Săm Pun - Điền Bồng có sự tăng trưởng đột biến. Từ năm 2016 đến nay, hoạt động thương mại biên giới có sự phát triển mạnh, hàng hóa trao đổi của cư dân hai bên biên giới đa dạng; lưu lượng người tham gia mỗi phiên chợ biên giới dao động từ 250 - 350 người/phiên chợ; giá trị trao đổi hàng hóa mỗi phiên chợ từ 45 - 50 triệu đồng/phiên chợ. Mặt hàng trao đổi chủ yếu là hàng điện tử, điện lạnh, nông sản, thực phẩm, máy nông cụ cầm tay, quần áo, giày dép; hành khách, phương tiện xuất - nhập cảnh khu vực biên giới được tạo điều kiện thông quan, thuận lợi, đúng quy định của pháp luật hai nước. Đồng chí Đặng Văn Khánh, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Vĩ cho biết: Thông qua công tác phối hợp nắm tình hình, tổ chức tuần tra, quản lý, bảo vệ đường biên, mốc giới, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn đã kịp thời phát hiện các hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch, các loại tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật. Từ đó, kịp thời đấu tranh, ngăn chặn phù hợp với tình hình thực tiễn, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT – XH, QP – AN của địa phương. Đặc biệt, qua việc huyện làm tốt ngoại giao, hội đàm, ký kết hợp tác lao động với huyện Phú Ninh, tỉnh Vân Nam và huyện Nà Pô, tỉnh Quảng Tây đã giải quyết một phần nhu cầu lao động, góp phần đảm bảo tốt công tác quản lý Nhà nước về dân cư, xuất - nhập cảnh…
Với việc lãnh, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế biên mậu, nhất là các chính sách hỗ trợ của T.Ư, của tỉnh, huyện về giảm nghèo bền vững đã giúp tỷ lệ hộ nghèo của các xã biên giới ở Mèo Vạc giảm theo từng năm. Đó cũng là cơ sở để địa phương tiếp tục huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế cửa khẩu, tạo chuyển biến tích cực, rõ nét nhằm tạo thế và lực mới cho phát triển KT – XH, tăng cường sức mạnh QP – AN cho vùng đất biên cương.
KIM TIẾN
Ý kiến bạn đọc