Hoạt động của doanh nghiệp trong Cụm công nghiệp Nam Quang gặp nhiều khó khăn
BHG - Có 7 doanh nghiệp đã được cấp phép đầu tư vào Cụm công nghiệp Nam Quang (Bắc Quang) với tổng vốn đăng ký trên 1 nghìn tỷ đồng. Hiện có 5/7 doanh nghiệp hoạt động, nhưng chỉ có 1 doanh nghiệp hoạt động ổn định, 1 doanh nghiệp mới xây dựng xong nhà xưởng, 3 doanh nghiệp hoạt động cầm chừng và 2 doanh nghiệp đang... “ngủ Đông”.
Sản xuất ván ép tại Công ty TNHH Đông Huy, Cụm công nghiệp Nam Quang. |
Công ty TNHH Giấy Hải Hà được cấp phép đầu tư giai đoạn và đã hoạt động được chục năm. Doanh nghiệp đã bỏ ra hơn 30 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng, lắp đặt 4 dây chuyền sản xuất giấy đế xuất khẩu sang Đài Loan, thu hút hàng trăm lao động địa phương. Nhưng, từ năm 2012, doanh nghiệp buộc phải tháo rỡ 2 tổ máy và cắt giảm hơn một nửa lao động. Đồng thời, trả lại một phần diện tích đã được cấp trước đó vì không sử dụng hết và không thể gánh tiền thuê đất hàng năm. Lý do buộc doanh nghiệp cắt giảm sản xuất vì thiếu nguyên liệu sợi dài.
Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Văn Đồng, Giám đốc Công ty TNHH Giấy Hải Hà cho biết: Nguồn nguyên liệu đầu vào trên địa bàn tỉnh thiếu hụt nghiêm trọng, khiến doanh nghiệp phải thu gom từ các địa phương lân cận, nhưng cũng không được nhiều. Năm 2017, dù đã rất nỗ lực, nhưng doanh nghiệp cũng chỉ đảm bảo việc làm cho trên 40 lao động, nộp thuế trên 2 tỷ đồng.
Cũng trong Cụm công nghiệp Nam Quang, Công ty THHH Hùng Hà hiện đang ở trang thái... cửa đóng, then cài. Ông Hoàng Ngọc Hùng, Giám đốc Công ty cho hay, mỗi năm doanh nghiệp chỉ hoạt động vài ba tháng do hết nguyên liệu. Được biết, doanh nghiệp đã đầu tư trên 10 tỷ đồng lắp đặt máy móc chế biến tinh bột sắn. Tuy nhiên, doanh nghiệp không có vùng nguyên liệu ổn định nên sản xuất, chế biến luôn phải... “ăn đong”. Hết mùa thu hoạch sắn là máy móc đắp chiếu, nhà xưởng bỏ hoang. Ông Hùng cho biết, hiện doanh nghiệp vẫn chưa tìm được hướng để duy trì và nâng cao hiệu suất sử dụng máy móc đã đầu tư...
Tại Công ty TNHH An Bình, chỉ vài công nhân đứng máy trong dây chuyền sản xuất gỗ viên nén, phần còn lại của xưởng gần như bỏ trống. Ông Phan Hữu Hiếu, Giám đốc phụ trách sản xuất cho biết, doanh nghiệp vừa nối lại sản xuất trong tháng 7.2018. Trước đó, do thiếu vốn, dây chuyền sản xuất gỗ viên chưa được phù hợp nên doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động.
Điểm sáng nhất tại Cụm công nghiệp Nam Quang là Công ty TNHH Đông Huy. Doanh nghiệp chuyên sản xuất ván ép cao cấp xuất khẩu sang các nước Đông Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ. Hiện tại, doanh nghiệp đã đầu tư trên 30 tỷ đồng, xây dựng trên 12 nghìn m2 nhà xưởng, lắp đặt xong 90% thiết bị, máy móc và bắt đầu sản xuất. Giai đoạn đầu, doanh nghiệp thu hút trên 100 lao động. Ông Vũ Tiến Sơn, Giám đốc điều hành nhà máy cho biết: Dây chuyền sản xuất ván ép đã đi vào hoạt động, mỗi tháng tiêu thụ trên 2 nghìn m3 sản phẩm, tạo thu nhập ổn định cho người lao động từ 5 – 8 triệu đồng/tháng.
Trong Cụm công nghiệp Nam Quang có 2 doanh nghiệp không hoạt động là: Công ty TNHH Thái Hoàng và Công ty Cổ phần Vàng - Khoáng sản Hà Giang. Theo Luật Đầu tư: Doanh nghiệp nào sở hữu mặt bằng đã được cấp phép sau 6 tháng không hoạt động sẽ bị thu hồi đất. Vì vậy, các doanh nghiệp cần khẩn trương khắc phục khó khăn, sớm triển khai đầu tư, xây dựng nhà xưởng theo đúng cam kết.
Bài, ảnh: Nguyễn Hùng
Ý kiến bạn đọc