Xã Tả Phìn chú trọng phát triển các mô hình chăn nuôi tổng hợp
BHG - Tả Phìn (Đồng Văn) là xã có điều kiện tự nhiên rất khó khăn; quỹ đất ít, nguồn nước khan hiếm... Xuất phát từ điều kiện thực tế đó, lãnh đạo xã đã định hướng cho người dân phát triển kinh tế theo hướng chăn nuôi tổng hợp; nhằm khắc phục những khó khăn, đồng thời tận dụng tối đa điều kiện sẵn có của địa phương để từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống và hướng tới giảm nghèo bền vững.
Lãnh đạo xã Tả Phìn hướng dẫn anh Giàng Súa Dia kiểm tra sự sinh trưởng của đàn ong. |
Đến Tả Phìn, chúng tôi mới thấy hết được những khó khăn của “nhà nông không có đất”. Trên Cao nguyên đá, quỹ đất đã khan hiếm thì tại xã Tả Phìn lại càng khan hiếm hơn. Anh Nguyễn Văn Hãnh, Bí thư Đảng ủy xã Tả Phìn cho biết: Tả Phìn có 9 thôn, với 100% đồng bào đều là dân tộc Mông; điều kiện tự nhiên tại các thôn đều khắc nghiệt. Người dân trong xã tuy rất cần cù, chăm chỉ; nhưng vì quỹ đất không có, họ có muốn trồng cây gì cũng khó. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã vẫn chiếm trên 70%. Chính vì vậy, lãnh đạo xã đã định hướng cho người dân phát triển chăn nuôi tổng hợp, tận dụng những diện tích đất đồi, núi để trồng cỏ phục vụ chăn nuôi sẽ hiệu quả hơn. Hiện, đa số các hộ trong xã đều khấm khá lên nhờ phát huy hiệu quả trong chăn nuôi tổng hợp một số loại gia súc, gia cầm như: bò, lợn, gà, chim bồ câu, thỏ,...
Đến thăm gia đình anh Giàng Súa Dia, thôn Tả Phìn B, chủ mô hình chăn nuôi tổng hợp: Ong, bò và lợn có thu nhập ổn định. Với kinh nghiệm chăn nuôi nhiều năm, anh Dia chia sẻ: Trước đây gia đình chỉ nuôi bò với lợn, là những vật nuôi truyền thống, duy trì đều đặn trong chuồng 3 con bò cái và 10 nái lợn. Sau đó, được cán bộ khuyến nông và lãnh đạo xã tư vấn nuôi ong nhằm tận dụng nguồn hoa rừng và hoa Bạc hà, nên tôi đã mạnh dạn đầu tư mua 70 đàn ong. Đến nay, sau nhiều năm chăn nuôi và có kinh nghiệm nên cuộc sống gia đình đã ổn định kinh tế với thu nhập khá. Thu nhập từ bán mật ong mỗi năm mang lại cho gia đình anh khảng 40 triệu đồng, gần 100 triệu đồng từ bán lợn giống và bò. Ngoài ra, gia đình anh còn nấu rượu để tận dụng thức ăn trong chăn nuôi và bán hàng tạp hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của bà con trong thôn. Anh Dia cho biết thời gian tới, sẽ tận dụng đất trồng thêm cỏ để tăng số lượng đàn bò và tiến hành nuôi nhốt. Kinh tế ổn định sẽ có điều kiện cho con cái đến trường và mua sắm phương tiện đi lại.
Mô hình chăn nuôi tổng hợp bò lai và lợn nái sinh sản của gia đình anh Lầu Súa Cở, thôn Sà Tủng Chứ cũng là một trong những mô hình có hiệu quả kinh tế khá. Hiện tại, gia đình anh đang duy trì nuôi 4 con bò lai và 5 lợn nái sinh sản. Anh Cở cho biết: Bản thân trước đây nuôi lợn thịt, nhưng không hiệu quả, nhất là khi giá thành lợn thịt xuống thấp nên đã bị thua lỗ. Thời điểm đó, do không biết kết hợp chăn nuôi với những con vật khác, mà chỉ biết trông chờ vào việc bán lợn nên kinh tế gia đình khủng hoảng. Sau đó, anh vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn vay theo Nghị quyết số 209 mua 4 con bò lai về nuôi vỗ béo và chuyển từ nuôi lợn thịt sang nuôi lợn nái sinh sản. Đến nay mỗi năm, gia đình anh bán được khoảng 6 – 7 con bò thương phẩm và hơn 10 lứa lợn con giống, cho thu nhập trên 100 triệu đồng. Do trong thôn quỹ đất hiếm, anh Cở đã mua 1 ha đất ở thôn bên cạnh và trồng cỏ để chủ động nguồn thức ăn cho đàn bò, dê. Ngoài ra, anh còn nuôi thêm dê, gà, và đang xây dựng chuồng trại, với ý tưởng mở rộng chăn nuôi bò lai vỗ béo.
Chia sẻ thêm với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Hãnh, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Hàng năm, chúng tôi đều có những kế hoạch cụ thể và phù hợp để định hướng cho người dân phát triển kinh tế. Thời gian tới, Đảng ủy, chính quyền xã sẽ mở rộng tuyên truyền, nhân rộng các mô hình chăn nuôi hiệu quả cho người dân tìm hiểu, học tập. Đồng thời, phân công cán bộ xuống từng thôn, bản hướng dẫn bà con tiếp cận và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ; giúp đỡ các gia đình bước đầu phát triển chăn nuôi đi tập huấn kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho vật nuôi... Từ đó, từng bước giảm tỷ lệ hộ nghèo và giúp người dân ổn định và nâng cao cuộc sống.
Bài, ảnh: MY LY
Ý kiến bạn đọc