Sản xuất chè theo chuỗi giá trị - hướng phát triển bền vững
BHG - Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị là một trong những khâu đột phá tái cơ cấu ngành Nông nghiệp hiện nay, nhằm tăng cường liên kết giữa người sản xuất và người tiêu thụ, tăng diện tích, sản lượng, khả năng cạnh tranh và nâng cao thu nhập cho người dân.
Sản xuất chè ở HTX Thương mại vận tải Tuấn Băng (Xín Mần). |
Là địa phương có diện tích trồng chè lớn thứ ba cả nước, cây chè được tỉnh xác định là một trong những cây hàng hoá chiến lược trong phát triển kinh tế nông nghiệp; với nhiều chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nên diện tích, năng suất, chất lượng chè hàng năm đều tăng.
Hiện nay, tổng diện tích chè toàn tỉnh đạt trên 22.000 ha, trong đó, có trên 3.700 ha chè được cấp Chứng nhận VietGap, hữu cơ; sản lượng chè búp tươi năm 2017 ước đạt trên 75.000 tấn. Các địa phương đã tập trung phát triển cây chè theo hướng sản xuất hàng hóa, đảm bảo an toàn thực phẩm và mang lại giá trị cao. Tuy nhiên, hiện phần lớn sản phẩm chè Hà Giang mới chỉ ở dạng sản phẩm thô, giá trị bán chưa cao, mang lại lợi nhuận còn thấp cho người sản xuất và chế biến; vì vậy việc đầu tư phát triển chè theo chuỗi giá trị là điều cấp thiết.
Trong quy hoạch tổng thể phát triển cây chè đến năm 2020, tỉnh ta đặt mục tiêu toàn tỉnh có 24.300 ha chè, năng suất bình quân đạt 5,94 tấn/ha, tổng sản lượng đạt 124,10 ngàn tấn chè búp tươi. Cụ thể hóa mục tiêu này, ngày 27.12.2016, UBND tỉnh có Quyết định số 3271/QĐ-UBND về việc phê duyệt báo cáo phân tích và chiến lược phát triển chuỗi giá trị chè Hà Giang giai đoạn 2017 – 2019 với mục tiêu tổ chức sản xuất và nâng cấp xây dựng các mối liên kết để phát triển chuỗi giá trị chè Shan tuyết Hà Giang nhằm cải thiện thu nhập cho người dân. Đến năm 2019, sẽ xây dựng được tối thiểu 56 Nhóm sở thích (NST) với trên 840 hộ tham gia; xây dựng và nâng cấp mối liên kết giữa các NST với các cơ sở thu gom và chế biến chè trong, ngoại tỉnh, đảm bảo ít nhất có trên 800 hộ được tham gia liên kết với các cơ sở thu mua chế biến chè bền vững; tăng thêm thu nhập trên 20% cho nông dân và doanh nghiệp/HTX cùng tham gia vào các kênh phân phối chè chất lượng cao (hữu cơ) trong chuỗi giá trị; nâng cao năng lực các thành viên trong các NST thông qua các lớp tập huấn; xây dựng 6 vườn ươm giống; nâng cấp và mở rộng quy mô dây chuyền chế biến chè ra sản phẩm cuối cùng có bao bì nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ; mở mới và nâng cấp đường nội sinh vào phục vụ sản xuất, thu hái và vận chuyển chè; hỗ trợ đầu tư xây dựng hệ thống nhà xưởng bảo quản, sơ chế cho các NST/HTX tại các xã vùng cao đi lại khó khăn để đảm bảo giữ được chất lượng chè sau hái. Tổng kinh phí thực hiện chuỗi giá trị gần 57 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn từ Chương trình CPRP hơn 29 tỷ đồng, vốn từ các địa phương trên 7 tỷ đồng, vốn từ người hưởng lợi trên 20 tỷ đồng.
Triển khai thực hiện chuỗi giá trị đến nay, Chương trình CPRP đã giải ngân nguồn vốn trên 8 tỷ đồng với các hoạt động: Cho 60 hộ và 1 tổ chức vay thâm canh vườn chè; hỗ trợ xây dựng 1 nhà máy chế biến chè; xây dựng Chỉ dẫn địa lý cho sản pẩm chè Shan tuyết Hà Giang; tổ chức các lớp tập huấn về quản lý và vận hành NST trồng chè hữu cơ; cách xây dựng hợp đồng tiêu thụ sản phẩm chè với công ty và HTX chế biến; kỹ thuật trồng, chăm sóc, đốn, hái và chữa trị bệnh cho chè; nâng cao nhận thức thị trường; xây dựng đường, cầu, cống giao thông đến các khu sản xuất, chế biến chè hàng hóa...
Từ chuỗi giá trị, nhiều cơ sở sản xuất, chế biến chè trên địa bàn tỉnh đã đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, thực hiện chuỗi liên kết trong sản xuất để nâng cao giá trị: HTX Chế biến chè Phìn Hồ (Hoàn Su Phì) đầu tư nâng cấp, mở rộng nhà xưởng, kho bảo quản sản phẩm và máy móc công nghệ chế biến chè Shan tuyết cổ thụ; Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển chè Quang Bình (Quang Bình) liên kết, phát triển sản xuất, kinh doanh, chế biến chuỗi cung cấp nông sản hữu cơ Chè – Gừng; HTX Thương mại vận tải Tuấn Băng (Xín Mần) mở rộng và nâng cấp nhà xưởng, đầu tư mới trang thiết bị công nghệ chế biến, kinh doanh chè, liên kết sản xuất bền vững và tăng thu nhập cho người dân; nhiều hộ sản xuất, kinh doanh mở rộng quy mô sản xuất, chế biến, liên kết tiêu thụ sản phẩm chè vùng cao, tăng thu nhập ổn định và tạo việc làm cho lao động nông thôn.
Thực tế, khi thực sản xuất chè theo chuỗi giá trị, nông dân có tổ chức sản xuất thông qua các NST, tổ hợp tác, HTX; sản xuất và bán qua hợp đồng sản phẩm; hiệu quả kinh tế tăng thêm từ 6 - 13 triệu đồng/hộ/năm; bảo hộ Chỉ dẫn địa lý cho vùng chè hữu cơ giúp sản phẩm có thương hiệu mạnh, rõ nguồn gốc xuất xứ với các kênh phân phối chất lượng cao; góp phần hoàn thành mục tiêu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh. Tuy nhiên, việc triển khai chuỗi giá trị còn gặp nhiều khó khăn do các địa phương chưa bố trí được ngồn vốn đối ứng; chưa có quy họach vùng chè hữu cơ ổn định để thu hút doanh nghiệp cùng tham gia đầu tư và phát triển chuỗi giá trị chè Shan tuyết chất lượng cao; nhiều hộ dân sản xuất và chế biến chè chưa được tập huấn, tiếp cận với các thông tin về thị trường; việc xây dựng hợp đồng tiêu thụ sản phẩm chè với công ty/HTX chế biến và hộ kinh doanh còn ít…
Để chè thực sự là cây kinh tế, mang lại đổi thay cho cuộc sống người dân vùng chè; các cấp, ngành cần vào cuộc quyết liệt, bố trí nguồn vốn và triển khai các giải pháp thực hiện chuỗi giá trị chè hiệu quả, vì đó là hướng phát triển bền vững.
Bài, ảnh: AN GIANG
Ý kiến bạn đọc