Nỗ lực thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh trong lĩnh vực Công thương
BHG - Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và Đại hội Đảng bộ Sở Công thương, với nhiều chính sách đúng, phù hợp; sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại, xuất, nhập khẩu (XNK) trên địa bàn tỉnh có mức tăng trưởng khá.
Hàng hóa xuất, nhập khẩu qua Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy ngày càng tăng, góp phần thúc đẩy KT - XH phát triển. |
Trong tổng số 4 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra, bao gồm: Giá trị sản xuất công nghiệp; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng bình quân; tổng giá trị kim ngạch XNK hàng hóa; tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới Quốc gia, sau nửa nhiệm kỳ thực hiện, có chỉ tiêu tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng bình quân hàng năm vượt 3,78% so với Nghị quyết, 1 chỉ tiêu đạt trên 75% và 2 chỉ tiêu đạt trên 50%.
Triển khai các chỉ tiêu nghị quyết, ngành Công thương tham mưu cho tỉnh đẩy mạnh đầu tư, ưu tiên phát triển công nghiệp có thế mạnh, nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp nhất là chế biến sâu khoáng sản; đưa giá trị sản xuất công nghiệp lĩnh vực khai khoáng có mức tăng trưởng 53,24% so với đầu nhiệm kỳ. Đôn đốc đưa vào vận hành 10 nhà máy thủy điện với tổng công suất 241MW, hàng năm đóng góp vào giá trị sản xuất công nghiệp khoảng 1.700 tỷ đồng. Giá trị ngành sản xuất điện có mức tăng trưởng 37,45% so với đầu nhiệm kỳ. Công nghiệp chế biến nông, lâm sản thực phẩm được quan tâm hỗ trợ và phát triển đúng định hướng, hàng năm đóng góp khoảng 1,2 - 1,4 nghìn tỷ đồng vào giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh…
Cùng với đó, phát triển thương mại, dịch vụ và kinh tế biên mậu, hệ thống thương mại trên địa bàn tỉnh có bước phát triển đáng kể về phạm vi, không gian và quy mô hoạt động cũng như sự phong phú, đa dạng về loại hình. Toàn tỉnh hiện có 161 chợ, 51 cửa hàng kinh doanh xăng dầu, 186 cửa hàng kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng. Tổng mức lưu chuyển hàng hoá, doanh thu dịch vụ xã hội tăng bình quân 13,78%. Tỉnh đã ban hành, triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách cho phát triển kinh tế biên mậu, bước đầu có hiệu quả; đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng, hoàn thành, công bố và đưa cặp Cửa khẩu Quốc gia Xín Mần - Đô Long đi vào hoạt động. Quan tâm chỉ đạo quyết liệt các giải pháp thu hút, khuyến khích phát triển kinh tế biên mậu, hoạt động XNK hàng hóa qua các cửa khẩu. Bên cạnh việc lãnh, chỉ đạo thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch của ngành, Ban lãnh đạo Sở Công thương đã đôn đốc các phòng, đơn vị đẩy mạnh thực hiện kế hoạch cải cách hành chính. Theo đó, đã xây dựng và tổ chức thực hiện triệt để Đề án Nâng cao chất lượng tham mưu của cán bộ, công chức ngành Công thương giai đoạn 2016 – 2020.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn những khó khăn đặc thù của một đơn vị quản lý đa ngành, đa lĩnh vực và rộng khắp trên địa bàn tỉnh, khối lượng công việc cần giải quyết lớn, trong khi nguồn lực hạn chế nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ ngành Công thương. Công tác lãnh, chỉ đạo, tham mưu cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển ngành và thu hút đầu tư còn chậm, chưa theo sát yêu cầu thực tiễn. Nguồn ngân sách địa phương dành cho hoạt động khuyến công còn hạn chế; nhất là khó khăn trong khâu lựa chọn để hỗ trợ cho các đề án điểm, đề án có tầm ảnh hưởng lớn đến phát triển KT-XH của địa phương. Nhiều doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản vẫn hoạt động cầm chừng, kém hiệu quả; các đơn vị chế biến nông, lâm sản có quy mô nhỏ, sản xuất không tập trung, trình độ quản lý và tay nghề của lực lượng lao động thấp, chất lượng sản phẩm, mẫu mã hàng hoá không đa dạng, có rất ít sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu…
Để thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu Nghị quyết Đảng bộ tỉnh khóa XVI, phấn đấu đến năm 2020 ngành Công thương tỉnh phát triển theo chiều sâu, bảo đảm năng suất, chất lượng, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo ra nhiều việc làm trong các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh; ngành Công thương tiếp tục tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố, thường xuyên rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giúp các doanh nghiệp, HTX đẩy mạnh sản xuất, nhất là các sản phẩm công nghiệp nông thôn, chế biến hàng nông lâm sản; đôn đốc, hướng dẫn các doanh nghiệp khai thác, sản xuất, chế biến công nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, hoàn thành kế hoạch các năm; triển khai các kế hoạch xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm có thế mạnh, tăng cường kết nối thị trường cung cầu trong khu vực... Đồng thời, tham mưu cho tỉnh huy động các nguồn lực, triển khai quyết liệt Dự án cấp điện nông thôn theo Quyết định số 2081/QĐ-TTg và phê duyệt chương trình hành động phát triển kinh tế cửa khẩu tỉnh Hà Giang giai đoạn 2018 – 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Tiếp tục khởi công, hoàn thành đưa vào sử dụng các dự án thủy điện theo kế hoạch; tăng cường rà soát, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản và nông, lâm sản. Đẩy mạnh phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng thương mại; huy động nguồn lực của các thành phần kinh tế tham gia đầu tư nhằm đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất và tiêu dùng.
Bài, ảnh: PV
Ý kiến bạn đọc