Nghị quyết số 209 và 86 của HĐND tỉnh - "đòn bẩy" tái cơ cấu Nông nghiệp ở Hoàng Su Phì
BHG - Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết số 209 và 86 của HĐND tỉnh về khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì đã đem lại những kết quả tích cực. Nhân dân được tiếp cận với nguồn vốn để đầu tư trồng trọt, chăn nuôi quy mô lớn, qua đó thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa, góp phần thực hiện có hiệu quả Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp.
Đàn dê được hình thành từ nguồn vốn vay Nghị quyết số 209 của một hộ dân thôn Thượng 3, xã Đản Ván. |
Xác định nông nghiệp là hướng đi trọng tâm, trọng điểm của địa phương trong phát triển kinh tế, XĐGN bền vững; những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Hoàng Su Phì đã thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ nguồn vốn cho lĩnh vực “tam nông”. Tuy nhiên, nhiều tổ chức, cá nhân có nhu cầu phát triển sản xuất quy mô lớn lại gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay, cùng với đó là sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, chưa hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung khiến giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn Hoàng Su Phì chưa cao và thiếu tính bền vững.
Vì vậy, khi HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 209 và 86 đã nhận được sự hưởng ứng cao từ phía người dân, giúp chính quyền địa phương giải “bài toán” về nguồn vốn cho các hộ có nhu cầu phát triển sản xuất quy mô lớn. UBND huyện chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và các xã, thị trấn triển khai thực hiện một cách quyết liệt và hiệu quả. Bên cạnh việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân các điều kiện đáp ứng yêu cầu vay vốn, huyện cũng đôn đốc các Tổ thẩm định đẩy nhanh tiến độ thẩm định hồ sơ, giải ngân nhanh chóng, kịp thời, đúng đối tượng để nhân dân đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.
Đến nay, huyện Hoàng Su Phì đã tiến hành thẩm định 1.067 hồ sơ; trong đó, 462 hồ sơ đủ điều kiện vay vốn và đã giải ngân cho 400 hộ, với số tiền trên 32 tỷ đồng để mua 1.585 con trâu, bò, 30 con lợn, 270 tổ ong và trồng 8 ha cây dược liệu. Nhờ thực hiện nghiêm túc khâu thẩm định hồ sơ, giám sát quá trình đầu tư vốn vay nên hầu hết các hộ đều sử dụng nguồn vốn theo đúng phương án, đề án đăng ký.
Đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 209 và 86 HĐND tỉnh, huyện Hoàng Su Phì chú trọng gắn với thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trên địa bàn. Theo đó, huyện tập trung chỉ đạo, khuyến khích nhân dân phát triển những cây, con thế mạnh gồm: Trâu, bò, dê, chè và dược liệu. Qua hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết 209 và 86 HĐND tỉnh gắn với tái cơ cấu Nông nghiệp đã góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân về sản xuất hàng hóa; đặc biệt là trong lĩnh vực chăn nuôi. Hiện, tổng đàn trâu, bò của Hoàng Su Phì là trên 29.000 con, tăng 961 con so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng số đàn ong là 3.958 tổ, đạt sản lượng 13.850 lít mật. Đàn dê trên 22.000 con, sản lượng thịt hơi xuất bán 59,3 tấn. Toàn huyện có 18 trang trại, gia trại phát triển chăn nuôi theo quy mô lớn; trên 300 mô hình phát triển kinh tế hộ đạt hiệu quả…
Từ nguồn vốn vay của chương trình, các hộ đã mạnh dạn đầu tư sản xuất quy mô lớn, hướng đến sản xuất tập trung hàng hóa. Điển hình như hộ ông Lù Văn Chương, thôn Nắm Ản, xã Tụ Nhân vay vốn nuôi bò sinh sản. Ông Chương cho biết: “Sau khi được thẩm định hồ sơ, giải ngân với số vốn 300 triệu đồng, gia đình tôi đã mua 30 con bò và 2 con trâu; trong đó, có 5 con bò cái giống Brahman mua từ tháng 8.2016 tại Ba Vì (Hà Nội), đến nay, có 2 con đã đẻ, hiện đàn trâu, bò đang sinh trưởng và phát triển rất tốt”. Theo tính toán của ông Chương, nếu chăn nuôi thuận lợi, sau khi trừ chi phí sẽ cho thu nhập từ 80 – 100 triệu đồng/năm từ việc bán trâu, bò giống. Ngoài hộ ông Chương, rất nhiều gia đình khác trên địa bàn huyện cũng mạnh dạn vay vốn theo chính sách Nghị quyết số 209 và 86 HĐND tỉnh để phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa như: Bà Nguyễn Thúy Tình, xã Bản Máy vay vốn 100 triệu đồng nuôi 18 con bò hàng hóa; ông Lù Văn Tiến, xã Pố Lồ vay vốn 100 triệu đồng, hiện gia đình có 16 con bò và 4 con trâu; ông Tráng Văn Lù, xã Tụ Nhân vay vốn 200 triệu đồng, nuôi 24 con bò sinh sản…
Cũng như nhiều địa phương khác trong tỉnh, khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 209 và 86 HĐND tỉnh, huyện Hoàng Su Phì gặp phải không ít khó khăn. Trong tổng số 1.289 hộ đăng ký vay vốn, sau khi thẩm định chỉ có 462 hồ sơ đủ điều kiện giải ngân. Lý giải điều này, Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Hoàng Su Phì, Lý Chòi Nhàn cho biết: Nhiều hộ dân chưa hiểu đúng, đủ về điều kiện được vay vốn dẫn đến số hộ đăng ký quá lớn, gây khó khăn, quá tải trong công tác thẩm định. Sau khi thẩm định thì nhiều hộ đăng ký vay vốn không đáp ứng được các điều kiện giải ngân như: Chưa có chuồng trại, thiếu nhân lực hay không có đủ diện tích đất trồng cỏ. Bên cạnh đó, nguồn cung ứng con giống đảm bảo chất lượng còn thiếu, dễ dẫn đến tình trạng khan hiếm con giống, tăng giá hoặc khó kiểm soát dịch bệnh… Đây sẽ là những khó khăn mà chính quyền các cấp huyện Hoàng Su Phì cần tập trung tháo gỡ để thực hiện có hiệu quả chính sách Nghị quyết số 209 và 86 HĐND tỉnh trong những năm tiếp theo.
Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc