Mèo Vạc tạo "cú hích" phát triển chăn nuôi
BHG - Xác định chăn nuôi là một trong những hướng đi chính, giúp người dân từng bước vươn lên thoát nghèo và phát huy giá trị của giống bò Vàng Cao nguyên đá. Huyện Mèo Vạc đã xây dựng, triển khai Nghị quyết số 07-NQ/HU, ngày 20.4.2016 về chuyển đổi một phần diện tích ngô kém hiệu quả sang trồng cỏ gắn với chăn nuôi bò hàng hóa. Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện, cùng với Nghị quyết số 209, 86 của HĐND tỉnh cùng các cơ chế khuyến khích của huyện, đã tạo cú hích cho phát triển chăn nuôi ở địa phương.
Việc chuyển đổi một phần diện tích trồng ngô sang trồng cỏ đã giúp nhiều hộ dân ở Mèo Vạc chủ động nguồn thức ăn cho chăn nuôi gia súc. |
Để nghị quyết đi vào cuộc sống và tạo sự thống nhất, đồng bộ; ngay sau khi được ban hành, Huyện ủy Mèo Vạc đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo; UBND huyện xây dựng kế hoạch thực hiện nghị quyết theo hàng năm và ban hành các văn bản chỉ đạo để cơ sở, các ban, ngành, đoàn thể huyện tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện và lồng ghép với các nguồn vốn, chương trình khác nhằm thực hiện có hiện có hiệu quả nghị quyết. Thường trực HĐND, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát Đảng ủy các xã, thị trấn, các ngành chuyên môn trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện chuyển đổi một phần diện tích đất trồng ngô sang trồng cỏ gắn với chăn nuôi bò hàng hóa.
Từ nguồn cỏ được trồng, người dân thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi tích cực, mở rộng quy mô chăn nuôi của gia đình. |
Đồng chí Nguyễn Cao Cường, Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc cho biết: Để tạo sự đồng thuận trong nhân dân, cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã tổ chức phổ biến, quán triệt nội dung của nghị quyết đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân với nhiều hình thức khác nhau; lồng ghép vào các buổi họp thôn, sinh hoạt chi bộ. Trước tình trạng người dân chưa mạnh dạn chuyển đổi và lo ngại về việc không đảm bảo lương thực, huyện đã có cơ chế hỗ trợ gạo với định mức chuyển đổi trồng cỏ từ 1 ha trở lên sẽ được hỗ trợ 15 kg gạo/người/tháng hoặc quy đổi ra tiền. Vì vậy, sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, số hộ đăng ký chuyển đổi một phần diện tích đất trồng ngô sang trồng cỏ cũng như diện tích đăng ký chuyển đổi tăng theo hàng năm. Trong năm 2016, toàn huyện chỉ có 45 hộ đăng ký chuyển đổi 45,5 ha; đến năm 2017, có 203 hộ đăng ký chuyển đổi diện tích 203,3 ha.
Qua tìm hiểu, sau quá trình triển khai nghị quyết đã cho thấy phù hợp với yêu cầu thực tế trên địa bàn huyện và đã đi vào cuộc sống của người dân, được người dân đồng tình ủng hộ. Đặc biệt, cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã phát huy tinh thần dân chủ, người dân được họp bàn, thống nhất, nắm rõ các cơ chế chính sách của tỉnh, huyện. Tuy nhiên, do trình độ canh tác của người dân hạn chế, nên kỹ thuật thâm canh trồng cỏ của người chăn nuôi chưa được chú trọng; việc khai thác cỏ làm thức ăn phục vụ chăn nuôi chưa khoa học, thu hái không hợp lý, sản lượng chưa đạt hiệu quả, mất cân đối giữa các mùa; mùa mưa thì thừa cỏ, trong khi mùa Đông lại thiếu…, việc chế biến, dự trữ cỏ chưa được thực hiện thường xuyên. Bên cạnh đó, công tác tiêm phòng cho đàn gia súc chưa được cơ sở, người chăn nuôi quan tâm đúng mức; dịch bệnh trên đàn gia súc hàng năm vẫn còn xảy ra, gây tâm lý cho người dân khi đầu tư vào chăn nuôi để nhân rộng quy mô đàn, phát triển bò hàng hóa.
Đồng chí Lý Xuân Rắng, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Mèo Vạc cho biết: Để thực sự tạo cú hích cho phát triển chăn nuôi, góp phần thực hiện hiệu quả Đề án Tái cơ cấu Nông nghiệp của tỉnh, huyện và để nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện về đích; huyện Mèo Vạc đang tiến hành quy hoạch diện tích đất canh tác kém hiệu quả, các diện tích đất trống, đất có độ dốc lớn và có nguy cơ sạt lở cao sang trồng cỏ làm thức ăn cho gia súc theo lộ trình cụ thể từng năm. Đồng thời, đa dạng hóa cơ cấu giống cỏ trồng, ưu tiên mở rộng diện tích trồng cỏ Voi, cỏ VA06; đẩy mạnh các biện pháp kỹ thuật, nhất là khâu chăm sóc, bón phân, thu hoạch nhằm nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng cỏ. Xây dựng và nhân rộng các mô hình trồng cỏ gắn với thâm canh; đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân bảo quản và chế biến, dự trữ nguồn thức ăn cho mùa Đông và phòng, chống rét cho đàn gia súc. Mèo Vạc đang hướng đến xây dựng quy hoạch vùng chăn nuôi, vùng sản xuất giống vật nuôi chất lượng cao; duy trì hình thức chăn nuôi nông hộ, tiến tới chăn nuôi tập trung theo nhóm hộ, phát triển chăn nuôi trang trại ở những nơi có điều kiện, phát triển hệ thống gia trại vệ tinh; đẩy mạnh việc lai tạo, nhân giống từ giống bản địa và các giống nhập ngoại, từng bước cải tạo đàn, giải quyết tình trạng suy giảm thể trạng do lai tạo cận huyết, giống kém chất lượng; đẩy mạnh thụ tinh nhân tạo để cải tạo đàn bò của huyện; tập huấn kỹ thuật thụ tinh nhân tạo đến từng hộ dân; đầu tư xây dựng các mô hình khuyến nông chăn nuôi bò, mô hình an toàn dịch bệnh; củng cố, hoàn thiện mạng lưới thú y, dịch vụ thú y đến tận thôn bản…
Đối với người nông dân ở Mèo Vạc, đâu là con đường thoát nghèo luôn là bài toán nan giải. Với việc triển khai hiệu quả Nghị quyết số 07 của BCH Đảng bộ huyện về việc chuyển đổi một phần diện tích ngô sang trồng cỏ gắn với chăn nuôi bò hàng hóa đang dần mở ra hướng thoát nghèo cho người dân. Có thể khẳng định, đây là một chủ trương đúng, một quyết sách hợp ý Đảng – lòng Dân.
Bài, ảnh: KIM TIẾN
Ý kiến bạn đọc