"Làn gió mới" trong phát triển kinh tế ở Sủng Cháng

08:59, 11/07/2018

BHG - Với đặc thù 100% dân số là người dân tộc Mông, nhận thức của bà con trong phát triển KT – XH chưa cao, còn nhiều hủ tục… nên đến nay xã Sủng Cháng vẫn là một trong những địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao của huyện Yên Minh. Tuy nhiên, những mô hình kinh tế mới được thí điểm và nhân rộng ở Sủng Cháng từ năm 2017 đến nay như một “làn gió mới” góp phần thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp của người dân cũng như quan điểm của cấp ủy, chính quyền xã trong định hướng và chỉ đạo nhân dân phát triển kinh tế.

Sủng Cháng chỉ cách trung tâm huyện trên 20km. Điều kiện tự nhiên chủ yếu là đồi, núi đá, thiếu đất canh tác, cây ngô là cây lương thực chính của bà con nơi đây. Cuối năm 2015, khi rà soát tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều, xã Sủng Cháng có tới trên 81% dân số thuộc hộ nghèo. Nhưng với sự đổi mới, nỗ lực của cấp ủy, chính quyền xã và sự tham mưu hiệu quả của đội ngũ cán bộ khuyến nông, nhiều mô hình phát triển kinh tế mới đã được thí điểm thực hiện và bước đầu cho thấy hiệu quả trong công tác giảm nghèo ở địa phương.

Cây ăn quả được xã Sủng Cháng lựa chọn phát triển nhằm nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích đất canh tác. Trong ảnh: Cán bộ khuyến nông xã hướng dẫn người dân chăm sóc cây Lê mới trồng.
Cây ăn quả được xã Sủng Cháng lựa chọn phát triển nhằm nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích đất canh tác. Trong ảnh: Cán bộ khuyến nông xã hướng dẫn người dân chăm sóc cây Lê mới trồng.

Đổi mới rõ rệt nhất trong phát triển kinh tế ở Sủng Cháng đó là mô hình trồng cải Mầm đá được thực hiện trong vụ Đông năm 2017. Với diện tích thực hiện chỉ 1ha, nhưng sau khi trừ các chi phí, người dân có lãi khoảng 50 triệu đồng. Đầu năm 2018, xã cũng vận động nhân dân trồng thí điểm bắp cải trái vụ trên diện tích 0,5ha. Hiện tại bắp cải đang được xuất bán với giá trung bình khoảng 7 nghìn đồng/kg giao buôn, ước tính giá trị kinh tế cao hơn 2 – 3 lần so với trồng ngô. Bên cạnh đó, từ năm 2015 đến nay, Sủng Cháng đã thực hiện tốt việc quy hoạch phát triển sản xuất theo từng vùng, từng thôn để khai thác tiềm năng lợi thế của địa phương; 100% diện tích lúa và trên 55% diện tích ngô được chuyển sang bộ giống lai cho năng suất cao; chuyển đổi 2 ha đất vườn nhà sang trồng cây ăn quả các loại như ổi Đài Loan, mít Thái, chanh Tứ mùa, Hồng không hạt…. Đồng thời, tiếp tục mở rộng diện tích cây lê theo hướng tập trung.

Ngoài những đổi mới trong lĩnh vực trồng trọt, phát triển chăn nuôi ở Sủng Cháng cũng đang được thay đổi rõ nét, theo hướng hàng hóa, gia trại đã bước đầu xuất hiện. Tính đến đầu năm 2018, trên địa bàn xã Sủng Cháng đã có 3 gia trại chăn nuôi (2 gia trại dê, 1 gia trại trâu, bò) và đang xây dựng 1 gia trại nuôi lợn nái và 1 gia trại chăn nuôi gia cầm quy mô 1.000 con. Chỉ trong hơn 1 năm nay, xã Sủng Cháng đã thành lập mới 3 nhóm sở thích nuôi ong và 1 nhóm sở thích nuôi gà… Những mô hình chăn nuôi hàng hóa như hiện nay ở Sủng Cháng là rất mới và chưa từng có tiền lệ từ những năm 2015 trở về trước. Hiện nay, tổng đàn gia súc trên địa bàn đạt trên 3.670 con, trong đó số hộ chăn nuôi trâu, bò quy mô từ 3 - 5 con là trên 60 hộ (tăng 20 hộ so với năm trước); số hộ chăn nuôi trâu, bò quy mô 6 - 10 con là trên 20 hộ (tăng 8 hộ so với năm trước); tổng đàn gia cầm trên 14.700 con, số hộ chăn nuôi gia cầm quy mô trên 50 con có trên 30 hộ; đàn ong 350 tổ với 5 hộ nuôi từ 30-50 tổ…

Chủ tịch UBND xã Sủng Cháng, Giàng Mí Phứ cho biết: Những mô hình phát triển kinh tế mới ở xã chúng tôi như trồng cải Mầm đá, chăn nuôi gia súc, gia cầm hàng hóa theo quy mô gia trại đã phần nào khẳng định được hiệu quả nên cấp ủy, chính quyền xã đã chỉ đạo tiếp tục nhân rộng trong năm 2018 và các năm tiếp theo. Đây là những mô hình hay, có tính nhân rộng cao, góp phần đáng kể giúp thay đổi tư duy của bà con trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, với tỷ lệ giảm nghèo trung bình trong 2 năm gần đây của xã đạt gần 7%/năm.

Được biết, vụ Đông - xuân năm 2018, xã Sủng Cháng sẽ vận động, hỗ trợ nhân dân trồng 3ha cải Mầm đá. Đồng thời, xã cũng đang xây dựng thương hiệu cho 2 sản phẩm là gà đen và mật ong Bạc hà; chăm sóc tốt diện tích cây ăn quả hiện có và tiếp tục triển khai trồng mới 4 ha cây ăn quả để nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị canh tác; phát triển diện tích, mật độ cây Bạc hà để tạo vùng nguyên liệu cho nuôi ong... Hy vọng rằng, với những mô hình kinh tế mới và những đổi mới trong chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền xã Sủng Cháng, công tác giảm nghèo ở địa phương này sẽ tiếp tục đạt kết quả cao.

Bài, ảnh: Duy Tuấn


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

HTX Nông, Lâm nghiệp Bản Tùy – Thành công bước đầu từ mô hình liên kết trong sản xuất.

BHG - Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, khu vực kinh tê tập thể luôn giữ vai trò quan trọng và là thành phần không thể thiếu trong xã hội. Các hợp tác xã hoạt động hiệu quả đã góp phần vào việc ổn định kinh tế, xã hội, nêu cao tinh thần đoàn kết, tình làng nghĩa xóm, tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau thông qua các hình thức kinh doanh và sinh hoạt cộng đồng. Trong đó phải kể đến các HTX nông nghiệp là tổ chức đồng hành cùng tham gia triển khai các hoạt động kinh tế đã đem lại nhiều lợi ích cho bà con nông dân. 

10/07/2018
Công ty Điện lực Hà Giang triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm

BHG - Ngày 9.7, Công ty Điện lực Hà Giang tổ chức Hội nghị sơ kết hoạt động sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm; triển khai nhiệm vụ sản xuất kinh doanh 6 tháng cuối năm 2018.

10/07/2018
Thị trấn Việt Quang tập trung xây dựng đô thị loại IV

BHG - Phấn đấu xây dựng thế nào để đến năm 2020, đưa thị trấn Việt Quang (Bắc Quang) trở thành đô thị loại IV, là câu hỏi luôn thường trực với Đảng bộ, chính quyền thị trấn Việt Quang. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị trấn Việt Quang lần thứ IX, nhiệm kỳ 2015- 2020 đề ra 47 chỉ tiêu phát triển KT-XH. 

10/07/2018
Ngành điện Hà Giang khắc phục hậu quả thiên tai

BHG - Hết mưa lũ rồi lại đến nắng nóng, trong những ngày vừa qua các anh chị em công nhân ngành Điện Hà Giang đang phải chạy đua với thời gian, gồng mình khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra; đồng thời trực 24/24 giờ xử lý sự cố do quá tải để phục vụ nhiệm vụ chính trị tại địa phương, đảm bảo cung cấp điện an toàn trong sinh hoạt, sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.

10/07/2018