Quang Bình: Sản xuất lạc thương phẩm gắn với cơ giới hóa cho năng suất đạt 40,2 tạ/ha
BHG - Chiều 12.6, tại xã Vĩ Thượng, Trung tâm khuyến nông tỉnh phối hợp với Trạm khuyến nông huyện Quang Bình, Trung tâm Chuyển giao công nghệ và khuyến nông thuộc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam tổ chức tổng kết mô hình “Thâm canh tổng hợp, áp dụng cơ giới hóa sản xuất lạc tại các vùng đất chính” năm 2018. Tham dự có lãnh đạo Sở NN& PTNT tỉnh, lãnh đạo huyện Quang Bình, đại diện các xã, thị trấn và đông đảo người dân.
Sử dụng máy bứt củ lạc giảm thời gian lao động và tăng hiệu quả sản xuất cho người dân. |
Mô hình sản xuất lạc thương phẩm gắn với cơ giới hóa được triển khai từ tháng 1 đến tháng 6.2018, có quy mô 15ha, 9 máy gieo lạc, 1 máy thu hoạch và 1 máy bứt củ lạc với sự tham gia của 37 hộ dân thôn Thượng Minh, xã Vĩ Thượng. Các hộ được nhà nước hỗ trợ 100% giống, 50% phân bón; hỗ trợ 56% giá trị máy gieo lạc 1 hàng, 75% giá trị máy bứt lạc và máy thu hoạch lạc. Trong quá trình thực hiện người dân được tập huấn kỹ thuật sản xuất, gieo trồng giống lạc L14, L23 thương phẩm theo hình thức cầm tay chỉ việc. Qua đánh giá, mô hình sản xuất lạc thương phẩm áp dụng cơ giới hóa cho năng suất trung bình là 40,2 tạ/ha, cao hơn sản xuất đại trà là 7,2 tạ/ha; thu nhập tăng từ 66 triệu đồng lên 80,4 triệu đồng/ha; hiệu quả kinh tế tăng thêm 20%. Trong đó, giống lạc L14 phát triển tốt hơn và cho năng suất cao hơn giống lạc L23 là 6,4 tạ/ha.
Vụ Xuân năm nay, huyện Quang Bình đã thực hiện gieo trồng 1.975,7ha lạc, tuy nhiên việc áp dụng cơ giới hóa chủ yếu trong khâu làm đất. Vì vậy, nếu đưa máy móc vào gieo lạc, thu hoạch và bứt củ sẽ đẩy nhanh tiến độ, giảm chi phí, ngày công lao động và làm thay đổi tập quán canh tác truyền thống. Thành công bước đầu của mô hình là cơ sở để các xã tuyên truyền, hướng dẫn người dân đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa.
Tin, ảnh: MỘC LAN
Ý kiến bạn đọc