Vị Xuyên tập trung chăm sóc cây cam sau thu hoạch
BHG - Cam Sành là một trong những cây trồng chủ lực của huyện Vị Xuyên. Sau khi kết thúc thu hoạch niên vụ 2017 – 2018, UBND huyện đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây cam sau thu hoạch cho người dân.
Chị Nguyễn Thị Chinh, tổ 13, thị trấn Việt Lâm chăm sóc vườn cam của gia đình. |
Huyện Vị Xuyên hiện có tổng diện tích 619,8 ha cam, trong đó, diện tích đang cho thu hoạch là 105 ha; niên vụ cam 2017 – 2018 đạt sản lượng gần 900 tấn quả. Với nhiều hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường tiêu thụ của chính quyền các cấp đã giúp cho sản phẩm cam Sành của huyện có đầu ra ổn định với giá bán dao động từ 10 – 15 nghìn đồng/kg; góp phần cải thiện thu nhập, ổn định cuộc sống cho nhiều hộ trồng cam.
Đầu tháng 4 vừa qua, sau khi bà con kết thúc vụ thu hoạch, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn chủ động tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây cam cho nông dân các xã, thị trấn để cây cam sinh trưởng và phát triển tốt, đảm bảo năng suất, chất lượng cho niên vụ 2018 – 2019. Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn hướng dẫn người dân cách bón phân hợp lý và các biện pháp phòng trừ khi xuất hiện sâu, bệnh hại trên cây.
Đồng chí Nguyễn Thị Hương, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Vị Xuyên cho biết: “Cam là loại cây có nhiều đối tượng sâu bệnh hại như: Rệp sáp, rầy mềm, nhện đỏ, bệnh thối gốc, chảy mủ… Phòng đã hướng dẫn bà con cắt tỉa cành thông thoáng, trồng cây với mật độ không quá dày, kết hợp làm cỏ và sử dụng các loại phân bón hữu cơ để hạn chế khả năng cây bị sâu bệnh gây hại. Thường xuyên thăm vườn, theo dõi tình hình sinh trưởng của cây và tiến hành phun các loại thuốc chuyên dùng theo đúng hướng dẫn kỹ thuật khi cây xuất hiện sâu bệnh hại”.
Những ngày này, gia đình ông Trần Văn Long, thôn Minh Thành, xã Trung Thành đang tập trung làm cỏ, bón phân cho cây cam. Với kinh nghiệm trồng cam lâu năm, ông Long cho biết: Hiện, gia đình tôi trồng 3 ha cam, vụ vừa qua có hơn 1 ha cho thu hoạch. Sau khi thu hoạch xong, gia đình tiến hành cắt tỉa những cành yếu, bị sâu bệnh để tăng khả năng quang hợp giúp cây nhanh chóng phục hồi, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh. Sau khi cắt tỉa phải phun thuốc, quét vôi gốc cây kịp thời để tránh sâu đục thân trong quá trình cây nảy mầm. Làm sạch cỏ trước khi bón phân. Tuyệt đối không được dùng thuốc diệt cỏ vì sẽ làm bộ rễ tơ của cây cam bị thối, hỏng không hấp thụ được các chất dinh dưỡng. Trong quá trình cây ra hoa, kết quả, phải theo dõi, cung cấp đầy đủ nước cho cây.
Gia đình chị Nguyễn Thị Chinh, tổ 13, thị trấn Việt Lâm cũng đang tập trung làm cỏ, phun thuốc cho diện tích 1,3 ha cam của gia đình. Niên vụ vừa qua, gia đình chị thu nhập gần 200 triệu đồng từ cây cam. Nhận thấy đây là loại cây mang lại giá trị kinh tế cao hơn hẳn so với nhiều giống cây trồng khác, nên gia đình chị tiếp tục đầu tư, mở rộng diện tích và đưa giống cam mới, sản lượng cao, chất lượng tốt vào thay thế những cây cam đã già cỗi.
Xác định cây cam là một trong những cây trồng chủ đạo trong thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, huyện Vị Xuyên đã có kế hoạch nâng cao năng suất, chất lượng vườn cam giai đoạn 2016 – 2020. Quy hoạch vùng trồng cam tập trung tại các xã: Trung Thành, Việt Lâm, Quảng Ngần, thị trấn Việt Lâm; phấn đấu đến năm 2020 trồng mới 250 ha, đưa tổng diện tích cam VietGAP toàn huyện đến năm 2020 lên 600 ha.
Bên cạnh việc tập trung hướng dẫn nhân dân chăm sóc cây cam sau thu hoạch, huyện cũng khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận với các chương trình vay vốn ưu đãi nhằm mở rộng diện tích góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn.
Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc