Thụ tinh nhân tạo thúc đẩy phát triển chăn nuôi ở Mèo Vạc
BHG - Trong chăn nuôi, giống được xác định là khâu quan trọng, quyết định đến sự sinh trưởng, phát triển của vật nuôi. Trong đó, việc áp dụng khoa học kỹ thuật thụ tinh nhân tạo (TTNT) sẽ tránh được tình trạng vật nuôi giao phối cận huyết và có sức đề kháng cao với dịch bệnh, sinh trưởng và phát triển tốt hơn. Vì vậy, thời gian qua các cấp ủy, chính quyền huyện Mèo Vạc đã đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật TTNT trên đàn gia súc và đã có những kết quả đáng ghi nhận.
Các dẫn tinh viên kiểm tra tình hình sinh trưởng của bê con sinh ra từ thụ tinh nhân tạo của gia đình anh Lò Văn Hành, thôn Sảng Pả A, thị trấn Mèo Vạc. |
Lâu nay, người dân Mèo Vạc chủ yếu chăn nuôi theo cách truyền thống và sử dụng làm sức kéo trong nông nghiệp, chưa xác định phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Do đó, việc áp dụng kỹ thuật TTNT trên đàn gia súc mới đầu còn gặp nhiều khó khăn như: Kiến thức của người dân về TTNT còn hạn chế; công tác tuyên truyền đến người dân chưa thực sự phát huy hiệu quả; thiếu vật dụng, trang thiết bị truyền dẫn tinh; đội ngũ dẫn tinh viên (DTV) vừa thiếu, vừa chưa đáp ứng được yêu cầu công việc; nhiều DTV sau khi được tập huấn nhưng lại chuyển sang làm công việc khác hay kiêm nhiệm nhiều việc nên chưa phát huy hiệu quả; người dân chưa nhận biết được thời kỳ gia súc động dục, không kịp thời thông báo cho DTV; nhiều hộ khi bò động dục tự cho giao phối tự nhiên, khi không thành công mới thông báo cho DTV để TTNT nên tỷ lệ thành công không cao…
Từ thực tế trên, UBND huyện ban hành kế hoạch triển khai công tác TTNT cho đàn bò cái sinh sản. Theo đó, các ban, ngành, đoàn thể của huyện đã phối hợp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân về TTNT bằng nhiều hình thức thông qua các buổi họp thôn, xóm, trên hệ thống loa, băng zôn, tờ rơi, tư vấn trực tiếp… Mua sắm trang thiết bị như, bình ni – tơ bảo quản tinh, súng bắn tinh, ống gen, dầu bôi trơn, nhiệt kế và một số vật dụng bảo hộ lao động. Tăng cường đào tạo cho đội ngũ DTV; tập huấn cách nhận biết, phát hiện thời kỳ bò động dục cho người chăn nuôi.
Anh Lò Văn Hành, thôn Sảng Pả A, thị trấn Mèo Vạc tâm sự: Trước kia gia đình tôi nuôi bò theo cách truyền thống, không biết đến TTNT. Nhờ có sự tuyên truyền của các đoàn thể huyện, gia đình tôi đã áp dụng khoa học kỹ thuật TTNT cho bò. Hiện nay, gia đình tôi có hai con bê được sinh ra nhờ TTNT. Qua theo dõi cho thấy, bê sinh ra từ TTNT phát triển tốt hơn, khả năng kháng dịch bệnh cao hơn.
Được biết, từ năm 2012 đến nay, huyện Mèo Vạc có 1.440 con bò cái được phối giống theo phương pháp TTNT. Trong đó, có 1.197 ca phối giống thành công; 761 con bê được sinh ra từ TTNT với trọng lượng bình quân 22 kg. Trong 4 tháng đầu năm, toàn huyện phối giống theo kỹ thuật TTNT thành công cho 121 con gia súc.
Bài, ảnh: Hoàng Tuyến
Ý kiến bạn đọc