Quang Bình đẩy mạnh sản xuất rau an toàn
BHG - Thời gian qua, cùng với việc mở rộng diện tích, huyện Quang Bình chú trọng phát triển sản xuất rau sạch, an toàn, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân; đồng thời tạo chuyển biến tích cực trong việc đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa trên địa bàn.
Người dân thôn Yên Thượng, xã Vĩ Thượng thu hoạch dưa chuột vụ Xuân. |
Vụ Xuân này, gia đình anh Nguyễn Xuân Nhất ở thôn Yên Thượng, xã Vĩ Thượng, trồng gần 3.000 m2 rau xanh các loại như: Dưa chuột, Dưa lê, Bí xanh… Qua tham khảo thông tin trên mạng internet, ti-vi về cách trị sâu bệnh hại cho rau, thay vì sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, gia đình anh Nhất dùng chế phẩm tự chế là nước tỏi, gừng, ớt pha rượu để phun phòng, trừ sâu bệnh, đảm bảo nguồn rau sạch, an toàn. Anh Nhất cho biết, được sự hỗ trợ, hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp xã, từ năm 2015 đến nay, gia đình anh đã chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau sạch theo mùa. Nhờ đó, mỗi vụ rau gia đình anh thu về từ 30 - 35 triệu đồng.
Chủ tịch UBND xã Vĩ Thượng, Phù Văn Xuế cho hay: Hiện, xã có 3 ha đất trồng rau chuyên canh, tập trung chủ yếu tại thôn Yên Thượng, Hạ Thành, Thượng Minh... Cùng với tăng cường mở rộng diện tích, xã chú trọng tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGap, sạch và an toàn. Hàng năm, xã tổ chức 2 - 3 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng, chăm sóc rau an toàn, nhờ đó, người dân đã có ý thức cao đối với việc sử dụng phân bón đúng cách, dùng thuốc trừ sâu sinh học thay cho thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình sản xuất.
Cũng như xã Vĩ Thượng, thị trấn Yên Bình phát triển vùng sản xuất rau, hoa an toàn gồm 3 khu nhà lưới liền kề với tổng diện tích 1.170 m2; hệ thống nhà màng gần 2.500 m2 có lưới bao quanh và hệ thống điện, hệ thống tưới nước bán tự động. Cùng với đó, Tổ sản xuất rau, hoa được thành lập với 12 thành viên. Bà Hoàng Thị Viển, Tổ trưởng Tổ trồng rau, hoa an toàn cho biết: “Tổ sản xuất trồng các loại rau màu theo mùa. Rau được trồng trong nhà lưới nên phát triển tốt, ít bị sâu bệnh hại. Chúng tôi cũng hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo nguồn rau sạch, an toàn, phục vụ nhu cầu người tiêu dùng tại địa phương. Mỗi sào rau cho thu nhập trung bình 5 triệu đồng/vụ, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho các hộ thành viên”.
Đến nay, trên địa bàn huyện có 5 ha sản xuất rau chuyên canh, 4.000 m2 nhà lưới sản xuất rau an toàn và 4 Tổ sản xuất rau, hoa an toàn tại các xã Tiên Yên, Vĩ Thượng, Tân Trịnh và thị trấn Yên Bình. Tham gia sản xuất rau an toàn, các hộ dân được tập huấn kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh, phương pháp thu hái và sơ chế rau trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ. Sản phẩm rau sạch của người dân được tiêu thụ tại các trường học, bếp ăn tập thể trên địa bàn huyện và thương lái trong, ngoài huyện.
Tuy nhiên, sản xuất rau an toàn tại huyện Quang Bình còn gặp không ít khó khăn do diện tích trồng phân tán, ảnh hưởng đến việc kiểm tra, kiểm soát chất lượng rau. Các hộ dân tự trồng rau theo sở thích, thiếu định hướng nên dễ sản xuất ồ ạt cùng loại rau quả. Mặt khác, huyện cũng chưa xây dựng được thương hiệu, người dân tự tiêu thụ sản phẩm nên giá bán không ổn định, tùy thuộc vào thị trường, dễ bị thương lái ép giá.
Để phát triển sản xuất rau an toàn, quy hoạch thành các vùng chuyên canh, tiến tới nền nông nghiệp sạch, bền vững trên địa bàn, thời gian tới, huyện Quang Bình xác định tiếp tục duy trì ổn định diện tích rau hiện có; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người nông dân hiểu lợi ích khi sản xuất nông nghiệp sạch; tăng cường tổ chức các lớp tập huấn quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn để nâng cao giá trị của sản phẩm; lựa chọn một số sản phẩm rau có năng suất, chất lượng tốt, giá trị kinh tế cao đưa vào sản xuất trong hệ thống nhà lưới. Đồng thời đẩy mạnh các chính sách thu hút các đơn vị doanh nghiệp đầu tư, liên doanh, liên kết bao tiêu sản phẩm, từng bước xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Bài, ảnh: YẾN VŨ
Ý kiến bạn đọc