Gia trại nuôi gà hiệu quả kinh tế cao ở Hoàng Su Phì

09:49, 08/05/2018

BHG - Nhận thấy nhu cầu thị trường chăn nuôi có tiềm năng phát triển ở huyện Hoàng Su Phì. Năm 2015, anh Phan Hữu Tụ, tổ 3, thị trấn Vinh Quang đã mạnh dạn đầu tư chuồng trại nuôi gà giống và thương phẩm. Sau gần 4 năm bén duyên với nghề, gia trại nuôi gà của gia đình đã đem lại hiệu quả kinh tế rất cao và được đánh giá là có quy mô lớn nhất huyện.

Gia trại chăn nuôi gà của gia đình anh Phan Hữu Tụ, tổ 3, thị trấn Vinh Quang có quy mô lớn nhất huyện Hoàng Su Phì.
Gia trại chăn nuôi gà của gia đình anh Phan Hữu Tụ, tổ 3, thị trấn Vinh Quang có quy mô lớn nhất huyện Hoàng Su Phì.

Qua thực tế, thấy người dân các xã trong huyện phần lớn chỉ nuôi gà theo hình thức nhỏ lẻ phục vụ nhu cầu sinh hoạt gia đình, ít có mô hình chăn nuôi với quy mô hàng hóa, nên anh Tụ đã quyết tâm đầu tư vào mô hình chăn nuôi gà với mong muốn cung cấp cho thị trường nguồn thực sạch và con giống; giúp bà con phát triển kinh tế. Lứa đầu tiên, anh Tụ nuôi với số lượng 1.000 con gà, với mục đích vừa học tập kỹ thuật chăm sóc vừa nắm bắt tình hình tiêu thụ… Bằng sự cần cù, nhạy bén và chịu khó nghiên cứu và áp dụng tiến bộ khoa học vào chăn nuôi cùng với sự hỗ trợ vốn đầu tư có thu hồi của huyện, năm 2016, anh Tụ được vay 200 triệu đồng để nâng cấp, mở rộng chuồng trại lên 2.400m² và phát triển gia trại gà lên đến 8.000 con.

Trong đó, gà Ai Cập nuôi lấy giống, trứng là 6.500 con, còn lại gà xương đen, thịt đen địa phương là gà thương phẩm. Những con gà được tuyển chọn giống kỹ càng từ Viện Chăn nuôi, đảm bảo chất lượng; ngày càng nhiều người trong và ngoài huyện biết đến và coi đây là địa chỉ cung cấp con giống uy tín. Để đạt hiệu quả kinh tế cao trong chăn nuôi, giữ vệ sinh môi trường, hạn chế mầm bệnh; gia đình anh sử dụng đệm lót sinh học rải trên nền chuồng nhằm xử lý chất thải, đặc biệt là mùi hôi từ phân gà và tiết kiệm thời gian lao động. Anh Tụ cho biết: “Yếu tố quan trọng nhất là phải phòng trừ dịch, bệnh, tiêm vắc xin theo giai đoạn từng tuổi gà; nếu bỏ qua sẽ thất bại. Đồng thời, quan tâm đến yếu tố thời tiết, mùa Hè phải thoáng mát, mùa Đông cần sưởi ấm cho gà từ 1 - 30 ngày tuổi bằng bóng điện, giữ và quây chuồng trại kín gió. Thức ăn cho gà theo thời điểm phát triển, gà từ 90 - 120 ngày tuổi, sử dụng hoàn toàn ngô, thóc để xuất chuồng”.

Theo tính toán, 1 con gà thương phẩm xuất chuồng nặng từ 1,5 - 1,8kg, giá bán hiện bình quân 100 nghìn đồng/kg; mỗi năm, gia đình anh Tụ xuất chuồng khoảng 3.000 con, trừ các khoản chi phí, thu lãi khoảng 200 triệu đồng. Riêng gà giống, năm ngoái, anh xuất bán 10.000 con, đem lại nguồn thu khoảng 250 triệu đồng. Những lứa gà đã mang lại cho gia đình nguồn thu nhập ổn định, vững chắc. Để tiếp tục khẳng định và vươn ra thị trường lớn, anh Tụ mở thêm một gia trại mới với diện tích 10.000m² để nuôi 3.000 con gà ri lai tại tổ 6, thị trấn Vinh Quang. Ngoài ra, huyện hỗ trợ 300 triệu đồng theo Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp để mua máy ấp trứng và mua giống gà bố mẹ nhằm nhân rộng và phát triển mô hình nuôi gà ra địa bàn toàn huyện.

Theo đánh giá của Phòng NN&PTNT huyện Hoàng Su Phì, gia trại chăn nuôi gà của anh Tụ là gia trại chăn nuôi theo hướng hàng hóa tập trung, phát triển bền vững. Ngoài ra, huyện còn có thêm gia trại chăn nuôi gà ở xã Bản Péo với quy mô 4.000 con. Với mục tiêu thúc đẩy ngành chăn nuôi, phấn đấu đàn gia cầm phát triển 15%/năm, duy trì mức tổng đàn của toàn huyện năm 2018 đạt 388.000 con. Để khắc phục tình trạng thiếu hụt thực phẩm và con giống, Phòng NN&PTNT tiếp tục cùng các ngành chức năng triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 209 và số 86 của HĐND tỉnh đến với người dân. Cùng với đó, đẩy mạnh chương trình cho vay đầu tư có thu hồi; hàng năm tổ chức đào tạo nghề, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi cho bà con, nhằm tạo ra bước đột phá mới trong sản xuất để tạo thành hàng hóa.

Bài, ảnh: MỘC LAN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Kinh tế tư nhân thêm cơ hội... "cất cánh" - Kỳ 1: Lớn mạnh từ chính sách "kích cầu" của Nhà nước

BHG - Chương trình hành động của BCH Đảng bộ tỉnh, thực hiện Nghị quyết Hội nghị T.Ư 5 khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa xác định: Đến năm 2020, tỉnh ta có khoảng 2.300 doanh nghiệp, đến năm 2025 con số này tăng lên hơn 2.800 và 3.250 vào năm 2030; tỷ trọng đóng góp khu vực kinh tế tư nhân đạt trên 60% thu ngân sách nhà nước của tỉnh năm 2020, đạt 65% năm 2025… Thực hiện mục tiêu này, tỉnh ta đã, đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, tạo đà thúc đẩy kinh tế tư nhân "cất cánh".

 

08/05/2018
Sản xuất Nông nghiệp ở Yên Minh với quyết tâm bứt phá

BHG - Sản xuất nông nghiệp ở Yên Minh những năm qua có sự chuyển biến rõ nét, điều này thể hiện trong việc thay đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị. Cùng với đó là xác định rõ các loại cây, con thế mạnh, chủ lực của địa phương, tương ứng với từng vùng khí hậu để định hướng, hỗ trợ thúc đẩy phát triển. Đặc biệt, năm 2018, ngành Nông nghiệp huyện Yên Minh đang cho thấy quyết tâm bứt phá với những mục tiêu rõ ràng và tiến độ triển khai mạnh mẽ.

07/05/2018
Sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGap ở xã Vô Điếm

BHG - Xác định sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGap sẽ làm tăng giá trị sản phẩm cũng như đảm bảo an toàn vệ sinh sản phẩm cho người sản xuất cũng như người tiêu dùng. Vì vậy, trong thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã Vô Điếm (Bắc Quang) đã vận động người dân tập trung sản xuất chè theo hướng VietGap để tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

 

05/05/2018
Quang Bình phát triển mô hình trồng bí ngô, dưa hấu trên đất 1 vụ

BHG - Hiện nay, huyện Quang Bình đang đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng và tích cực thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp địa phương. Tại một số xã vùng cao của huyện gồm: Xuân Minh, Tiên Nguyên, Tân Nam,… đã và đang phát triển mô hình trồng bí ngô, dưa hấu trên đất 1 vụ lúa; nhằm tăng hệ số sử dụng đất, nâng cao giá trị sản phẩm trên đơn vị diện tích, cải thiện và nâng cao thu nhập cho người dân.

 

05/05/2018