Vị Xuyên đẩy mạnh công tác bảo vệ rừng
BHG - Là một trong những huyện có diện tích rừng lớn của tỉnh, những năm qua, các cấp, các ngành chức năng, cộng đồng dân cư và các gia đình đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực, rõ nét đối với công tác bảo vệ (BV) và phát triển rừng (PTR); nhiều chương trình, dự án PTR, trồng rừng giống tốt chất lượng cao, trồng rừng mô hình, trồng rừng thay thế; thực hiện chính sách chi trả Dịch vụ môi trường rừng,... đã góp phần xã hội hoá nghề rừng, BVR bền vững trên địa bàn huyện Vị Xuyên; các điểm nóng về khai thác lâm sản trái pháp luật có tính chất phức tạp và số vụ vi phạm ngày một giảm...
Cán bộ Ban Quản lý rừng đặc dụng Tây Côn Lĩnh tuần tra, bảo vệ rừng. |
Huyện Vị Xuyên có tổng diện tích tự nhiên gần 148 nghìn ha, diện tích rừng và đất lâm nghiệp gần 121 ha. Trong đó, diện tích đất có rừng là trên 100.616 ha gồm: 89.709 ha rừng tự nhiên, 10.906 ha rừng trồng; đất chưa có rừng 20.338 ha. Vị Xuyên cũng có 3 loại rừng: Rừng đặc dụng 23.772 ha, rừng phòng hộ 26.280 ha và rừng sản xuất 48.740 ha; rừng ngoài đất quy hoạch lâm nghiệp 1.823 ha. Tổng diện tích các loại rừng trên nằm trong trách nhiệm quản lý Nhà Nước của Hạt Kiểm lâm huyện và 2 Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng, 2 Ban Quản lý rừng đặc dụng (Phong Quang, Tây Côn Lĩnh), Ban Quản lý rừng phòng hộ làm nhiệm vụ khoanh nuôi, quản lý BV, PTR trên địa bàn huyện. Năm 2017, Hạt Kiểm lâm Vị Xuyên, UBND các xã, thị trấn, cán bộ kiểm lâm địa bàn thường xuyên cập nhật các thông tin thay đổi ngoài thực địa của từng năm theo các nguyên nhân: Trồng mới, khai thác, cháy rừng, sâu bệnh, phá rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng, chăm sóc rừng trồng, khoanh nuôi BV và các nguyên nhân khác... Từ đó, tổng hợp, số hóa bản đồ trên phần mềm diễn biến rừng, theo Dự án Phát triển hệ thống thông tin quản lý ngành Lâm nghiệp (Formis). Tiến hành lập mới 15 ô tiểu chuẩn, qua theo dõi các ô tiêu chuẩn đã phát hiện 1 ổ dịch sâu Róm ăn lá Thông, tại thôn Bản Phố xã Minh Tân (diện tích 3,1 ha). Hạt Kiểm lâm Vị Xuyên đã phối hợp cùng Trạm Bảo vệ thực vật, UBND xã Minh Tân, nhân dân thôn Bản Phố theo dõi và diệt trừ sâu theo phương pháp thủ công, không gây hại đến cây trồng. Hiện, toàn bộ diện tích rừng Thông đã phục hồi, phát triển bình thường. Thường xuyên cập nhật thông tin cháy rừng trên địa bàn nhằm phát hiện sớm các vụ cháy rừng và tổ chức triển khai chữa cháy rừng đảm bảo hiệu quả cao. Chuẩn bị tốt phương tiện dụng cụ, thiết bị phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) như: Ô-tô, xe máy, máy thổi gió, máy cắt thực bì, máy định vị GPS, máy ảnh, loa cầm tay, câu liêm, vỉ dập lửa,… sẵn sàng ứng phó khi có cháy rừng xảy ra.
Trong công tác BV, quản lý lâm sản; các cấp, các ngành từ tỉnh đến huyện, các xã, thị trấn đã quyết liệt triển khai nhiều biện pháp, phương án phối hợp cùng lực lượng Kiểm lâm BVR. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau như: Đời sống của nhân dân sống trong rừng, gần rừng còn gặp nhiều khó khăn; lợi nhuận đem lại từ việc khai thác, mua bán trái pháp luật các loại gỗ cao, đặc biệt là gỗ Nghiến nhóm IIA. Các đối tượng đầu nậu đã lợi dụng cuộc sống khó khăn của người dân chu cấp gạo, tiền, đầu tư máy cưa xăng,… để người dân phá rừng, khai thác gỗ quý bán cho chúng mang đi tiêu thụ. Các trọng điểm về phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật ở khu vực rừng đặc dụng Phong Quang, khu vực rừng thuộc thôn Dìn, thôn Bản Xám, xã Ngọc Minh vẫn còn diễn ra hết sức phức tạp.
Hiện nay, đối với rừng đặc dụng Phong Quang, UBND tỉnh đã thành lập Tổ công tác liên ngành thường xuyên chốt chặn, truy quét các đối tượng khai thác, vận chuyển lâm sản trái pháp luật khu vực biên giới Phong Quang, Minh Tân. Tại xã Ngọc Minh, UBND huyện thành lập Tổ công tác đặc biệt gồm lực lượng Công an xã, Quân sự xã; Công an địa bàn, lực lượng Kiểm lâm được bố trí thường xuyên tham gia chốt chặn 24/24 tại tuyến đường vào thôn Dìn, thôn Bản Xám và thực hiện công tác luân phiên tuần tra rừng tại các khu vực để ngăn chặn, xử lý kịp thời các đối tượng có hành vi khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật.
Trong năm 2017, các Hạt Kiểm lâm đã phối hợp với các ngành chức năng phát hiện: 116 vụ vi phạm trong lĩnh vực quản lý BVR và quản lý lâm sản; trong đó, khởi tố hình sự 4 vụ; xử lý hành chính 112 vụ. Tịch thu tang vật, phương tiện: trên 25,5 m3 gỗ các loại, 17 xe máy, 9 máy cưa xăng,… thu nộp Kho bạc Nhà nước 257 triệu đồng. Trong 3 tháng đầu năm 2018, đã xử lý 13 vụ mua bán, vận chuyển, cất giữ, khai thác lâm sản trái phép, thu nộp ngân sách 32 triệu đồng.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở; các Hạt Kiểm lâm, ngành chức năng, chính quyền các xã, thị trấn đã làm tốt công tác phối hợp, có nhiều phương án, giải pháp truy quét các tụ điểm khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép, đẩy mạnh công tác tuần tra rừng, kiểm soát lâm sản, nắm bắt thông tin, dự báo tình hình tại những khu vực trọng điểm,... Qua đó, tình trạng khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật đã có chiều hướng giảm. Nhận thức của người dân về lợi ích của rừng; công tác trồng mới, khoanh nuôi, BVR từng bước được nâng lên. Hiện, với độ che phủ đạt trên 68%, hy vọng “lá phổi xanh” của Vị Xuyên ngày càng phát triển, mang lại những giá trị to lớn cho môi trường và đời sống con người.
Bài, ảnh: An Dương
Ý kiến bạn đọc