Thành phố Hà Giang đột phá về ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất
BHG - Thời gian qua, việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ đột phá về ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ (KHKT&CN) vào sản xuất trên địa bàn thành phố đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Điều này góp phần đưa thành phố Hà Giang dần phát triển toàn diện, trở thành vùng phát triển kinh tế trọng điểm của tỉnh.
Trồng Dưa chuột trong nhà lưới tại xã Phương Thiện. |
Để tạo ra bước đột phá trong ứng dụng KHKT&CN vào sản xuất, thành phố Hà Giang đã đặc biệt chú trọng việc đưa cơ giới hóa nông nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm, hạ giá thành, thúc đẩy sản xuất hàng hóa. Đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất đạt gần 75%, hệ thống tưới nhỏ giọt, phun mưa đạt gần 15%, diện tích được cắt gặt bằng máy đạt gần 43%, lúa được tuốt đập bằng máy đạt 82%, khâu vận chuyển đạt 72%...
Hệ thống nhà lưới trồng rau an toàn tại xã Phương Thiện. |
Về ứng dụng KHKT&CN trong phát triển sản xuất nông nghiệp theo công nghệ mới, Phòng Kinh tế đã tham mưu, đề xuất UBND thành phố tiếp tục triển khai mới và duy trì trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Phương Thiện, với diện tích 4,2 ha, gồm 17 nhà lưới. Tổng mức đầu tư gần 3 tỷ đồng, bước đầu mô hình đã có hiệu quả, cung ứng ra thị trường nhiều sản phẩm rau như Măng tây, Dưa chuột... đảm bảo an toàn chất lượng. Ngoài ra, thành phố đang rà soát đất đai, xúc tiến đầu tư quy hoạch khu Nà Ngù, tổ 3, phường Quang Trung xây dựng Dự án ứng dụng KHKT&CN mới vào trồng trọt, chăn nuôi kết hợp công nghệ sơ chế, bảo quản trên diện tích dự kiến 10 ha, công suất thiết kế 500 tấn rau, 100 tấn lợn, 10 tấn gà/năm. Sản phẩm đầu ra gồm các loại rau, củ, quả, thực phẩm an toàn theo chuẩn VietGAP. Quy mô kiến trúc xây dựng: Đầu tư các khu chuồng trại chăn nuôi, nhà lưới, hệ thống tưới phun tự động, khu sơ chế, đóng gói, cấp đông chậm, hệ thống điện, đường giao thông nội bộ, camera giám sát quá trình sản xuất… kinh phí dự kiến trên 15 tỷ đồng.
Đồng chí Nguyễn Thị Út, Trưởng phòng Kinh tế thành phố cho biết: Thực hiện ứng dụng KHKT&CN trong phát triển vành đai thực phẩm nông nghiệp, sản phẩm chuyên sâu gồm các loại rau, thịt gia cầm, thịt lợn sản xuất theo hướng an toàn phục vụ du lịch… thành phố đang duy trì trồng, chăm sóc trên 80 ha rau chuyên canh, sản lượng ước đạt 2.160 tấn, giá trị 180 triệu đồng/ha/vụ. Các hộ dân đã ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn và cung cấp cho 206 cơ sở kinh doanh trên địa bàn. Cùng với đó, thành phố đang đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn, tạo ra các sản phẩm đặc thù, đặc sản, nổi bật như mô hình chăn nuôi gà giống, gà ri, quy mô 1 nghìn con/2 hộ; bò 50 con/1 hộ tại tổ 3, phường Quang Trung; nuôi lợn đen 2 mô hình, quy mô 100 con/lứa/2hộ kết hợp trồng rau, cây ăn quả tại tổ 8, phường Quang Trung và thôn Châng, xã Phương Thiện.
Với mục tiêu xây dựng Ngọc Đường thành xã điển hình, kiểu mẫu phát triển kinh tế nông nghiệp, trong đó chú trọng đưa KHKT&CN vào sản xuất, UBND thành phố đã xây dựng kế hoạch giao địa phương phối hợp chặt chẽ với phòng, trạm chuyên môn của thành phố hướng dẫn kỹ thuật triển khai thực hiện. Đến nay, xã Ngọc Đường đã thực hiện dồn điền, đổi thửa, chuyển đổi diện tích trồng lúa một vụ kém hiệu quả sang trồng mía được trên 27 ha; rau chuyên canh trên 5 ha... cho thu nhập tăng gấp 3 - 4 lần. Cũng tại xã Ngọc Đường, có 30 hộ đã tự chỉnh trang khuôn viên, đầu tư làm dịch vụ Homstay, nhiều hộ hiến đất, đóng góp ngày công xây dựng mới cổng Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Bản Tùy và các điểm tham quan như Ao sen Bản Tùy, xây dựng Làng nghề “Bánh chưng gù” thôn Bản Tùy sản lượng 3.000 - 5.000 chiếc/ngày, tạo việc làm cho 120 hộ, góp phần phục vụ du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái. Hiện giá trị sản phẩm thu hoạch/ha đất canh tác hàng năm của xã Ngọc Đường đã đạt 90 triệu đồng...
Về nhiệm vụ tiếp theo, đồng chí Nguyễn Danh Hùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Giang cho biết: Thực hiện đột phá về ứng dụng KHKT&CN vào sản xuất, thành phố tiếp tục mở rộng và phát triển vành đai thực phẩm nông nghiệp, với các sản phẩm chuyên sâu để phục vụ du lịch. Tăng cường quản lý nhà nước và có cơ chế, chính sách phù hợp để phát triển vành đai thực phẩm. Đồng thời, liên kết với các doanh nghiệp, HTX sản xuất nông, lâm nghiệp và các hộ dân thực hiện ứng dụng KHKT&CN mới tại thôn Tiến Thắng, thôn Lâm Đồng, xã Phương Thiện. Đặc biệt, tiếp tục chỉ đạo thực hiện Đề án xã Ngọc Đường trở thành xã điển hình kiểu mẫu về phát triển kinh tế nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 theo đúng lộ trình.
Bài, ảnh: VĂN NGHỊ
Ý kiến bạn đọc