Tái cơ cấu kinh tế dưới góc nhìn của các chuyên gia
BHG - Trong Chương trình Đối thoại chính sách Tái cơ cấu kinh tế mới đây, các chuyên gia chỉ rõ: Hà Giang cần dựa vào nội lực và có cơ chế khuyến khích ngược đối với cán bộ cũng như mạnh dạn đi vào những “vùng xám” để giải quyết 5 “nút thắt” trong hoạch định, điều hành, thực hiện Tái cơ cấu kinh tế. Những “nút thắt” như: Thông tin dữ liệu sơ sài; quy hoạch và các chỉ tiêu điều hành không tác dụng; thiếu cơ chế khuyến khích ngược đối với cán bộ, công chức; động cơ không muốn thoát nghèo của một bộ phận người dân; chưa có sự gắn kết giữa ba trụ cột của nền kinh tế rất cầm sớm được tháo gỡ.
Bà con xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ chăm sóc ngô vụ Xuân. Ảnh: HUY TOÁN |
Sau 3,5 ngày đối thoại cởi mở giữa các chuyên gia Trường Chính sách công và quản lý Fulbright (FSPPM) với lãnh đạo tỉnh trong Chương trình Đối thoại chính sách Tái cơ cấu kinh tế của tỉnh, giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn 2030, những phân tích của các chuyên gia FSPPM đã gợi mở những góc nhìn mới. Tìm lời giải cho “bài toán”: Làm thế nào để Tái cơ cấu kinh tế một cách hiệu quả, khả thi gắn với điều kiện thực tiễn của tỉnh là mục tiêu Chương trình đặt ra. Các chuyên đề phân tích, thảo luận chủ yếu xoay quanh 3 trụ cột chính được xác định là: Nông nghiệp, Du lịch, thương mại biên giới và được các chuyên gia FSPPM dành 6 tháng khảo sát, tổng hợp số liệu, nghiên cứu, so sánh về thực trạng phát triển KT – XH của tỉnh trong những năm qua với những lợi thế, thách thức đặt ra trong bối cảnh nền kinh tế chung của cả nước và khu vực miền núi phía Bắc. Từ đó đưa ra những khuyến nghị, gợi mở hướng Tái cơ cấu nền kinh tế Hà Giang.
Định vị năng lực cạnh tranh và định hướng chiến lược với các vấn đề trọng tâm trong Tái cơ cấu kinh tế và phát triển của tỉnh, Tiến sỹ Huỳnh Thế Du, chuyên gia FSPPM đã chỉ ra những “nút thắt” với 5 vấn đề cần giải quyết: Thông tin dữ liệu sơ sài; quy hoạch và các chỉ tiêu điều hành không tác dụng; thiếu cơ chế khuyến khích ngược đối với cán bộ, công chức; động cơ không muốn thoát nghèo của một bộ phận người dân và chưa có sự gắn kết giữa ba trụ cột của nền kinh tế.
Trong phân tích về ngành Du lịch, không chỉ các chuyên gia FSPPM, ngay cả các đại biểu của tỉnh cũng cho rằng còn rất nhiều dư địa cho phát triển. Tuy nhiên, giao thông và thực trạng du lịch theo mùa là rào cản lớn nhất thu hút du khách cũng như doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Từ đó, các khuyến nghị và một số ý tưởng được đưa ra để thúc đẩy phát triển du lịch như: Xây dựng chính sách về quản lý, khai thác tài nguyên du lịch; nâng cấp các gói du lịch thực sự đủ sức hấp dẫn và trải theo từng mùa; thiết lập bản đồ du lịch Hà Giang trên Google map, tạo sự kết nối và thuận tiện cho du khách tìm kiếm thông tin; ưu tiên phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng du lịch ở các điểm đến, trước mắt là hệ thống biển báo chỉ dẫn tiếp cận các điểm đến tham quan; xây dựng và áp bộ tiêu chí đánh cho từng lĩnh vực trong ngành du lịch; lựa chọn Đại sứ du lịch; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu của ngành du lịch…
Phân tích về phát triển kinh tế biên mậu và các khu công nghiệp, khu kinh tế, những nhận định Phó Giáo sư, Tiến sỹ, chuyên gia FSPPM Phan Chánh Dưỡng để lại ấn tượng mạnh cho các đại biểu, ông khẳng định: “Về lâu dài, muốn phát triển Khu kinh tế Cửa khẩu và Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy cần một tuyến đường đủ rộng để kết nối giao thương, thấp nhất phải từ 8 – 10 làn xe”. Phó Giáo sư Dưỡng ví von tuyến đường từ thành phố Hà Giang tới Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy không khác cổ con cò. Vì vậy, khi xác định kinh tế biên mậu là trụ cột và hướng phát triển lâu dài của nền kinh tế, cần có cái “cổ” đủ lớn mới nuôi cái “thân”. Ông cũng cho rằng, việc quy hoạch quỹ đất để thu hút các nhà đầu tư vào khu công nghiệp, khu kinh tế rất quan trọng; trong ngắn hạn và trung hạn Hà Giang nên tập trung tạo thuận lợi cho thương mại biên mậu, chuẩn bị điều kiện thương mại chính ngạch trong dài hạn gắn với các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Các phân tích cũng chỉ ra, dù có nhiều chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các ngành, khâu đột phá, chương trình trọng tâm như nông nghiệp, du lịch và kinh tế biên mậu. Nhưng, những chính sách này chưa thực sự đủ mạnh, số lượng doanh nghiệp tiếp cận và hưởng lợi từ chính sách chưa nhiều, sự đầu tư ít, trong khi nguồn ngân sách từ T.Ư hỗ trợ đã tiếp cận ngưỡng tối đa. Vì vậy, “Hà Giang muốn thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững cần phải dựa vào nội lực của chính mình”. Các chuyên gia cũng cho rằng, với thể chế và pháp luật hiện nay, để phát triển cần có cơ chế khuyến khích ngược đối với cán bộ, đó là thay vì căn cứ vào kết quả thực hiện nhiệm vụ để có chế độ khen thưởng, đánh giá cán bộ thì trước mỗi nhiệm vụ giao người lãnh đạo đưa ra mục tiêu, thời gian thực hiện và mức thưởng, phạt trước cho cán bộ thi đua thực hiện, cũng như đề xuất cách làm khả thi. Bên cạnh đó, cần mạnh dạn đi vào những “vùng xám” để giải quyết các nút thắt. “Vùng xám” ở đây được hiểu là những quyết định vượt ra khỏi các quy định, chế định của pháp luật hiện hành nhưng nó cũng không vi phạm pháp luật và phù hợp với điều kiện của tỉnh, tốt cho người dân, doanh nghiệp và sự phát triển chung...
Có rất nhiều gợi mở cho tỉnh trong thực hiện tái cơ cấu kinh tế mà các chuyên gia FSPPM đã đưa ra suốt quá trình đối thoại. Các nhóm nghiên cứu của tỉnh cũng xây dựng dự thảo chương trình hành động tương ứng với từng chuyên đề đã phân tích qua đối thoại.
Duy Tuấn
Ý kiến bạn đọc