Quang Bình phát huy hiệu quả chương trình cho vay đầu tư có thu hồi

07:58, 17/04/2018

BHG - Sau hơn 5 năm thực hiện chương trình cho vay đầu tư có thu hồi (ĐTCTH) để tái đầu tư sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Quang Bình, người dân nơi đây đã tích cực, chủ động hơn trong sản xuất, không ngừng cải thiện, nâng cao thu nhập, từng bước giảm nghèo và ổn định cuộc sống. Từ đó, thúc đẩy việc tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, hướng tới nền sản xuất hàng hóa bền vững, thúc đẩy phát triển KT - XH.

Tổ trưởng Tổ dịch vụ ĐTCTH thôn Thượng Bằng, xã Bằng Lang Lê Thành Nam cho biết: Từ khi huyện thực hiện chương trình ĐTCTH, gia đình tôi và nhiều hộ dân trong thôn đã bớt nỗi lo thiếu giống, phân bón các loại khi bước vào vụ sản xuất. Việc quản lý vốn được tổ chức theo nhóm hộ, sau khi đăng ký, tổ sẽ nhận chuyển giao giống, phân bón cho các hộ dân và quản lý, kiểm tra việc sử dụng để tránh thất thoát, lãng phí. Sau mỗi vụ thu hoạch, tổ có trách nhiệm thu hồi vốn vay đầy đủ. Tùy vào nhu cầu thực tế, trung bình mỗi vụ Tổ dịch vụ ĐTCTH thôn Thượng Bằng có từ 20 – 30 hộ đăng ký vay giống, phân bón. Vụ Xuân năm nay, tổ có 20 hộ đăng ký vay 107 kg giống và 1.900 kg phân bón cho cây lúa, ngô, cam. Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch UBND xã Bằng Lang, Hoàng Văn Tuyền cho biết: Từ đầu vụ Xuân đến nay, xã đã cho nhân dân đăng ký vay 9.600 kg giống và phân bón theo chương trình ĐTCTH. Chương trình ĐTCTH để tái đầu tư đã giúp người dân giảm khó khăn ban đầu, tạo điều kiện phát triển sản xuất, góp phần xóa đói, giảm nghèo, phát triển KT - XH địa phương. 

Vườn cam của ông Lê Thành Nam, thôn Thượng Bằng, xã Bằng Lang được chăm sóc tốt nhờ nguồn phân bón vay theo chương trình ĐTCTH.
Vườn cam của ông Lê Thành Nam, thôn Thượng Bằng, xã Bằng Lang được chăm sóc tốt nhờ nguồn phân bón vay theo chương trình ĐTCTH.

Được biết, từ năm 2016 đến nay, tổng nguồn vốn thực hiện chương trình ĐTCTH trên địa bàn huyện Quang Bình hơn 5,7 tỷ đồng, với 3.786 lượt hộ được vay. Tổng kinh phí đã thu hồi được hơn 4,7 tỷ đồng, số kinh phí còn lại chưa đến thời gian thu hồi. Vụ Xuân năm 2018, huyện đã triển khai cho các xã, thị trấn đăng ký vay giống, phân bón cây lúa, ngô, chè và cam. Đến thời điểm hiện nay, huyện đã cung ứng giống, phân bón được trên 197 nghìn kg, tương đương số tiền 1 tỷ đồng. Trong đó, giống cây 382 kg, phân bón các loại 196.800 kg. Nhằm đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao thu nhập cho nhân dân, huyện đã đẩy mạnh thực hiện sản xuất lúa hàng hóa, áp dụng gieo mạ khay, cấy máy với tổng diện tích 100 ha tại các xã Bằng Lang, Yên Thành, Tiên Yên, Vĩ Thượng; trồng ngô, Bí ngô và dưa trên đất 1 vụ lúa với được trên 86 ha tại các xã Tiên Nguyên, Tân Nam, Xuân Minh, Bản Rịa, Tân Trịnh.

Trưởng phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Quang Bình Nguyễn Văn Hoàng cho biết: Năm nay, chương trình ĐTCTH của huyện có thêm hỗ trợ giống, phân bón cho cây cam, chè. Cùng với việc thúc đẩy các xã, thị trấn triển khai cho nhân dân đăng ký vay giống, phân bón theo chương trình ĐTCTH, vụ Xuân 2018, Phòng cũng thường xuyên cử cán bộ xuống cơ sở, giám sát, kiểm tra việc thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi để bà con được cung ứng giống, phân bón, đảm bảo thời vụ sản xuất. Đồng thời hỗ trợ, hướng dẫn người dân phòng trừ sâu bệnh hại trong vụ sản xuất, đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật, thâm canh tăng vụ, phát triển sản xuất hàng hóa.

Việc thực hiện ĐTCTH để tái đầu tư sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Quang Bình đã, đang phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao tính chủ động của người dân, giảm bớt khó khăn về nguồn vốn đầu tư giống, phân bón khi bước vào vụ mới, nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện thu nhập cho bà con.

Bài, ảnh: YẾN VŨ

 


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Phường Quang Trung, linh hoạt và sáng tạo trong lãnh đạo phát triển kinh tế

BHG - Là một trong 5 phường nội đô của thành phố Hà Giang, địa bàn rộng, điều kiện phát triển KT - XH còn nhiều khó khăn. Nhưng những năm gần đây, Đảng ủy phường Quang Trung luôn tập trung lãnh, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các giải pháp; đến nay, KT - XH của phường đã có bước phát triển rõ rệt; bộ mặt đô thị ngày một khang trang, nề nếp; đời sống tinh thần, vật chất của nhân dân được nâng cao; công tác xây dựng Đảng, chính quyền và các đoàn thể được chú trọng.

17/04/2018
Làm giàu từ phát triển du lịch sinh thái

BHG - Ông Vũ Ngọc Hải, sinh năm 1957, Giám đốc Công ty TNHH MTV Hải Hà, sau nhiều năm bươn trải, gây dựng sự nghiệp, ông mới bắt tay vào phát triển du lịch sinh thái và đã thành công. Đến thành phố Hà Giang, du khách trong nước và quốc tế chắc hẳn không lạ với Khu du lịch sinh thái Trường Xuân. Ít ai biết, ông chủ của khu du du lịch sinh thái này đã có quãng thời gian rất vất vả để gây dựng cơ nghiệp. Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo Trung cấp Giao thông, ông Hải bén duyên với kinh doanh và mở cửa hàng tạp hóa....

16/04/2018
HTX Chế biến chè Phìn Hồ xây dựng và khẳng định thương hiệu mạnh trên thị trường

BHG - Mất mười năm để xây dựng thành công một thương hiệu mạnh, giờ đây các sản phẩm của Hợp tác xã (HTX) Chế biến chè Phìn Hồ (Thông Nguyên - Hoàng Su Phì) đã khẳng định vị thế vững chắc trên thị trường. Đồng bào Dao sinh sống tại thôn Phìn Hồ đã cùng nhau kinh doanh tập thể, góp vốn thành lập HTX và từng bước đưa danh tiếng sản phẩm Fìn Hò trà vươn xa.

 

13/04/2018
Xã Thuận Hòa nỗ lực giảm nghèo

BHG - Là xã đặc biệt khó khăn của huyện Vị Xuyên, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã Thuận Hòa đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp với nỗ lực giảm tỷ lệ hộ nghèo, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Xã Thuận Hòa có trên 97% đồng bào dân tộc thiểu số, hiện xã còn 54% hộ nghèo, 25% hộ cận nghèo. Đời sống của người dân nơi đây chủ yếu là lao động nông nghiệp, điều kiện canh tác không thuận lợi do đất sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, thiếu nước, thiếu sự đầu tư và áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật (KHKT)...

13/04/2018