Phát huy vai trò cán bộ khuyến nông ở Đồng Văn
BHG – Những năm gần đây, trên địa bàn huyện Đồng Văn xuất hiện nhiều mô hình kinh tế tổng hợp và một trong những lực lượng có đóng góp tích cực vào sự phát triển của các mô hình kinh tế là đội ngũ cán bộ khuyến nông (CBKN) cơ sở. Họ đã phát huy tốt vai trò trong việc hướng dẫn người dân tiếp cận với những tiến bộ khoa học kỹ thuật, từng bước áp dụng vào sản xuất, đạt hiệu quả, năng suất cao.
Vườn Lê của anh Lò Văn Trai, xã Ma Lé được cán bộ khuyến nông hướng dẫn áp dụng khoa học, kỹ thuật nên cho năng suất cao hơn. |
Đồng Văn hiện có 28 CBKN và CBKN bán chuyên trách; 223 KN viên được phân công tại 19 xã, thị trấn. Nhằm giúp CBKN phát huy hiệu quả trong chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho nông dân; hàng năm, Trung tâm Khuyến nông huyện đều cử lực lượng này tham gia các lớp đào tạo nâng cao trình độ. Năm 2017, Trung tâm Khuyến nông Đồng Văn mở được 2 lớp tập huấn tại các xã về ứng dụng công nghệ mới vào chăm sóc cây trồng, vật nuôi cho CBKN; mở 16 lớp cho 1.210 lượt CBKN thôn, bản, CBKN bán chuyên trách; đưa 20 cán bộ đi tập huấn kỹ năng chăm sóc đàn ong và nuôi bò vỗ béo; cử 40 CBKN bán chuyên trách đi học tập kinh nghiệm chăn nuôi bò tại Ba Vì (Hà Nội)… Qua đó, CBKN không ngừng nâng cao năng lực, nghiệp vụ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Đến nay, 100% CBKN đạt chuẩn trình độ, 90% CNKN thôn, bản, CBKN bán chuyên trách xã đều hiểu biết về quy trình, kỹ thuật trồng trọt theo mùa vụ và quy trình chăn nuôi, kỹ thuật thụ tinh nhân tạo cho đàn gia súc.
Đối với CBKN, xác định rõ vai trò, nhiệm vụ, luôn đã bám sát cơ sở, thường xuyên kiểm tra các các mô hình kinh tế, đảm bảo xử lý kịp thời sâu bệnh hại, dịch bệnh… Gia đình anh Lò Văn Trai, thôn Ma Lé, xã Ma Lé có hơn 10 năm kinh nghiệm trồng cây Lê với khoảng 300 gốc. Anh Trai cho biết: Trước đây, gia đình chỉ biết trồng rồi thu hoạch quả theo từng năm, không biết chăm sóc đúng cách, dần dần quả ít và nhỏ hơn. CBKN xã đã xuống tận vườn dạy cách ghép lại những cây già cỗi, cải tạo đất, nên mấy năm gần đây, Lê lại cho nhiều quả to và đẹp hơn. Mỗi năm, vườn Lê cho thu hoạch khoảng 5 – 6 tạ, thu nhập 70 – 80 triệu đồng. Gần đây, gia đình được CBKN hướng dẫn trồng xen nghệ Đen để tăng thêm thu nhập. Chị Vũ Thị Hồng Nhung, CBKN xã Ma Lé chia sẻ: Bà con nông dân còn thiếu kinh nghiệm chăm sóc cây trồng, vật nuôi, nên hiệu quả, năng suất không cao. Vì thế, chúng tôi phải trực tiếp cầm tay chỉ việc cho bà con. Hiện nay, xã có 5 mô hình khuyến nông chủ yếu ở lĩnh vực trồng cây ăn quả và chăn nuôi, thời gian tới, chúng tôi sẽ mở rộng để bà con thấy được hiệu quả và làm theo.
Ông Giàng Mí Say, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Đồng Văn cho biết: Với mỗi mô hình kinh tế, CBKN có vai trò rất quan trọng trong việc hướng dẫn bà con cách làm hiệu quả nhất. CBKN đã cầm tay chỉ việc, đặc biệt giúp các gia trại nuôi bò vỗ béo, bò hàng hóa… nên người dân từng bước thoát nghèo. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tạo điều kiện để các CBKN được đi học tập kinh nghiệm, nâng cao trình độ, đáp ứng kịp thời yêu cầu của người dân. Đặc biệt, chúng tôi cũng đang xây dựng “Mỗi CBKN một mô hình kinh tế” để người dân học tập”. Với vai trò “bà đỡ”, những CBKN huyện Đồng Văn đã từng bước giúp người nông dân thay đổi cách nghĩ, tư duy sản xuất, giúp họ làm kinh tế theo hướng hàng hóa và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.
Bài, ảnh: My Ly
Ý kiến bạn đọc