Lời giải "bài toán" phát triển kinh tế bền vững ở thị trấn Vĩnh Tuy
BHG - Năm nay, thị trấn Vĩnh Tuy (Bắc Quang) xác định: Phát triển kinh tế đô thị và sản xuất nông nghiệp chất lượng cao là hướng đi chủ đạo của nền kinh tế.
Một góc Cụm công nghiệp Nam Quang. |
Theo các đồng chí lãnh đạo thị trấn: Thuận lợi đầu tiên để phát triển kinh tế đô thị đó là Vĩnh Tuy nằm ngay “cửa ngõ” vào tỉnh. Vì vậy, thị trấn lấy điểm đón khách làm nơi giới thiệu, quảng bá hình ảnh địa phương thông qua các gian hàng trưng bày sản phẩm chè Shan tuyết VietGap, cam Sành hữu cơ, Rượu nếp mem lá, cá Chiên sông Lô... Những hàng hoá đặc sắc sẽ trở thành các “sứ giả” mời đón khách đến với thị trấn.
Nuôi cá Chiên lồng trên sông Lô đã mang lại nguồn thu lớn cho các thành viên HTX Cá lồng Vĩnh Tuy. |
Đi sâu vào thị trấn, Cụm công nghiệp Nam Quang với những nhà máy chế biến sản phẩm nông, lâm sản thu hút hàng trăm lao động. Các sản phẩm tre, gỗ, vầu, nứa, sắn, khoai trồng tại địa phương và khu vực lân cận đều được thu mua, chế biến, xuất khẩu từ đây. Cụm công nghiệp Nam Quang đang có 5 doanh nghiệp hoạt động, nhịp sống công nghiệp đã, đang tạo ra sức hấp dẫn, mời gọi các nhà đầu tư.
Theo báo cáo của Phòng Công thương Bắc Quang, đã có 7 doanh nghiệp đầu tư vào Nam Quang, tổng vốn đăng ký trên 1 nghìn tỷ đồng với các ngành nghề thu mua, chế biến nông, lâm sản xuất khẩu. Để thu hút đầu tư vào Nam Quang, UBND tỉnh Hà Giang, huyện Bắc Quang và thị trấn Vĩnh Tuy đã mở rộng mặt bằng Cụm công nghiệp từ 19,5 lên hơn 33 ha. Nhà đầu tư đến Nam Quang được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế, mặt bằng, các công trình phụ trợ… Lợi thế này hiện đã, đang được thị trấn Vĩnh Tuy tận dụng, “trải thảm” mời gọi và tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp, HTX đầu tư. Bên cạnh đó, trên địa bàn thị trấn có Chợ đầu mối hoa quả; có 118 hộ kinh doanh; nhiều cửa hàng, nhà hàng dịch vụ trải dọc Quốc lộ 2… luôn được coi là điểm nhấn để Vĩnh Tuy bứt phá về dịch vụ, thương mại.
Hiện nay, Vĩnh Tuy đang có trên 673 ha chè, sản lượng chè búp tươi hàng năm đạt trên 3.526 tấn. Chăm sóc chè theo tiêu chuẩn VietGap, an toàn và chế biến chè xanh chất lượng cao được người dân coi trọng. Phát huy thế mạnh này, các doanh nghiệp như đang liên kết chặt chẽ với người dân, tiến hành sản xuất theo chu trình khép kín và đã tạo ra nhiều thương hiệu chè nổi tiếng có giá bán từ vài trăm đến cả triệu đồng/kg. Bên cạnh cây chè, người dân Vĩnh Tuy đang sở hữu vùng cây ăn quả, chủ lực là cam, quýt với diện tích 129 ha, mỗi năm mang lại nguồn thu hàng tỷ đồng.
Khai thác tiềm năng mặt nước, thị trấn Vĩnh Tuy đã vận động bà con nuôi cá Chiên trên sông Lô. Hiện giá bán mỗi cân cá Chiên dao động từ 350 - 400 ngàn đồng/kg, mỗi con cá sau 2 năm nuôi trong lồng đạt trọng lượng 2,5 - 4,5 kg. Hiện tại, thị trấn có 52 lồng cá Chiên nuôi trên sông Lô, sông Bạc. Năm 2017, Vĩnh Tuy đã thành lập HTX nuôi cá Chiên lồng trên sông. Với mục tiêu đưa chăn nuôi trở thành thế mạnh trong tái cơ cấu sản xuất, Vĩnh Tuy đang có hàng chục trang trại, gia trại chăn nuôi tập trung.
Tập trung khai thác thế mạnh đã và đang trở thành lời giải cho “bài toán” phát triển kinh tế ở thị trấn Vĩnh Tuy.
Bài, ảnh: Nguyễn Hùng
Ý kiến bạn đọc