Khả năng nhân rộng diện tích cây dâu Tây ở Quản Bạ
BHG - Thời gian qua, Trung tâm thông tin và chuyển giao công nghệ mới đã trồng thử nghiệm cây dâu Tây tại Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ. Mô hình bước đầu tìm được giống cây trồng mới, có khả năng nhân rộng để góp phần phát triển kinh tế ở địa phương.
Chị Vũ Thị Anh Đào, Chủ nhiệm mô hình chăm sóc vườn dâu Tây tại Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao xã Quyết Tiến (Quản Bạ).. |
Vườn dâu Tây có diện tích 250 m2, được ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt; sau 5 tháng trồng, hiện đang cho thu hoạch, quả dâu chín có vỏ đỏ mọng, vị thơm, ngọt hơn so với các loại dâu đang bán trên thị trường. Chủ nhiệm mô hình, chị Vũ Thị Anh Đào, cho biết: Thực hiện mô hình, chúng tôi phải tiến hành xử lý đất như: Cày ải, lên luống, ủ phân chuồng và xử lý bằng chế phẩm sinh học. Cùng đó, đặt mua 3 giống dâu Tây gồm: Mỹ Đá, Mỹ Hương và giống Nhật. Sau một thời gian trồng nhận thấy, các giống dâu Tây đều thích nghi với điều kiện thời tiết, khí hậu tại Quyết Tiến. Hầu hết, các giống trên đều cho quả thơm và rất ngọt; giống dâu Nhật cho quả ngọt nhất, xong kích cỡ quả lại nhỏ hơn.
Qua thực tế trồng cho thấy, dâu Tây là cây thân thảo, dễ trồng; nhưng đòi hỏi nhiệt độ thích hợp cho sinh trưởng từ 18 – 22 độ C. Ánh sáng với cường độ mạnh thì cây mới sinh trưởng tốt, thiếu ánh sáng sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng ra hoa, kết trái. Độ ẩm cần thiết cho sự phát triển của cây dâu Tây là trên 84%, cây thích hợp với loại đất thịt nhẹ, hàm lượng chất hữu cơ cao; đất giữ ẩm, nhưng thoát nước tốt. Đất có hàm lượng chất hữu cơ cao, giúp cho cây dâu Tây phát triển, cho năng suất cao và kéo dài thời gian thu hoạch quả. Tuy nhiên, việc trồng dâu Tây cũng gặp những khó khăn ban đầu như: Khí hậu tại Quyết Tiến có sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm khá lớn; độ ẩm cao, mưa kéo dài, hay có sương muối nên thường dễ gây bệnh cho cây như: Nấm, thối rễ và nhện Đỏ… nên ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng của dâu Tây.
Qua thực hiện mô hình đã đánh giá được tính thích nghi, khả năng sinh trưởng, phát triển, năng suất và chất lượng cây dâu Tây. Theo giá bán trên thị trường hiện nay, 1 kg dâu Tây có giá từ 100 đến 150 nghìn đồng, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng. Từ đó, giúp chính quyền cơ sở và nông dân có thêm giống cây trồng mới trong sản xuất; việc áp dụng KHKT vào sản xuất đã giúp người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng cũng như tăng hiệu quả kinh tế.
Bài, ảnh: Lê Hải
Ý kiến bạn đọc