Huy động vốn là nhiệm vụ trọng tâm
BHG - Những năm qua, mặc dù hoạt động của Agribank Chi nhánh Hà Giang (Agribank Hà Giang) gặp không ít khó khăn, nhưng với sự cố gắng, nỗ lực của Ban Giám đốc và tập thể cán bộ, công chức, viên chức; kết quả kinh doanh của toàn chi nhánh đã hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra.
Giám đốc Agribank Chi nhánh Hà Giang Nguyễn Ngọc Hải phát biểu tại Hội nghị người lao động năm 2018. |
Ghi nhận hoạt động kinh doanh của Agribank Hà Giang trong năm qua đó là: Công tác huy động vốn, triển khai đầy đủ các sản phẩm, kênh huy động theo quy định của Tổng Giám đốc Agribank bao gồm cả sản phẩm truyền thống và sản phẩm mới, đáp ứng đa dạng nhu cầu của khách hàng. Chủ động áp dụng lãi suất huy động tối đa Agribank cho phép đối với từng kỳ hạn, sản phẩm, đối tượng khách hàng trên cơ sở tuân thủ các quy định của Ngân hàng Nhà nước, đảm bảo khả năng cạnh tranh. Tổ chức thực hiện tốt các sản phẩm dịch vụ, mở rộng thị trường, thị phần. Đẩy mạnh tuyên truyền, tiếp thị đến khách hàng các sản phẩm tiết kiệm tiện ích; vì thế, nguồn vốn huy động đạt gần 99%.
Trong công tác tín dụng, Agribank Hà Giang đã triển khai kịp thời các văn bản chỉ đạo, điều hành đến các Agribank cơ sở để tổ chức thực hiện. Đồng thời, tổ chức ký kết thỏa thuận liên ngành giữa Agribank Hà Giang với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Tỉnh đoàn. Từ cách làm đó, Agribank Hà Giang đã triển khai, nhân rộng mô hình cho vay hộ gia đình, cá nhân thông qua Tổ liên kết. Đến hết tháng 12.2017, dư nợ cho vay qua Tổ tiết kiệm vay vốn (TKVV) đạt trên 33 tỷ đồng, với 40 Tổ TKVV. Trong đó, Hội Nông dân quản lý 17 tổ, với 396 thành viên, dư nợ trên 16 tỷ đồng; các tổ chức đoàn thể quản lý 23 tổ, với 717 thành viên, dư nợ gần 17 tỷ đồng. Thông qua các Tổ TKVV đã giảm được tình trạng quá tải cho vay hộ sản xuất, giảm bớt thủ tục, hồ sơ vay vốn đối với khách hàng.
Bên cạnh đó, Agribank Hà Giang đã tổ chức thực hiện có hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản vay, thu nợ gốc trước và lãi sau, giảm lãi tiền vay theo định kỳ đối với các hợp đồng tín dụng còn dư nợ… Công tác kiểm tra, giám sát các khoản vay được toàn chi nhánh thực hiện tốt, tỷ lệ nợ xấu giảm so với năm trước, tỷ lệ thu lãi cao; 100% các chi nhánh có tỷ lệ thu lãi trên 91%, nhiều chi nhánh có tỷ lệ thu lãi trên 97%. Công tác thu hồi nợ xấu và nợ đã xử lý rủi ro được các chi nhánh tổ chức thực hiện tốt; trong năm qua, thu nợ đã xử lý rủi ro của toàn chi nhánh đạt 155% kế hoạch, có 9/13 chi nhánh hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch.
Trong hoạt động dịch vụ, toàn chi nhánh đã nhận thức được tầm quan trọng của phát triển các sản phẩm; phát huy thế mạnh về mạng lưới, hệ thống, công nghệ và nguồn nhân lực để củng cố cơ sở khách hàng hiện có, tăng cường tiếp cận, phát triển khách hàng mới thuộc thành phần kinh tế. Khuyến khích, mở tài khoản tiền gửi cho tất cả khách hàng có quan hệ giao dịch vay vốn, gửi tiền và sử dụng dịch vụ của Agribank. Ngoài ra, Agribank các huyện còn nỗ lực tuyên truyền, quảng bá, đề ra các giải pháp và tổ chức thực hiện tốt các sản phẩm dịch vụ. Vì vậy, kết quả kinh doanh thu từ dịch vụ năm 2017 toàn tỉnh đạt 22 tỷ đồng… Để thực hiện tốt hoạt động của Agribank Hà Giang, tập thể cán bộ, công chức, viên chức toàn chi nhánh đã đổi mới tác phong giao dịch, tiếp xúc với khách hàng, nhằm nâng cao hình ảnh và uy tín, việc tận tâm phục vụ đã mang lại sự thịnh vượng cho khách hàng, giúp Agribank phát triển bền vững.
Để tiếp tục thực hiện tốt hoạt động kinh doanh, năm 2018, Agribank Hà Giang đề ra các giải pháp cụ thể: Tiếp tục tăng cường công tác huy động vốn, đa dạng hóa sản phẩm gắn liền với hoạt động cấp tín dụng; đẩy mạnh công tác bán chéo sản phẩm tiền gửi; xây dựng và triển khai các chương trình khuyến mại huy động vốn phù hợp; tổ chức thực hiện tốt các sản phẩm dịch vụ, mở rộng thị trường, thị phần; duy trì và mở rộng tín dụng có hiệu quả gắn với bảo đảm cơ cấu tín dụng phù hợp, đi đôi với kiểm soát chất lượng, an toàn và vốn vay. Tiếp tục ưu tiên vốn vay cho lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, mở rộng cho vay các đối tượng, lĩnh vực, phương án, dự án sản xuất, kinh doanh có hiệu quả; giám sát chặt chẽ dự án cho vay có thời gian thu hồi vốn dài, mở rộng đối tượng đầu tư, cho vay chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng khoa học kỹ thuật cao… Phấn đấu tổng nguồn vốn huy động tăng trưởng tối thiểu từ 12% trở lên, đạt tối thiểu 4.320 tỷ đồng; tổng dư nợ nội tệ tăng trưởng 20%, đạt 5 nghìn tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới 1%; thu nợ sau xử lý 15 tỷ đồng; thu dịch vụ tăng 15% trở lên so với năm trước, đạt tối thiểu 25 tỷ đồng…
Bài, ảnh: Hiến Chương
Ý kiến bạn đọc