Hiệu quả mô hình trồng rau nhà lưới ở thị trấn Đồng Văn
BHG - Nắm bắt nhu sử dụng rau an toàn ngày một tăng cao, huyện Đồng Văn đã thực hiện thí điểm mô hình trồng rau trong nhà lưới bằng hệ thống thủy canh tại thị trấn Đồng Văn. Qua thời gian thử nghiệm, mô hình đã cho những kết quả tích cực, giúp thúc đẩy sản xuất rau sạch, rau an toàn trên diện rộng.
Giàn rau thủy canh trồng trong nhà lưới mang lại hiệu quả cao. |
Mô hình trồng rau trong nhà lưới bằng hệ thống thủy canh được UBND huyện Đồng Văn thực hiện thí điểm trong vòng 4 tháng (từ tháng 8 - 12.2017), với quy mô 0,03 ha tại diện tích đất của gia đình anh Lý Văn Tân, tổ 5, thị trấn Đồng Văn. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, huyện hỗ trợ 100% giống, phân bón; gia đình đối ứng 100% phân chuồng, công lao động, thực hiện theo quy trình kỹ thuật và được hưởng 100% sản phẩm thu được. Bên cạnh đó, gia đình có trách nhiệm đầu tư hệ thống máy phun tự động để giảm công chăm sóc, thực hiện theo quy trình rau sạch, rau an toàn; tìm hiểu và áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Các loại rau được trồng chủ yếu trên giàn thủy canh gồm: Rau muống, Xà lách, rau gia vị…
Anh Lý Văn Tân, chủ mô hình cho biết: Tháng 12.2017, gia đình anh trồng lứa rau đầu tiên trên hệ thống giàn thủy canh. Đợt thu hoạch đầu tiên, gia đình bán được 35 triệu đồng, lứa rau tiếp theo cũng chuẩn bị cho thu hoạch. Rau trồng bằng hệ thống thủy canh không tốn nhiều công, các chi phí phân bón, nước tưới... đều thấp hơn so với canh tác thông thường. Nếu thực hiện theo đúng quy trình, mỗi năm, hệ thống thủy canh có thể cho thu hoạch 6 lứa rau. Mặc dù giá thành khá cao, khoảng 50 nghìn đồng/kg nhưng người dân vẫn ưa chuộng và đánh giá cao chất lượng rau trồng trong nhà lưới bằng hệ thống thủy canh. Anh Tân cho biết, sẽ tìm hiểu thêm các giống rau, củ, quả và tiến hành trồng trái vụ như Dưa chuột, Xà lách… như vậy đầu ra không bị cạnh tranh và cho lợi nhuận cao hơn.
Anh Đào Trung Tâm, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Đồng Văn cho biết: Năm đầu tiên thực hiện mô hình trồng rau trong nhà lưới bằng hệ thống thủy canh tại địa phương đã đem lại hiệu quả. Trên cùng một đơn vị diện tích canh tác đã cho thu nhập cao hơn so với người dân tự trồng các loại rau đậu khác trên nền đất. Mô hình không chỉ đem lại lợi ích trên phương diện kinh tế mà còn có ý nghĩa về mặt xã hội như: Đảm bảo sức khỏe do môi trường làm việc tốt, tạo ra sản phẩm rau an toàn cho người sử dụng; đồng thời có vai trò tích cực trong bảo vệ môi trường. Thời gian tới, UBND thị trấn tiếp tục tham mưu, mở rộng diện tích cũng như trồng đa dạng các giống rau để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Được biết, UBND thị trấn đang có những kế hoạch cụ thể trong việc duy trì và mở rộng mô hình như: Liên hệ với các nhà cung ứng thiết bị, hạt giống, cây trồng; liên kết với các nhà hàng để tạo đầu mối tiêu thụ sản phẩm ổn định. Những hộ có nhu cầu tham gia sản xuất rau trong nhà lưới đều được tập huấn về phương pháp, kỹ năng thủy canh; kỹ thuật pha chế dung dịch thủy canh; kỹ thuật gieo hạt, chăm sóc cây non để đảm bảo chất lượng cho sản phẩm... Mô hình trồng rau trong nhà lưới bằng phương pháp thủy canh là cơ sở sản xuất theo các tiêu chuẩn cao hơn, tạo ra sản phẩm rau an toàn theo hướng VietGAP; tiến tới nền sản xuất rau sạch và bền vững tại thị trấn Đồng Văn; từng bước hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
Bài, ảnh: My Ly
Ý kiến bạn đọc