Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp ở Quang Bình
BHG - Những năm qua, sản xuất nông nghiệp của huyện Quang Bình đạt được những kết quả khá toàn diện, một số sản phẩm cây trồng, vật nuôi đã và đang trở thành hàng hóa chủ lực… Kết quả đó bắt nguồn từ việc thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trên địa bàn huyện.
Thực hiện chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp, người dân xã Yên Hà mạnh dạn đầu tư chăn nuôi gia súc theo quy mô gia trại. |
Mục tiêu chính trong tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của huyện tập trung phát triển cây cam, chè theo hướng VietGap; chăn nuôi trâu, bò, lợn theo hướng gia trại, trang trại. Thực hiện mục tiêu trên, huyện Quang Bình đã cụ thể hóa từng chương trình trên từng lĩnh vực. Nhờ đó, trong lĩnh vực trồng trọt, huyện đã thực hiện đảm bảo đạt 1 nghìn ha cam theo tiêu chuẩn VietGap, thành lập được 12 Tổ sản xuất cam VietGap; thực hiện đạt 550 ha chè theo tiêu chuẩn GAP, thành lập 5 Tổ sản xuất chè VietGap; phát triển vùng sản xuất rau, hoa ứng dụng công nghệ mới được 1.500 m2 tại 3 xã Vĩ Thượng, Tiên Yên, Tân Trịnh.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, huyện đã chỉ đạo phát triển theo quy mô trang trại, gia trại tập trung gắn với Chương trình Khởi nghiệp bằng giải pháp thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp và giải ngân nguồn vốn theo Nghị quyết số 209 của HĐND tỉnh. Qua đó, đã góp phần tăng đàn lên trên 1 nghìn con trâu, bò với 1 gia trại chăn nuôi quy mô 28 con tại xã Bằng Lang, 1 doanh nghiệp thành lập trang trại nuôi bò quy mô 100 con. Xây dựng kế hoạch hỗ trợ 1 cơ sở sản xuất giống tại xã Xuân Giang với 30 con lợn nái bằng nguồn vốn thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Triển khai 15 mô hình phát triển chăn nuôi gắn trách nhiệm Chủ tịch UBND xã, 13 mô hình khởi nghiệp.
Đặc biệt, năm 2017, huyện đã thực hiện được một số mô hình sản xuất điển hình như: Sản xuất mạ khay máy cấy được 49.578 khay, tương đương 221 ha, tổ chức cấy máy được 45 ha tại các xã vùng trọng điểm sản xuất lúa hàng hóa. Thực hiện mô hình liên kết với doanh nghiệp sản xuất hạt giống lúa lai F1 - Việt Lai 20 tại xã Yên Hà, với diện tích gần 8 ha; liên kết trồng mía với Công ty Mía đường Sơn Dương (Tuyên Quang) tại 3 xã Bằng Lang, Yên Thành, Tân Bắc, quy mô trên 71 ha…
Điều đáng ghi nhận trong việc thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp ở Quang Bình đó là chủ trương dồn điền, đổi thửa để đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Hết năm 2017, huyện có 3 xã thực hiện dồn điền, đổi thửa được gần 31 ha; toàn huyện có 11.213 thiết bị máy sản xuất nông nghiệp, trong đó, khâu làm đất có 912 máy; khâu gieo trồng, chăm sóc 2.472 máy; khâu thu hoạch 4.356 máy. Việc triển khai thực hiện từ khâu làm đất đến thu hoạch bằng máy móc đã làm thay đổi nhận thức của người dân về áp dụng cơ giới vào sản xuất.
Năm nay, huyện tiếp tục chỉ đạo các xã, nhất là vùng trọng điểm sản xuất lúa hàng hóa tập trung đầu tư, phát triển các cây con được xác định trong Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo chuỗi giá trị; khơi thông nguồn vốn tín dụng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn… nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.
Bài, ảnh: Hiến Chương
Ý kiến bạn đọc