Kỳ vọng từ Đề án Phát triển nửa triệu con đại gia súc hàng hóa
BHG - Căn cứ Quyết định số 2265/QĐ-UBND ngày 31.10.2017 của UBND tỉnh về việc ban hành “Đề án phát triển nửa triệu con đại gia súc hàng hóa tỉnh Hà Giang giai đoạn 2018 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025”, huyện Bắc Quang đã xây dựng kế hoạch thực hiện tổng thể Đề án với mục tiêu cốt lõi là thúc đẩy phát triển chăn nuôi trâu, bò hàng hóa gắn với chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm, tổ chức lại sản xuất theo hướng mở rộng quy mô chăn nuôi gia trại, trang trại mang lại hiệu quả kinh tế rõ nét.
Chăn nuôi đại gia súc hàng hóa đang tạo thu nhập ổn định cho người dân huyện Bắc Quang. |
Năm 2018, huyện Bắc Quang phấn đấu tăng trưởng đàn trâu, bò đạt 23.577 con; đưa tỷ trọng ngành chăn nuôi chiếm 31,5% trong cơ cấu ngành Nông nghiệp và tăng 2,7% so với năm 2017. Trên cơ sở những nội dung của Đề án Phát triển nửa triệu con đại gia súc hàng hóa, huyện tiếp tục thực hiện chương trình thụ tinh nhân tạo cho 650 con trâu, bò bằng biện pháp sinh học cùng với việc chọn lọc giống từ ngoài tỉnh vào địa bàn. Đảm bảo thức ăn cho đàn đại gia súc, mở rộng diện tích trồng cỏ lũy kế đạt trên 1.615 ha. Trong năm sẽ xây dựng 2 gia trại có quy mô từ 10 - 30 con trâu, bò trở lên và có 1 Hợp tác xã chăn nuôi theo chuỗi trồng cỏ, chăn nuôi, chế biến, tiêu thụ.
Đặc biệt, đến năm 2025, huyện Bắc Quang phấn đấu sẽ phát triển tổng đàn đại gia súc đạt 29.728 con; tốc độ tăng đàn duy trì từ 3 - 5%; có 21 gia trại đại gia súc; có chợ đầu mối buôn bán đại gia súc tại xã Kim Ngọc và cơ sở giết mổ tại thôn Cầu Thủy, thị trấn Việt Quang. Đây là một trong những chiến lược mang tính đột phá lâu dài, khẳng định những đóng góp của lĩnh vực chăn nuôi đối với phát triển kinh tế - xã hội. Chủ trương đẩy mạnh phát triển đàn trâu, bò hàng hóa không những làm thay đổi tư duy đầu tư chăn nuôi, mà còn mang lại kỳ vọng làm giàu để tiếp tục nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Căn cứ vào điều kiện khí hậu, sinh thái, huyện sẽ quy hoạch các xã phía Đông sông Lô như: Vô Điếm, Liên Hiệp, Hữu Sản,… phát triển chăn nuôi trâu hàng hóa tập trung theo hướng gia trại, trang trại. Các xã Hùng An, Quang Minh, Việt Vinh, Tân Lập, Tân Thành, Đồng Tâm thành vùng chăn nuôi bò tập trung gắn với quy hoạch các cơ sở chế biến và các vùng nguyên liệu. Song song với đó, huyện đề ra nhiều giải pháp mang tính đồng bộ về công tác thú y, phòng, chống dịch bệnh cho đại gia súc, hướng dẫn người dân làm chuồng trại hợp lý, đảm bảo vệ sinh môi trường. Đồng thời, xây dựng mô hình sử dụng thức ăn đậm đặc phối trộn với nguyên liệu sẵn có nhằm giảm giá thành chăn nuôi, chuyển đổi mạnh một phần diện tích cây trồng hàng năm kém hiệu quả sang trồng cỏ. Tập huấn cho bà con cách bảo quản, dự trữ nguồn thức ăn chăn nuôi trâu, bò.
Nhằm thu hút nguồn lực đầu tư vào chăn nuôi, địa phương có chính sách ưu tiên hỗ trợ quỹ đất dài hạn cho các tổ chức, cá nhân mở các gia trại, trang trại đại gia súc để chủ đầu tư yên tâm sản xuất, kinh doanh. Tạo mọi cơ hội thuận lợi khuyến khích các hình thức hợp tác, liên kết chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Thành lập các Tổ hợp tác, Hợp tác xã, Nhóm sở thích nuôi trâu, bò. Tổ chức xúc tiến thương mại, phối hợp với các ngành xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm, tạo uy tín trên thị trường, niềm tin cho người tiêu dùng để phát triển bền vững.
Để đầu tư chăn nuôi đại gia súc có trọng tâm, trọng điểm, huyện Bắc Quang tiếp tục sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn của tỉnh, Trung ương hỗ trợ, nhất là Nghị quyết số 209 và Nghị quyết số 86 của HĐND tỉnh; cho vay đầu từ có thu hồi, khơi thông nguồn tín dụng để hỗ trợ người dân, tổ chức, cá nhân mua con giống, trồng cỏ, xây dựng chuồng trại. Phòng Nông ngiệp và PTNT, các ngành chuyên môn, các xã, thị trấn thực hiện tốt nhiệm vụ phân công, báo cáo tiến độ, những khó khăn vướng mắc để UBND huyện kịp thời tháo gỡ, đưa “Đề án phát triển nửa triệu con đại gia súc hàng hóa tỉnh Hà Giang” trở thành động lực quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của huyện những năm tới.
Bài, ảnh: MỘC LAN
Ý kiến bạn đọc