Để thương hiệu cam Sành đứng vững trên thị trường
BHG - “Cam Sành đang là sản phẩm hàng hóa số 1 của tỉnh. Nhưng sự phát triển chưa bền vững”. Nhận định trên của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến vừa là trăn trở, cũng đặt ra yêu cầu rất cao, làm sao để dòng sản phẩm chủ lực trong lĩnh vực nông nghiệp có thế đứng vững chắc trên thị trường?
Sản phẩm cam Sành được người tiêu dùng đánh giá cao tại Tuần lễ cam Sành Hà Giang tổ chức ở Hà Nội, tháng 12.2017. |
Thực trạng:
Theo số liệu thống kê của ngành Nông nghiệp, tính đến hết năm 2017, tổng diện tích cam toàn tỉnh 8.387 ha, trong đó diện tích cam Sành 6.631 ha chiếm 79%, cam Vinh và một số giống khác 1.756 ha, chiếm 21%. Diện tích đang cho thu hoạch trên 4.668 ha; có 7.700 hộ của 3 huyện Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên tham gia trồng cam, trong đó gần 2.500 hộ sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; đã cấp Giấy chứng nhận VietGAP cho 59 hợp tác xã (HTX), Tổ sản xuất cam Sành với trên 2.750 ha. Sản lượng cam niên vụ 2017 – 2018 đạt khoảng 50 nghìn tấn, tổng doanh thu ước đạt trên 400 tỷ đồng.
Số liệu tính toán của ngành chức năng cho thấy, nếu trồng theo đúng tiêu chuẩn, kỹ thuật, giá bán cam phải đạt từ 5 nghìn đồng/kg trở lên người trồng cam mới thu được vốn đầu tư và có lãi. Nhưng không ít lần, cam của tỉnh ta phải hứng chịu cảnh “được mùa – rớt giá”, thậm chí đầu những năm 2000, giá bán cam đã rớt xuống mức kỷ lục 1 đến 2 nghìn đồng, thậm chí vài trăm đồng/1kg nếu bán tại vườn. Vì vậy, hàng nghìn ha cam đã bị người dân chặt bỏ để trồng các loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn tại thời điểm đó. Nhưng nhờ sự nỗ lực của tỉnh và ngành Nông nghiệp với những chính sách khuyến khích phát triển phù hợp, diện tích cam của tỉnh bắt đầu tăng nhanh trong khoảng 5 năm trở lại đây, giá thành sản phẩm cũng tăng đáng kể, đem lại thu nhập khá cho người dân. 2 niên vụ cam gần đây, giá bán cam tại vườn trung bình 10 - 12 nghìn đồng. Tuy nhiên, do sản lượng cam ngày một tăng, trong khi người dân chủ yếu bán nhỏ lẻ, nên thực tế có thời điểm giá cam chỉ khoảng 6 đồng/kg, thậm chí một số nơi giao thông khó khăn, đường vào các vườn cam khó đi, người trồng cam chỉ bán được 3 - 5 nghìn đồng/kg tại vườn. Nhưng tính bình quân trong vụ cam 2017 – 2018, sau khi trừ các loại chi phí người dân vẫn thu được trên 40 triệu đồng/ha. Thậm chí, những hộ trồng với diện tích lớn, doanh thu vẫn đạt vài tỷ đồng.
Nhưng theo kế hoạch đề ra, từ năm 2020 trở đi, khi toàn bộ 8.387 ha cam cho thu hoạch, sản lượng ước đạt trên 100 nghìn tấn, nếu không có thị trường thu mua ổn định, liệu cây cam có… đứng vững?
Tại Hội nghị bàn giải pháp phát triển bền vững cam Sành diễn ra đầu tháng 3 vừa qua, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến khẳng định: “Cam Sành đang là sản phẩm hàng hóa số 1 của tỉnh. Nhưng sự phát triển chưa bền vững…”. Nguyên nhân do nhận thức của người dân còn hạn chế, chưa có kiến thức chăm sóc, thu hái và vẫn làm ăn theo cách chụp giật; công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm chưa bài bản và hiệu quả chưa cao; thị trường tiêu thụ chưa ổn định, chưa có sự liên kết giữa người dân và doanh nghiệp từ khâu sản xuất và tiêu thụ…
Cần các giải pháp đồng bộ:
Từ những nguyên nhân trên, giải pháp căn cơ và cũng khó khăn nhất hiện nay để giữ vững thương hiệu cam Sành được cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành chỉ ra: Cần nâng tầm nhận thức của người trồng cam trong sản xuất hàng hóa và liên kết sản xuất. Đồng thời, nâng cao chất lượng sản phẩm cam, xây dựng cơ chế thu hút doanh nghiệp đầu tư liên doanh, liên kết sản xuất trồng, tiêu thụ và chế biến, cũng như đẩy mạnh hơn nữa xúc tiến, quảng bá các sản phẩm.
Để nâng cao chất lượng cam, những năm qua tỉnh ta đã ban hành một số chính sách hỗ trợ sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGAP và thực hiện nhiều dự án nâng cao chất lượng cam Sành Hà Giang, tổ chức lại sản xuất cho người trồng cam... 2 năm trở lại đây, tỉnh ta đã hỗ trợ tem điện tử truy xuất nguồn gốc, thiết kế bao bì đóng gói sản phẩm cam Sành VietGAP; trưng bày, giới thiệu sản phẩm cam Sành tại nhiều hội chợ trong nước và quốc tế. Niên vụ 2017 – 2018, tỉnh đã hỗ trợ 35 doanh nghiệp, HTX kinh doanh cam trên 1,4 triệu tem; tổ chức Tuần lễ cam Sành Hà Giang tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh... Từ sự nỗ lực của tỉnh và ngành Nông nghiệp, cam Sành Hà Giang đã được cấp chứng nhận Chỉ dẫn địa lý. Cam trồng theo đúng quy trình VietGAP cho năng cao hơn từ 20 - 40 tạ/ha, giá bán cao hơn sản xuất thông thường từ 20 – 30%...
Tuy nhiên, những năm vừa qua không ít hộ trồng cam vì lợi ích trước mắt đã bán cam khi chưa tích đủ lượng đường, hoặc không nắm vững kỹ thuật khi thu hái khiến quả cam bị dập, ngấm nước, nhanh hỏng… Điều này ảnh hưởng xấu đến chất lượng và thương hiệu sản phẩm cam Sành. Ngoài ra, để chờ giá bán lên cao, một số hộ cố giữ cam trên cây kể cả khi đã bắt đầu vào vụ mới, khiến cây cam kém phát triển, mất mùa vụ sau. Nhưng, quan trọng hơn, hiện tại chưa doanh nghiệp nào đầu tư nhà máy chế biến các sản phẩm từ cam trên địa bàn tỉnh hoặc liên kết thu mua cam với số lượng lớn để tiêu thụ, chế biến. Những vấn đề này cho thấy các giải pháp đưa ra chưa đem lại hiệu quả như mong đợi, cây cam và thương hiệu cam Sành vẫn chưa thể đứng vững.
Từ thực trạng trên, mới đây Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến chỉ đạo: Tạm dừng trồng mới cam tại 2 huyện Bắc Quang và Quang Bình hoặc sử dụng những giống mới, chất lượng cao hơn như cam ít hạt, không hạt, tập trung thâm canh, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; xây dựng mối liên kết bằng việc đưa 100% các hộ trồng cam tham gia HTX, tổ sản xuất; ban hành tài liệu và tập huấn kiến thức về quy trình sản xuất cho 100% các hộ trồng cam; linh hoạt trong tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại nhưng phải xây dựng kế hoạch, chiến lược truyền thông dài hơi cho thương hiệu cam Sành; tham mưu xây dựng các chính sách đủ mạnh để thu hút doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến các sản phẩm từ cam…
Bài, ảnh: Duy Tuấn
Ý kiến bạn đọc