Bàn các giải pháp phát triển bền vững cam Sành Hà Giang
BHG - Sáng 8.3, tại huyện Bắc Quang, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị Bàn các giải pháp phát triển bền vững cam Sành Hà Giang. Các đồng chí: Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Nguyễn Đức Vinh, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT đồng chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có đồng chí Vi Hữu Cầu, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy Vị Xuyên; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh; Thường trực Huyện ủy, UBND và lãnh đạo một số phòng chuyên môn các huyện Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên; đại diện Hiệp hội cam Sành tỉnh, cùng một số HTX, Tổ hợp tác sản xuất cam…
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến kết luận buổi làm việc. |
Tính đến năm 2017, tổng diện tích cam toàn tỉnh là 8.387ha, trong đó cam Sành 6.631ha chiếm 79%, cam chanh và một số giống cam khác 1.756ha, chiếm 21%. Tổng số hộ trồng cam của 3 huyện Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên là 7.700 hộ, trong đó gần 2.500 hộ sản xuất VietGAP. Đến năm 2017 đã cấp Giấy chứng nhận VietGAP cho 59 HTX, Tổ sản xuất cam Sành theo tiêu chuẩn VietGAP với trên 2.750ha. Sản lượng cam niên vụ 2017 – 2018 đạt khoảng 50.000 tấn. Tính đến 5.3.2018, sản lượng cam VietGAP đã bán được trên 80%. Giá bán cam tại vườn đầu vụ dao động từ 6 – 8 nghìn đồng/kg; trước và sau tết giá bình quân 12 – 15 nghìn đồng/kg; giá bán cam VietGAP và dán tem truy xuất nguồn gốc cao hơn từ 3 – 5 nghìn đồng/kg. Công tác quảng bá, xúc tiến thương mại được quan tâm, chú trọng. Năm 2017 tỉnh đã hỗ trợ cho 35 doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất kinh doanh của 3 huyện với trên 1.4 triệu tem nhãn; các ngành chuyên môn đã phối hợp với các huyện, thành phố tổ chức Tuần lễ cam Sành và các đặc sản Hà Giang tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; trưng bày, quảng bá cam tại một số hoạt động trong khuôn khổ hội nghị APEC và tại Trung Quốc; hỗ trợ các điểm bán hàng tại 3 huyện dọc tuyến Quốc lộ 2… Đồng thời thường xuyên tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đặc biệt trong năm 2017 sản phẩm cam Sành Hà Giang đã được chứng nhận Chỉ dẫn địa lý.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, trả lời các vấn đề nhằm nâng cao chất lượng, giá trị cam Sành như: Hạn chế việc trồng mới, tập trung thâm canh, chú trọng vào chăm sóc, nâng cao năng suất, chất lượng; xây dựng và tổ chức tập huấn quy trình thu hái và bảo quản cam; siết chặt quản lý sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; tăng cường kiểm soát khâu sản xuất, thu mua cây giống; đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thu hút doanh nghiệp liên kết bao tiêu sản phẩm; có cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến các sản phẩm từ cam…
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến khẳng định cam Sành đã trở thành hàng hóa số 1 của tỉnh; sự quan tâm của người dân và các cấp, ngành về phát triển cây cam và thương hiệu cam Sành Hà Giang đã được nâng lên một bước. Tuy nhiên, sự phát triển vẫn chưa bền vững… Vì vậy, niên vụ cam 2018 – 2019 tới, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu: Huyện Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên, cần quán triệt xuyên suốt, trọng tâm chỉ đạo, định hướng của tỉnh trong phát triển cây cam; tổ chức lại sản xuất cho các hộ trồng cam, đưa 100% số hộ trồng cam trở thành thành viên các HTX; phát động phong trào bồi bổ lại đất, chăm sóc cây cam; thống nhất không trồng mới cam sành ở Bắc Quang, Quang Bình mà tập trung vào chăm sóc; xây dựng chương trình tập huấn kỹ thuật từ trồng đến thu hái cam, có tài liệu kiểm chứng; tiếp tục chỉ đạo thực hiện chương trình phát triển cam VietGAP; quản lý chặt chẽ sử dụng và kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật; linh hoạt, sáng tạo trong tuyên truyền, quảng bá, sản phẩm cam; xây dựng mô hình nhà vườn trồng cam gắn với du lịch... Đối với các sở, ngành, đồng chí Nguyễn Minh Tiến chỉ đạo: Theo chức năng nhiệm vụ của từng ngành, tham mưu cho tỉnh: Xây dựng kế hoạch cụ thể việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện phát triển cây cam niên vụ mới; bố trí kinh phí thực hiện các nội dung phát triển cây cam và xúc tiến quảng bá sản phẩm cam Sành niên vụ 2018 – 2019; thuê chuyên gia tư vấn xem xét lại mẫu mã, bao bì sản phẩm và đăng ký chất lượng sản phẩm với cam Sành và mật ong Bạc hà; xây dựng kế hoạch quảng bá sản phẩm cam từ tỉnh đến T.Ư và các chương trình tuyên truyền với những chủ trương, đề án lớn của tỉnh, rút kinh nghiệm những năm trước; ban hành kế hoạch điều tra, xử lý diện tích cam bị bệnh một cách cụ thể. Ngoài ra, các ngành cần xây dựng kế hoạch tập huấn cho cán bộ kỹ thuật của huyện, xã; đánh giá, điều chỉnh chương trình phát triển cam VietGAP theo thực tiễn; phát huy hoạt động của Hiệp hội cam Sành tỉnh; điều chỉnh các hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 209 và 86 cho phù hợp; sử dụng và phát huy chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm cam Sành; tập trung tổng kiểm tra phân bón, thuốc bảo vệ thực vật 3 huyện; nghiên cứu thực hiện các chương trình truyền hình chuyên đề về nông nghiệp nông thôn; cải cách các thủ tục hành chính trong giải ngân vốn vay hỗ trợ người trồng cam theo chính sách của tỉnh…
Tin, ảnh: Duy Tuấn
Ý kiến bạn đọc