Thúc đẩy phát triển nông nghiệp vùng Cao nguyên đá Đồng Văn
BHG - Những năm qua, với sự vào cuộc cùng các ngành, các cấp thực hiện mục tiêu xây dựng, bảo tồn và phát triển Công viên Địa chất toàn cầu (CVĐCTC) - Cao nguyên đá Đồng Văn; ngành Nông nghiệp tỉnh ta đã tích cực đóng góp vào sự phát triển của Công viên; tạo sinh kế giúp người dân không ngừng cải thiện đời sống và các mục tiêu phát triển du lịch – dịch vụ...
”Hồ treo” xã Pải Lủng, công trình cấp thiết cho nhu cầu nước sinh hoạt của người dân khu vực trung tâm xã Pải Lủng (Mèo Vạc). |
Mới nghe nói về vai trò của ngành Nông nghiệp, nhiều người sẽ cho rằng chỉ đơn thuần là cây, con, mùa vụ... Nhưng thực tế, những cây con, mùa vụ và nhiều mục tiêu được ngành Nông nghiệp triển khai trên khu vực CVĐCTC - Cao nguyên đá có tác động và tầm ảnh hưởng không nhỏ đến nhiều mục tiêu phát triển của Công viên đá (CVĐ). Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy, như cây Tam giác mạch có sức hút như thế nào đối với du lịch của vùng; nó đã trở thành thương hiệu du lịch của cả tỉnh và góp phần đưa du lịch tỉnh ta thu hút trên 1 triệu lượt khách trong năm 2017.
Từ thực tiễn có thể thấy, nhiều năm qua, ngành Nông nghiệp đã tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện chương trình đầu tư xây dựng hồ chứa nước sinh hoạt tại 4 huyện phía Bắc. Từ năm 2007 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã và đang xây dựng 115 “hồ treo”, với tổng dung tích chứa khoảng 537.625m3 nước. Các “hồ treo” đã cung cấp nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho trên 33% dân số vùng CVĐCTC. Hệ thống hồ chứa nước sinh hoạt cho 4 huyện vùng cao phía Bắc đã giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt từ bao đời nay cho đồng bào dần được ổn định, lâu dài và bền vững; góp phần tạo cảnh quan môi trường sinh thái, tạo điều kiện phát triển du lịch đối với CVĐ.
Thúc đẩy phát triển nông nghiệp, giúp người dân xây dựng sinh kế bền vững là mục tiêu quan trọng. Khi người dân ổn định cuộc sống, thì trách nhiệm bảo tồn, xây dựng CVĐCTC sẽ tốt hơn. Trên cơ sở đó, giai đoạn từ năm 2015-2017, ngành Nông nghiệp đã xây dựng được 9 mô hình trình diễn trên địa bàn, nổi bật như: Mô hình nuôi bò vỗ béo gắn với xây dựng Nông thôn mới – giống bò vàng Hà Giang tại huyện Đồng Văn; Mô hình sản xuất rau an toàn theo hướng hàng hóa gắn với xây dựng Nông thôn mới – giống đậu Cove leo hạt đen và bắp cải KK-Cross tại Quản Bạ; Mô hình phát triển nuôi ong nội lấy mật tại huyện Đồng Văn; Mô hình chăn nuôi dê nhốt chuồng (giống dê nội địa phương) huyện Mèo vạc, Yên Minh; Mô hình nhân giống đàn ong và quản lý ong bốc bay (giống ong nội địa phương) tại huyện Quản Bạ, Mèo vạc; Mô hình chế biến thức ăn gia súc có sử dụng máy thái cỏ đa năng huyện Yên Minh, Đồng Văn; Mô hình nuôi bò cái sinh sản sử dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo, kết hợp trồng, thu hoạch, chế biến cỏ giống mới (giống cỏ Mombasa) huyện Mèo Vạc.
Các hoạt động khuyến nông được triển khai góp phần không nhỏ vào kết quả phát triển KT – XH, nâng cao nhận thức cho các hộ dân về bố trí cây trồng phù hợp, luân canh tăng vụ, tăng giá trị sản phẩm trên đơn vị diện tích đất canh tác, xây dựng mô hình chăn nuôi vệ sinh an toàn quy mô hộ gia đình góp phần nâng cao thu nhập của hộ dân vùng nông nghiệp, nông thôn.
Thời gian qua, ngành Nông nghiệp tích cực chỉ đạo đẩy mạnh thụ tinh nhân tạo cho đàn trâu, bò và nâng cấp dây chuyền sản xuất tinh bò tại Trung tâm Giống cây trồng và gia súc Phó Bảng. Xây dựng Dự án Tăng cường năng lực ứng dụng và chuyển giao công nghệ cho Trung tâm Giống cây trồng và gia súc Phó Bảng nhằm bảo tồn và phát triển nguồn gen bò Vàng Hà Giang phục vụ phát triển KT - XH tại các huyện CVĐ. Từ đó, góp phần quan trọng đưa con bò Vàng trở thành “điểm tựa” kinh tế vững chắc cho người dân CVĐ. Còn với đàn ong mật bản địa đã trở thành 1 trong 4 sản phẩm của tỉnh được cấp Chứng nhận Chỉ dẫn địa lí cho sản phẩm mật ong Bạc hà Mèo Vạc; nuôi ong được hướng trở thành một nghề làm giàu trên CVĐ.
Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với Viện Nghiên cứu và phát triển lâm nghiệp triển khai “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ phát triển trồng Lan Kim tuyến trên hốc đá trên địa bàn tỉnh Hà Giang”, thời gian thực hiện từ 2017-2020; Phối hợp và đang triển khai xây dựng Dự án thí điểm trồng cây lâm nghiệp tại 4 huyện vùng cao núi đá của tỉnh để tạo sinh thủy và bảo tồn nguồn gen cây lâm nghiệp quý hiếm trên vùng CVĐ, giai đoạn 2017-2020.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Thanh Giang, Phó trưởng Ban quản lí CVĐCTC và xúc tiến du lịch tỉnh cho biết, cùng với vai trò của các ngành, các cấp trong tỉnh; nhiều hoạt động của ngành Nông nghiệp đã và đang mang lại những ý nghĩa to lớn cho mục tiêu phát triển KT – XH vùng CVĐCTC – CVĐ. Qua đo, góp phần quan trọng vào mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân; đây cũng là mục tiêu để phát triển bền vững di sản địa chất của chúng ta.
Bài, ảnh: Huy Ba
Ý kiến bạn đọc