Thụ tinh nhân tạo - "đòn bẩy" phát triển chăn nuôi ở Mèo Vạc
BHG - Với mục tiêu hình thành các vùng chăn nuôi bò hàng hóa, nuôi lợn tập trung, thời gian qua, Mèo Vạc đã đẩy mạnh thực hiện phương pháp thụ tinh nhân tạo (TTNT) cho đàn gia súc. Từ đó, từng bước thay đổi nhận thức của người dân và tạo thêm động lực thúc đẩy chăn nuôi phát triển.
Mèo Vạc xác định, chăn nuôi là hướng đi chính giúp người dân xóa đói, giảm nghèo. Giải “bài toán” tái cơ cấu Nông nghiệp, huyện xác định đẩy mạnh quy hoạch, khuyến khích đầu tư có trọng điểm; chú trọng chăn nuôi hộ gia đình, hình thành các Nhóm sở thích, dịch vụ thú y. Nhằm làm thay đổi tập quán chăn thả gia súc, cho gia súc phối giống tự nhiên của người nông dân, tránh tình trạng phối giống cận huyết làm thoái hóa đàn bò của địa phương… huyện đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm tăng đàn và áp dụng phương pháp TTNT cho đàn gia súc; có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích người chăn nuôi và các dẫn tinh viên (DTV).
Đàn bò của gia đình chị Lý Thị Dính, thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi được sinh ra từ phương pháp thụ tinh nhân tạo. |
Đồng chí Lý Xuân Rắng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Mèo Vạc cho biết: Mới đầu, việc áp dụng phương pháp TTNT cho gia súc chưa được bà con chú trọng; nhiều hộ chưa nhận thức đúng về hiệu quả của phương pháp này. Mặt khác, người chăn nuôi chưa chủ động nhận biết thời kỳ phát dục của bò cái, nhất là bò cái nhốt chuồng nên thường để lỡ chu kỳ hoặc không liên lạc với DTV, khiến thời gian phối giống muộn. Khắc phục điều này, huyện đã xây dựng kế hoạch, xác định cụ thể số lượng bò cái, lợn nái được TTNT theo từng năm. Căn cứ theo thực tế địa phương, huyện tập trung thực hiện TTNT cho đàn bò ở các xã Cán Chu Phìn, Giàng Chu Phìn, Pả Vi, thị trấn Mèo Vạc, Tả Lủng, Sủng Trà, Sủng Máng, Lũng Chinh, Lũng Pù, Pải Lủng, Khâu Vai, Xín Cái.
Nhằm tạo chuyển biến trong nhận thức người dân, cấp ủy, chính quyền các cấp ở Mèo Vạc đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi tập quán chăn nuôi; khuyến khích và hỗ trợ chuyển đổi một số diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cỏ; vận động người dân tích cực áp dụng các biện pháp khai thác, chế biến, dự trữ thức ăn, đảm bảo cho phát triển chăn nuôi. Ngoài các cơ chế hỗ trợ theo Nghị quyết số 209 và Nghị quyết 86 của HĐND tỉnh, huyện Mèo Vạc còn phát động thi đua bằng việc khen thưởng cho cá nhân DTV 3 triệu đồng nếu thực hiện TTNT đạt kết quả từ 15 – 19 con bò/tháng, thưởng 5 triệu đồng nếu đạt từ 20 con bò/tháng trở lên. Đồng thời, phối hợp với Trung tâm Giống cây trồng và gia súc Phó Bảng (Đồng Văn) tổ chức tập huấn kỹ thuật TTNT để nâng cao tay nghề cho đội ngũ DTV ở các xã, thị trấn. Mặt khác, huyện đã đầu tư trạm trung chuyển thụ tinh nhân tạo, làm đầu mối cung cấp tinh cho các DTV thực hiện TTNT tại 18 xã, thị trấn trên địa bàn.
Hiện nay, xã Pả Vi là một trong những địa phương thực hiện hiệu quả phương pháp TTNT trên đàn bò. Đồng chí Tề Văn Lâm, Chủ tịch UBND xã Pả Vi cho biết: Thực hiện kế hoạch của huyện, xã đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất bằng việc TTNT cho đàn bò cái. Đồng thời, cử cán bộ xã, thú y thôn bản, các hộ có bò cái tham gia tập huấn TTNT, kỹ thuật phát hiện bò động dục, chăm sóc bò và phân công cán bộ xã phụ trách, theo thôn hoặc theo nhóm hộ; theo dõi số bê con được sinh ra từ phương pháp TTNT. Từ chỗ nhiều hộ dân không muốn cho DTV tiến hành TTNT đàn bò, nay bà con đã chủ động liên hệ khi phát hiện bò động dục.
Theo kế hoạch, năm 2017 huyện Mèo Vạc thực hiện TTNT cho 300 con bò cái trong độ tuổi sinh sản. Với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp, đã thay đổi tư duy người chăn nuôi, giúp địa phương vượt kế hoạch đặt ra với trên 320 con bò cái được TTNT thành công. Đây chính là cơ sở để Mèo Vạc tạo bước “đột phá” trong chăn nuôi, góp phần thực hiện hiệu quả Đề án Tái cơ cấu Nông nghiệp và chương trình nửa triệu con đại gia súc của tỉnh.
Bài, ảnh: KIM TIẾN
Ý kiến bạn đọc