Phát triển kinh tế trong mối liên kết vùng
BHG- Xác định phát triển trên quan điểm “Một trục - hai hướng”, kết nối Đông Bắc và Tây Bắc, kết nối một trục giữa các tỉnh Hà Giang - Tuyên Quang - Vĩnh Phúc với thị trường châu Văn Sơn (Trung Quốc), thời gian qua, tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách, nghị quyết, đề án về phát triển các lĩnh vực có lợi thế liên kết vùng; từng bước đưa Hà Giang tự tin trên con đường hội nhập.
Hà Giang có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển so với các tỉnh trong khu vực. Trước hết, là tỉnh cửa ngõ phía Bắc của Quốc gia, có 4 tuyến Quốc lộ đi qua, có đường biên giới dài giáp với nước bạn Trung Quốc, đây là điều kiện để kết nối kinh tế biên mậu trong hành lang kinh tế Việt Nam - Trung Quốc và với các nước khác, vì vậy Hà Giang trở thành “mấu chốt” quan trọng để cùng các tỉnh biên giới phía Bắc, liên kết phát triển mạnh mẽ kinh tế biên mậu. Với cặp Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy – Thiên Bảo và nhiều cặp cửa khẩu phụ, lối mở, Hà Giang đã ban hành hành nghị quyết về “Một số chính sách khuyến khích phát triển kinh tế biên mậu trên địa bàn tỉnh Hà Giang” và bước đầu đạt nhiều kết quả quan trọng. Kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của tỉnh năm 2017 đạt gần 3,5 tỷ USD, tăng trên 200% so với năm 2016; thu ngân sách từ hoạt động xuất khẩu đạt trên 200 tỷ đồng; thu hút nhiều dự án đầu tư vào kinh tế cửa khẩu.
Các tỉnh Tây Bắc ký hợp tác quảng bá và phát triển du lịch. |
Bên cạnh đó, với lợi thế về điều kiện đất đai, khí hậu đặc thù phù hợp để phát triển các loại cây dược liệu quý và các sản phẩm nông nghiệp địa phương; là cơ hội để Hà Giang phát triển thành vùng trọng điểm Quốc gia về dược liệu và du lịch. Phát huy lợi thế này, tỉnh đã quy hoạch và phát triển vùng trồng dược liệu hàng hóa, xây dựng các chuỗi giá trị sản phẩm đặc sản địa phương, xây dựng chỉ dẫn địa lý cho nhiều sản phẩm, từng bước khẳng định thương hiệu như: Mật ong Bạc hà, cam Sành; Hồng không hạt Quản Bạ; góp phần quan trọng để từng bước thực hiện thành công Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh.
Đặc biệt, Cao nguyên đá Đồng Văn góp mặt vào mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu với nhiều giá trị về cảnh quan, địa chất; di tích Quốc gia Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì; sự đa dạng về văn hoá truyền thống, lễ hội đặc sắc… là tiềm năng quan trọng để Hà Giang phát triển du lịch với nhiều sản phẩm đa dạng, đặc trưng đủ sức cạnh tranh với các địa phương có cùng lợi thế so sánh.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI khẳng định, phát triển du lịch gắn với xóa đói, giảm nghèo là một trong 5 chương trình trọng tâm trong nhiệm kỳ 2015 – 2020. Đến nay, du lịch Hà Giang đã đạt nhiều thành tựu đáng kể. Năm 2017 thu hút trên một triệu lượt khách, doanh thu từ du lịch đạt trên 900 tỷ đồng. Hà Giang đang đẩy mạnh liên kết phát triển du lịch với các tỉnh trong vùng; tích cực tham gia tuyến du lịch Vòng cung Tây Bắc gồm 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng (Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình); tham gia các Chương trình “Du lịch qua những miền di sản Việt Bắc”; ký kết hợp tác phát triển du lịch với Cục Du lịch châu Văn Sơn (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc); liên kết, hợp tác, phát triển hạ tầng giao thông, đào tạo nguồn nhân lực, thu hút vốn đầu tư, liên kết giữa các đơn vị kinh doanh du lịch.
Mới đây, tại Hội nghị liên kết quảng bá và phát triển du lịch và dược liệu vùng Tây Bắc do Ban Chỉ đạo Tây Bắc và Ban Kinh tế Trung ương phối hợp tổ chức tại thành phố Lào Cai; các đại biểu đều cho rằng, việc tăng cường mối liên kết trong phát triển du lịch và dược liệu trong vùng là điều cấp thiết hiện nay, bởi các tỉnh Tây Bắc có nhiều điều kiện tương đồng về địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng. Để đủ sức cạnh tranh trong giai đoạn hội nhập, cần phải bắt tay hợp tác trên tất cả các lĩnh vực để tạo ra một khu vực Tây Bắc có thế mạnh riêng biệt, đặc trưng, góp phần đưa kinh tế của vùng phát triển ngang tầm các khu vực khác trong cả nước.
Việc liên kết vùng mở ra nhiều cơ hội để Hà Giang phát triển, nhưng cũng đặt ra thách thức khi hệ thống hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, các dịch vụ của tỉnh chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của quá trình hội nhập. Điều này đòi hỏi các cấp, ngành cần tiếp tục có cơ chế, chính sách phù hợp, mang tầm chiến lược để Hà Giang không bị ở lại phía sau.
Bài, ảnh: BIỆN LUÂN
Ý kiến bạn đọc