Ông Ngài Thầu Sán làm giàu từ mô hình gia trại chăn nuôi
BHG - Xã Nghĩa Thuận (Quản Bạ) hiện có nhiều hộ dân là người dân tộc thiểu số khá lên nhờ phát triển kinh tế, với nhiều mô hình mới như: Trồng hồng không hạt, chăn nuôi đại gia súc… Một trong những hộ dân đi tiên phong với mô hình gia trại chăn nuôi công nghiệp đó là gia đình ông Ngài Thầu Sán ở thôn Phín Ủng.
Với khí hậu ở đây mát mẻ cùng với kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực chăn nuôi, ông Sán đã phối hợp làm ăn với người cháu là anh Trương Đức Chung – chuyên phân phối và bán cám gia súc tại Quản Bạ.
Mô hình nuôi lợn sinh sản của gia đình ông Ngài Thầu Sán. |
Ông Sán đầu tư hơn 500 triệu cho việc xây dựng cơ sở vật chất từ chuồng trại đến kho cất trữ thức ăn. Theo ông Sán cho biết: “Gia đình đã làm nghề chăn nuôi được gần 20 năm, chủ yếu là nuôi lợn. Trước đây chăn nuôi nhỏ lẻ do cơ sở chật chội. Được sự ủng hộ của người cháu nên ông quyết định mở rộng diện tích chuồng trại. Với việc nuôi bằng thức ăn công nghiệp khác hoàn toàn so với cách nuôi truyền thống là thả rông và nấu cám. Cách nuôi này giúp đàn lợn phát triển nhanh và đáp ứng nhu cầu của thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó, trong quá trình nuôi, gia đình được cán bộ hướng dẫn về cách nuôi, cách phối giống, cách tiêm phòng nên đàn lợn, gà của nhà luôn phát triển tốt…”.
Nằm trọn trên một quả đồi nhỏ, mô hình gia trại của ông Sán gồm một áo cá rộng, hơn 500 con gà và 60 con lợn được rào kín, khiến người dân đi qua ai cũng xuýt xoa bởi quy mô của mô hình. Với mục đích tăng số lượng giống để cung ứng giống cho bà con, hiện tại trong chuồng nhà ông Sán có hơn 30 con lợn nái được gia đình chọn và mua về từ Tuyên Quang. Cách chăn nuôi được thực hiện theo một quy trình khép kín, tùy từng giai đoạn phát triển của đàn lợn chăn nuôi với loại cám khác nhau, đặc biệt các thành phần trong thức ăn luôn đảm bảo chất dinh dưỡng như: Chất bột đường, chất đạm, chất béo, chất khoáng và Vitamin… nên đàn lợn phát triển khỏe mạnh, ít bị dịch bệnh.
Mô hình gia trại của ông Sán mới đi vào hoạt động từ tháng 2.2017 và cho đến nay gia đình đã xuất được hơn 2 lứa lợn con, bán được hơn 300 con gà… Do giá thành rẻ hơn so với giá địa phương, phù hợp với túi tiền của bà con nên sản phẩm của gia đình luôn có người đặt trước. Bên cạnh việc chăn nuôi, gia đình ông Sán cũng tận dụng những khoảng đất trống để trồng hồng không hạt nhằm tăng thêm thu nhập.
Tại nơi trập trùng núi đá này, đôi vợ chồng già vẫn hàng ngày tảo tần chăm chỉ dựng xây nên ước mơ là tạo ra những giống tốt nhất và trở thành nhà phân phối giống rộng khắp địa phương. Với những tiềm năng và lợi thế như hiện nay, hy vọng giấc mơ của gia đình ông Ngài Thầu Sán sẽ sớm trở thành sự thật.
Bài, ảnh: HOÀNG YẾN
Ý kiến bạn đọc