Một thoáng Đông Hà

07:48, 15/01/2018

BHG - Năm 2015, Đông Hà vinh dự trở thành xã đầu tiên của huyện Quản Bạ đạt chuẩn Nông thôn mới; hầu hết các tiêu chí cơ bản đều đạt theo quy định chung. Tại trụ sở làm việc, lãnh đạo xã Đông Hà cung cấp cho tôi nhiều vấn đề đáng lưu tâm cùng những “con số biết nói”, trong đó có cả niềm vui và những điều băn khoăn, trăn trở.

Những điều vui

Ấn tượng đầu tiên của tôi khi đi thực tế trên địa bàn xã là con đường liên thôn rải nhựa khá đẹp chạy dài từ thôn Thống Nhất đến cuối thôn Nà Sài, tạo thành trục đường chính, từ đó được tiếp nối với các đường bê - tông ra phía cánh đồng và dẫn vào các xóm bản. Con đường đã giúp cho việc đi lại, chuyên chở hàng hóa nông sản, vật tư sản xuất, thu hoạch mùa màng của người dân thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, hệ thống mương bê - tông dẫn nước bắt nguồn từ con suối Tà Cá, cung cấp nước cho những thửa ruộng được đắp bờ rất vững chắc, gọn gàng, đẹp mắt, có chỗ còn xây bờ bao bằng gạch bê - tông. Hai bên đường vào xã, những ngôi nhà đủ loại, từ nhà chình tường, nhà gỗ đến nhà sàn, nhà xây, mức độ to nhỏ khác nhau, nhưng nhà nào cũng gọn gàng, sạch sẽ. Bà con đã đưa chuồng trại gia súc ra xa nhà; đa số các hộ đều có nhà tắm, nhà vệ sinh, có nguồn nước sinh hoạt được dẫn từ đầu nguồn về; các thôn đều có bãi rác thải tập trung...

Máy cày, bừa đã thay sức trâu ở xã Đông Hà.
Máy cày, bừa đã thay sức trâu ở xã Đông Hà.

Ấn tượng tiếp theo mà tôi cảm nhận được là gần như ở đâu cũng thấy cỏ voi, được bà con trồng để chăn nuôi trâu, bò nhốt chuồng. Lãnh đạo xã cho biết, bình quân mỗi hộ dân trong xã có 3 - 5 con trâu, bò. Bây giờ bà con đã biết nuôi trâu, bò hàng hóa, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi và cách thức sản xuất sao cho hiệu quả cao hơn. Qua các cánh đồng đang vào mùa vụ, máy móc đã được đưa vào đồng ruộng, tiếng máy rộn vang khắp cánh đồng, thay cho cái cảnh “con trâu đi trước, cái cày theo sau” ngày nào.

Chị Vừ Thị Chu, người Mông ở thôn Thống Nhất, dừng tay nhổ mạ nói: “Mình thấy có “cái” Nông thôn mới thì làm ăn dễ hơn, no hơn, vui hơn. Đi lại bây giờ chỗ nào cũng có đường sạch”. Bà con nơi đây đã có cuộc sống tốt hơn từ khi thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng Nông thôn mới.

Diện tích canh tác lúa nước của xã có 99 ha, ngô 280 ha, như vậy là không nhiều. Nhưng bù lại, người dân đã biết lựa chọn bộ giống tốt, có chất lượng cao, biết thâm canh, tăng vụ nên năng suất đạt khá (lúa trung bình đạt 6,5 tấn, ngô đạt 4,6 tấn/ha/vụ). Đặc biệt, cây vụ Đông, chủ yếu là rau xanh, sản lượng khá lớn, thu nhập từ rau cao hơn lúa, ngô, tạo ra một khoản thu đáng kể cho bà con vào dịp cuối năm.

Ấn tượng thứ ba khiến tôi vui là các trường học ở xã đều được xây dựng khang trang, sạch đẹp, được trang hoàng bằng các khẩu hiệu, băng - zôn, cờ trang trí... trông thật bắt mắt và có tính giáo dục cao. Tỷ lệ học sinh đến lớp ở các cấp học đạt 100%. Trạm y tế nơi đây là Phòng khám đa khoa khu vực của 4 xã (Đông Hà, Lùng Tám, Cán Tỷ và Thái An), tương đối khang trang, đủ điều kiện thực hiện tốt công tác bảo vệ sức khỏe ban đầu cho nhân dân trong vùng. Hệ thống chính trị thường xuyên được hoàn thiện, củng cố vững chắc, trình độ chuyện môn của cán bộ xã đều từ Trung cấp trở lên và có tới 80% có trình độ Đại học; các tổ chức đoàn thể hoạt động hiệu quả... Tất cả, là cơ sở quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, đoàn kết, gắn bó nhân dân. Nhờ vậy, ở Đông Hà hiện nay kinh tế cơ bản ổn định; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững, không có người mắc các tệ nạn xã hội; không còn nạn tảo hôn, còn rất ít các cặp vợ chồng sinh con thứ ba; các hủ tục đã và đang bị bài trừ; các thôn đều có có đội văn nghệ, thể dục thể thao.

Vẫn còn trăn trở

Điều trăn trở lớn nhất mà tôi nhận thấy ở Đông Hà là tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao. Hiện nay, toàn xã còn gần 40% số hộ thuộc diện nghèo. “Cái khó nhất ở Đông Hà là hầu như không có ngành nghề phụ, nghề truyền thống cũng không có. Cả xã chỉ có 10,5% hộ kinh doanh - dịch vụ, còn lại 89,5% số hộ dân làm nông nghiệp thuần túy. Những tiêu chí Nông thôn mới còn “nợ lại” sẽ rất khó thực hiện nếu như không có sự hỗ trợ của nhà nước. Chẳng hạn như việc nâng cấp trụ sở làm việc của xã, hay như việc xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao (nhà văn hóa, sân vận động trung tâm...). Những công trình này cần một lượng kinh phí không nhỏ, trong khi nguồn thu ngân sách tại chỗ rất thấp, các nguồn xã hội hóa gần như không có và sức dân thì lại có hạn. Riêng về xây dựng chợ nông thôn thì khó nhất là việc tìm địa điểm phù hợp” - lãnh đạo xã Đông Hà chia sẻ.

Điều băn khoăn thứ hai, điều kiện để phát triển kinh tế bền vững ở đây sẽ rất khó bởi chỉ trông chờ vào sản xuất nông nghiệp, trong khi diện tích gieo trồng có hạn, nhiều khi lại mất mùa do thiên tai, dịch bệnh. Mặc dù lãnh đạo xã khẳng định, tới đây cấp ủy, chính quyền có chủ trương đưa cây lạc giống cao sản vào sản xuất, thay dần cây ngô để nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích, tạo ra sản phẩm hàng hóa.

Điều trăn trở thứ ba, từ năm 2017 Đông Hà lại trở về xã vùng 3!

Những điều trăn trở, băn khoăn cứ bám theo tôi suốt hành trình từ Quản Bạ trở về thành phố Hà Giang. Và có một điều gì đó, có thể là sự lạc quan, khiến tôi tin rằng: Với truyền thống của mình, Đảng bộ, chính quyền, ban ngành, đoàn thể và nhân dân các dân tộc xã Đông Hà sẽ sớm tìm ra hướng đi phù hợp.

Bài, ảnh: Nguyễn Trần BÉ


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Góp phần vào thắng lợi chung của ngành Nông nghiệp

BHG - Mặc dù sản xuất nông, lâm nghiệp trong năm 2017 diễn ra trong điều kiện thời tiết không thuận lợi; việc triển khai thực hiện mô hình còn gặp nhiều khó khăn; … tuy nhiên, với sự nỗ lực, cố gắng của tập thể cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh và các Trạm khuyến nông cơ sở đã góp phần vào thắng lợi chung của ngành Nông nghiệp của tỉnh. Trong năm qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện được 39 mô hình sản xuất. Nhìn chung các mô hình thực hiện đảm bảo thời vụ, quy mô, chất lượng; 

12/01/2018
Khởi nghiệp chưa bao giờ là muộn!

BHG - Ở độ tuổi ngoài 50, nhưng ông Đoàn Công Oánh (sinh 1964), trú tại thôn Tân Đức, xã Đạo Đức (Vị Xuyên) vẫn mạnh dạn khởi nghiệp với mô hình trồng rau trong nhà lưới. Những thành quả bước đầu ông gặt hái được đã khẳng định: Khởi nghiệp chưa bao giờ là muộn. Ông Oánh đã từng thử sức với rất nhiều công việc khác nhau. Sau khi tham khảo qua các phương tiện truyền thông đại chúng và học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi; ông nhận thấy vấn đề thực phẩm an toàn đang được cả xã hội đặc biệt quan tâm. Hơn nữa, trên địa bàn Hà Giang, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm sạch là rất lớn. Vì vậy, ông đã nung nấu ý tưởng trồng rau sạch trong nhà lưới vừa để nâng cao thu nhập cho gia đình, lại phù hợp với chủ trương của tỉnh, huyện.

12/01/2018
Agribank Hà Giang khai trương điểm giao dịch lưu động bằng xe ô tô

BHG - Nhằm mở rộng các loại hình dịch vụ và nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, ngày 11.1, tại xã Vĩnh Phúc (Bắc Quang), Agribank Hà Giang đã tổ chức Khai trương "Điểm giao dịch lưu động bằng xe ô tô chuyên dùng". Dự buổi lễ có đồng chí Trần Văn Hòa, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Bắc Quang; Nguyễn Ngọc Hải, Giám đốc Agribank Hà Giang; lãnh đạo một số ngành, đoàn thể chính trị của tỉnh; đại diện Agribank tỉnh Tuyên Quang và đông đảo người dân trên địa bàn.

12/01/2018
Hội nghị giới thiệu tiềm năng, thế mạnh liên kết tiêu thụ sản phẩm của HTX, doanh nghiệp

BHG - Ngày 12.1, Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh Hà Giang đã tổ chức Hội nghị giới thiệu tiềm năng, thế mạnh liên kết tiêu thụ sản phẩm của HTX, doanh nghiệp thành viên của Liên minh HTX 7 tỉnh, thành phố, gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh. Dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh và đại diện, lãnh đạo Liên minh HTX 7 tỉnh nêu trên.

12/01/2018