Hà Giang

Khởi nghiệp chưa bao giờ là muộn!

08:38, 12/01/2018

BHG - Ở độ tuổi ngoài 50, nhưng ông Đoàn Công Oánh (sinh 1964), trú tại thôn Tân Đức, xã Đạo Đức (Vị Xuyên) vẫn mạnh dạn khởi nghiệp với mô hình trồng rau trong nhà lưới. Những thành quả bước đầu ông gặt hái được đã khẳng định: Khởi nghiệp chưa bao giờ là muộn. Ông Oánh đã từng thử sức với rất nhiều công việc khác nhau. Sau khi tham khảo qua các phương tiện truyền thông đại chúng và học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi; ông nhận thấy vấn đề thực phẩm an toàn đang được cả xã hội đặc biệt quan tâm. Hơn nữa, trên địa bàn Hà Giang, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm sạch là rất lớn. Vì vậy, ông đã nung nấu ý tưởng trồng rau sạch trong nhà lưới vừa để nâng cao thu nhập cho gia đình, lại phù hợp với chủ trương của tỉnh, huyện.

Ông Oánh chăm sóc vườn cà chua giống Nhật Bản được trồng trong nhà lưới của gia đình.
Ông Oánh chăm sóc vườn cà chua giống Nhật Bản được trồng trong nhà lưới của gia đình.

Nghĩ là làm, tháng 5.2016, ông đầu tư nguyên, vật liệu với tổng kinh phí trên 130 triệu đồng (trong đó, gia đình ông được hỗ trợ 100 triệu đồng từ nguồn vốn sự nghiệp KH&CN) để xây dựng 1.000 m2 nhà lưới với đầy đủ hệ thống tưới nước tự động phun sương và nhỏ giọt, cùng hệ thống đèn chiếu sáng, quạt thông gió, giàn treo, bể trồng rau thủy canh… Đến tháng 7.2016, ông bắt đầu làm đất, gieo những hạt giống rau đầu tiên. Ông tập trung trồng các loại rau: Cà chua, rau muống, rau dền, mồng tơi, bí đỏ, mướp, xà lách… Trong đó, ông trồng một số loại rau trái vụ để tăng thu nhập với mức giá cao hơn 2 – 3 lần. Nguồn nước ông sử dụng để tưới là nước giếng sạch và phân bón chủ yếu là phân hữu cơ, phân chuồng trộn với chế phẩm vi sinh được ủ trên 1 tháng để xử lý hết nấm bệnh rồi mới đem ra bón.

Ông Oánh cho biết: “Là một nông dân, không qua trường lớp đào tạo nào, lại chưa có kinh nghiệm trong việc trồng rau an toàn; nên khi bắt đầu thực hiện tôi cũng gặp phải một số khó khăn nhất định. Tôi đã dành nhiều thời gian trực tiếp xuống Học viện Nông nghiệp (Hà Nội) để học tập và đi tham quan những mô hình đã thành công ở nhiều nơi để áp dụng trong quá trình sản xuất của mình. Với các khâu làm đất, tỉa ngọn, thụ phấn, thu hoạch,… tôi tuân thủ nghiêm ngặt đúng quy trình kỹ thuật, vì vậy các loại rau tôi trồng đều phát triển rất tốt; kể cả các loại rau trái vụ…”. Với chất lượng tốt, các sản phẩm rau sạch của ông rất được khách hàng ưa chuộng mặc dù giá thành “nhỉnh” hơn so với rau truyền thống. Rau mồng tơi có giá 20.000 – 25.000 đồng/kg, rau cải các loại giá từ 25.000 – 35.000 đồng/kg, rau xà lách 40 - 50.000 đồng/kg, với thời gian dao động từ 30 – 45 ngày cho thu hoạch 1 lứa; sau 1 năm, tổng số tiền thu nhập từ rau sạch của gia đình ông Oánh đạt gần 300 triệu đồng.

Nhận thấy tiềm năng phát triển từ mô hình trồng rau sạch, đầu năm 2017, ông Oánh đã mở rộng diện tích nhà lưới, nâng tổng số diện tích nhà lưới của gia đình lên 4.000 m2. Ông chia sẻ: “Được sự quan tâm, động viên của các cấp chính quyền, tôi quyết định mở rộng diện tích nhà lưới và được hỗ trợ theo chủ trương của huyện là 70.000 đồng/1 m2. Tôi đã trồng thêm một số giống cây ăn quả có giá trị cao như: Dưa lưới vỏ xanh giống Nhật Bản, vừa qua, tôi đã thu hoạch được 1 đợt, với giá bán 70.000 đồng/kg, thu về gần 70 triệu đồng…”. Cuối năm 2017, 0,39 ha diện tích rau trồng trong nhà lưới của ông Oánh đã được cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Có thể nói, sản xuất thực phẩm an toàn đang là hướng đi đúng, vừa đáp ứng được nhu cầu thực phẩm sạch của người tiêu dùng, vừa góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ dân. Với tinh thần dám nghĩ, dám làm và sự nỗ lực, cần cù của bản thân; ông Đoàn Công Oánh đã gặt hái được những “trái ngọt” đầu tiên với mô hình khởi nghiệp từ sản xuất rau an toàn.

                                                     NGUYỄN PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Góp phần vào thắng lợi chung của ngành Nông nghiệp

BHG - Mặc dù sản xuất nông, lâm nghiệp trong năm 2017 diễn ra trong điều kiện thời tiết không thuận lợi; việc triển khai thực hiện mô hình còn gặp nhiều khó khăn; … tuy nhiên, với sự nỗ lực, cố gắng của tập thể cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh và các Trạm khuyến nông cơ sở đã góp phần vào thắng lợi chung của ngành Nông nghiệp của tỉnh. Trong năm qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện được 39 mô hình sản xuất. Nhìn chung các mô hình thực hiện đảm bảo thời vụ, quy mô, chất lượng; 

12/01/2018
Nguyễn Viết Chiển khởi nghiệp từ nghề thiết kế nội thất

BHG - Năm 2017, khi tròn 30 tuổi, Nguyễn Viết Chiển, phường Nguyễn Trãi (thành phố Hà Giang) xin nghỉ việc Nhà nước, thực hiện đam mê thiết kế nội thất và làm biển quảng cáo. Với nỗ lực không mệt mỏi, hiện nay, anh đã là chủ xưởng quảng cáo tại tổ 9, xã Phương Độ, thành phố Hà Giang, đem lại thu nhập ổn định, tạo việc làm cho hàng chục nhân công.

10/01/2018
Xã Cán Tỷ phát triển mạnh Mô hình nuôi lợn nái luân chuyển

BHG - Những năm qua, để giúp đỡ hội viên (HV) vươn lên trong cuộc sống, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Cán Tỷ (Quản Bạ) đã vận dụng tốt các chương trình, chính sách hỗ trợ để giúp HV phụ nữ phát triển chăn nuôi, sản xuất. Trong đó, Mô hình nuôi lợn nái luân chuyển đã phát huy hiệu quả, tạo điều kiện cho HV khó khăn tham gia sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo. 

10/01/2018
Tổng kết công tác vận động, quản lý nguồn vốn ODA năm 2017

BHG - Ngày 10.1, tại phòng họp Thường trực UBND tỉnh, Ban vận động ODA tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết công tác vận động, quản lý nguồn vốn ODA năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018. Đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban vận động ODA tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có lãnh đạo các sở, ban, ngành thành viên Ban vận động. 

10/01/2018