Hoàng Su Phì nâng cao chất lượng đàn bò
BHG - Thực hiện chương trình cải tạo đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo (TTNT), thời gian qua, huyện Hoàng Su Phì đã phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh, mở các lớp tập huấn cho cán bộ chuyên môn 25 xã, thị trấn về quy trình kỹ thuật TTNT; tập huấn, tuyên truyền cho người dân cách nhận biết chu kỳ, giai đoạn động dục của bò cái. Đồng thời, triển khai kịp thời cơ chế hỗ trợ tiền công cho các dẫn tinh viên theo quy định. Năm 2017, huyện đã TTNT được 209 con, trong đó 60 con đã sinh bê con, 26 con đang chửa và 37 con đang trong giai đoạn theo dõi kỳ động dục. Qua thực hiện phương pháp TTNT sẽ góp phần nâng cao năng suất, chất lượng đàn bò địa phương.
Bê con của gia đình anh Thèn Seo Phong, thôn Coóc Có, xã Pố Lồ được sinh ra từ phương pháp thụ tinh nhân tạo. |
Gia đình anh Thèn Seo Phong, thôn Coóc Có, xã Pố Lồ đã nuôi bò nhiều năm, nhưng chủ yếu cho bò phối giống tự nhiên. Sau khi được tuyên truyền, gia đình anh đã quyết định áp dụng phương pháp TTNT cho bò sinh sản. Anh Phong chia sẻ: Lúc đầu cũng lo ngại, nhưng sau thời gian quan sát, thấy bò mang thai, phát triển bình thường, bê con to khỏe, linh hoạt, lông đẹp nên gia đình rất phấn khởi. Dự kiến trong thời gian tới, gia đình anh sẽ nuôi thêm một con bò giống và tiếp tục thực hiện phương pháp TTNT.
Đồng chí Lù Xuân Thắng, Trưởng Trạm thú y Hoàng Su Phì cho biết: Qua theo dõi và đánh giá, số bê con sinh ra từ phương pháp TTNT đều khỏe mạnh, trọng lượng đạt 22 - 24 kg/con, trong khi bê con phối giống tự nhiên chỉ đạt khoảng 16 kg/con. Sau 3 tháng nuôi, trọng lượng bê đạt khoảng 50kg, cao hơn so với phối tự nhiên khoảng 11kg. Đặc biệt, phương pháp TTNT còn giúp người dân giảm chi phí nuôi và vận chuyển bò đực đến nơi phối giống; khắc phục tình trạng chênh về tầm vóc khi phối giống, hạn chế đồng huyết và tăng tốc độ cải tạo giống; hạn chế lây lan dịch bệnh, không du nhập bệnh mới.
Tuy nhiên, cũng theo anh Thắng, việc triển khai phương pháp TTNT hiện vẫn còn hạn chế, việc đầu tư trang thiết bị chưa đồng bộ; quá trình khai thác, bảo quản và vận chuyển tinh gia súc đông lạnh còn gặp nhiều khó khăn; kinh phí hỗ trợ cho đội ngũ dẫn tinh viên còn thấp; nhiều hộ còn e ngại khi áp dụng; khó theo dõi số bò cái động dục do chăn nuôi chưa tập trung, chủ hộ không báo kịp thời cho dẫn tinh viên nên kết quả phối giống ít thành công… Khắc phục những khó khăn, thời gian tới, ngành sẽ tham mưu cho UBND huyện, tiếp tục rà soát tổng đàn bò của địa phương, tăng cường tuyên truyền, lồng ghép vào các cuộc họp thôn, xóm để người dân hiểu, từ đó đăng ký tham gia; nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ dẫn tinh viên cơ sở; kịp thời triển khai có hiệu quả TTNT khi người dân báo có bò động dục.
Có thể thấy, sự vào cuộc quyết liệt từ huyện đến cơ sở, chương trình nâng cao chất lượng đàn bò bằng phương pháp TTNT trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì đã đạt được những kết quả khả quan, không chỉ giúp người dân áp dụng tiến bộ KHKT vào chăn nuôi, nâng cao thu nhập, còn mở ra hướng đi mới trong việc phát triển đàn gia súc theo hướng hàng hóa, góp phần xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.
Bài, ảnh: TIẾN LÂM
Ý kiến bạn đọc