Hiệu quả từ các chương trình nông nghiệp trọng tâm ở thành phố Hà Giang
BHG - Năm 2017, nhiều chỉ tiêu phát triển KT – XH của thành phố Hà Giang vượt so với kế hoạch; thu nhập bình quân đầu người đạt 25 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo của các xã ngoại thành giảm đáng kể; trên 90% người dân được khảo sát đều hài lòng về Chương trình xây dựng Nông thôn mới; những mô hình kinh tế “cũ” được thổi thêm làn gió mới từ các chương trình nông nghiệp trọng tâm.
Nông nghiệp, nông thôn tuy không phải là thế mạnh của thành phố trong phát triển kinh tế, tuy nhiên giá trị mà ngành này mang lại đối với cuộc sống của người dân, đặc biệt là người dân 3 xã ngoại thành là điều không thể phủ nhận. Trước đây, việc phát triển trồng trọt, chăn nuôi tuy được thành phố quan tâm, nhưng những mô hình kinh tế vẫn rất manh mún, nhỏ lẻ, chất lượng không cao và khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường. Cụ thể hóa các kế hoạch của UBND tỉnh về thực hiện các chương trình trọng tâm trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, UBND thành phố đã ban hành các kế hoạch, chương trình trọng tâm, giao chỉ tiêu trực tiếp cho các xã, phường triển khai thực hiện.
Phát triển chăn nuôi gà ở xã Ngọc Đường, xã điển hình kiểu mẫu về phát triển kinh tế của thành phố Hà Giang. |
Đối với Nghị quyết 209 và Nghị quyết 86 của HĐND tỉnh về một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, thành phố Hà Giang đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển chăn nuôi quy mô lớn. Đến nay, tổng số tiền giải ngân cho các hộ vay thực hiện các mô hình phát triển kinh tế đạt trên 2,3 tỷ đồng/20 hộ vay, chủ yếu đầu tư chăn nuôi trâu, bò, ong. Đối với Đề án “Phát triển nửa triệu con đại gia súc hàng hóa tỉnh Hà Giang giai đoạn 2018 đến 2020, tầm nhìn đến năm 2025”, thành phố đã ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ lãi suất để khuyến khích thu hút các doanh nghiệp, HTX, người dân đầu tư chăn nuôi trâu, bò theo hướng nuôi nhốt; tăng cường kiểm soát chặt chẽ quy trình, kỹ thuật thụ tinh nhân tạo để tăng tổng đàn, đẩy mạnh công tác thú y, hạn chế rủi ro về dịch bệnh và thời tiết. Đến nay, tổng đàn trâu, bò trên địa bàn đạt trên 3 nghìn con; trong đó, có 12 hộ chăn nuôi quy mô từ 10 - 30 con trâu, bò.
Về chương trình xây dựng Nông thôn mới và Đề án một triệu tấn xi-măng, thành phố đã giải ngân 1,1 tỷ đồng tiền xi-măng để hoàn thiện hơn 11.420m đường giao thông các loại và hệ thống thủy lợi; xây dựng đường điện nội thôn cho 2 thôn Cao Bành và Gia Vài (Phương Thiện); lắp đặt đường điện sáng phục vụ các hoạt động du lịch cộng đồng tại thôn Lâm Đồng (Phương Thiện) và thôn Bản Cưởm 2, Bản Tuỳ, Sơn Hà (Ngọc Đường); xây dựng và làm mới 2 nhà chợ tại xã Phương Độ và Phương Thiện, ra mắt Chợ đêm thôn Bản Tùy, xã Ngọc Đường. Các phong trào vệ sinh môi trường tiếp tục được thực hiện thường xuyên, tạo cảnh quan môi trường nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp.
Đẩy mạnh thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và các chương trình trọng tâm, thành phố đã dồn điền, đổi thửa được 0,7 ha trồng Măng tây tại thôn Lâm Đồng (Phương Thiện); liên kết sản xuất rau áp dụng công nghệ mới 5 ha; hỗ trợ 550 triệu đồng/4 mô hình, chăn nuôi lợn, gà và trồng rau theo hình thức đầu tư có thu hồi, tạo điều kiện cho các Tổ hợp tác phát triển mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó, thành phố tập trung nguồn lực xây dựng xã Ngọc Đường là xã điển hình, kiểu mẫu trong phát triển kinh tế nông nghiệp; xây dựng thôn Tiến Thắng (Phương Thiện), thôn Tân Tiến, (Phương Độ), thôn Tà Vải (Ngọc Đường) là 3 thôn điển hình phát tiển kinh tế. Đồng thời chọn 3 sản phẩm chủ yếu, gồm Bánh chưng gù (Ngọc Đường) với quy mô 110-120 nghìn cái/năm/40 hộ, thu nhập bình quân mỗi hộ từ 60-70 triệu đồng/năm; Vịt bầu cổ ngắn (Phương Độ) với quy mô 2.000 con/4 hộ, lợi nhuận bình quân 30-32 triệu đồng/hộ/lứa và lợn đen (Phương Thiện) với quy mô 100 con/5 hộ, lợi nhuận bình quân 12 - 15 triệu đồng/hộ/lứa để xây dựng mỗi xã một sản phẩm hàng hóa chính. Thành phố cũng phối hợp, đôn đốc Công ty TNHH AH hoàn thiện hạ tầng, trang thiết bị cơ sở giết mổ gia súc tập trung bằng dây chuyền công nghệ bán tự động tại tổ 1, phường Minh Khai đi vào hoạt động; tiếp tục phối hợp Công ty TNHH Côn Hà duy trì mô hình sản xuất rau công nghệ mới (rau hữu cơ) tại xã Phương Thiện; kiện toàn và đẩy mạnh phát triển 20 HTX và 15 Tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Phó Trưởng phòng Kinh tế thành phố, Kiều Văn Bắc chia sẻ: Với các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp hiện nay, thành phố luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ dân, HTX đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh. Những mô hình kinh tế trước đây với quy mô nhỏ lẻ, cách làm cũ thì nay được “kích cầu“ bằng nguồn vốn và cách làm mới hiệu quả cao hơn, góp phần quan trọng để nâng cao thu nhập cho người dân.
Bài, ảnh: BIỆN LUÂN
Ý kiến bạn đọc