Xã Đản Ván giải quyết việc làm cho lao động nông thôn
BHG - Là xã còn gặp nhiều khó khăn, những năm qua, xã Đản Ván (Hoàng Su Phì) luôn quan tâm đến công tác giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động (LĐ) đối với số thanh niên chưa có việc làm ổn định. Qua đó, góp phần giải bài toán xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.
Hiện, xã Đản Ván có trên 2 nghìn người trong độ tuổi LĐ. Trong đó, chủ yếu là LĐ phổ thông, tỷ lệ LĐ qua đào tạo chỉ đạt khoảng 24%. Để nâng cao chất lượng nguồn LĐ, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người người dân, UBND xã chỉ đạo các thôn, bản rà soát nhu cầu việc làm của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số để xây dựng kế hoạch, phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên của huyện mở các lớp dạy nghề, đảm bảo việc đào tạo nghề gắn với nhu cầu của xã hội. Trong đó, chú trọng mở các lớp dạy nghề về kỹ thuật trồng trọt, nuôi và phòng trị bệnh cho trâu, bò,... nhằm thu hút đông đảo người dân tham gia.
Thông qua các lớp dạy nghề chăn nuôi đã giúp người dân thôn Thính Nà (Đản Ván) nâng cao nhận thức phòng trừ dịch, bệnh cho đàn gia súc. |
Đối với vấn đề quản lý LĐ trái phép sang Trung Quốc làm việc, UBND xã chỉ đạo lực lượng Công an xã quản lý chặt chẽ số LĐ tại địa bàn; thường xuyên tuyên truyền cho người dân hiểu và nâng cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật khi đi làm việc ở nước ngoài. Phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng của huyện làm tốt công tác quản lý hộ tịch, hộ khẩu, quản lý cư dân sang Trung Quốc; tăng cường công tác bám, nắm địa bàn, kịp thời phát hiện các hoạt động lôi kéo, đưa người xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc LĐ; phát huy tốt vai trò của các già làng, trưởng bản, những người có uy tín trong phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Đến hết tháng 11.2017, xã đã giải quyết việc làm cho 90 LĐ. Trong đó, có 68 LĐ đi làm việc ở trong và ngoài tỉnh; 7 LĐ sang Trung Quốc làm thuê có xuất, nhập cảnh; 15 LĐ làm việc tại địa phương với mức lương trung bình từ 3 - 5 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, công tác giải quyết việc làm của xã vẫn gặp không ít khó khăn: Đa số LĐ không có nghề, chủ yếu là LĐ phổ thông, thiếu LĐ có trình độ tay nghề cao; do vậy số LĐ này thường không có công việc ổn định, nhận thức của người dân về học nghề còn hạn chế, chưa đầu tư thời gian để học nghề mà chỉ muốn đi làm có thu nhập ngay. Số LĐ đi xuất khẩu không nhiều và làm rải rác ở các công ty khác nhau, tay nghề của hầu hết LĐ chưa đáp ứng được với tiêu chí của doanh nghiệp.
Đồng chí Vi Trung Luyến, Chủ tịch UBND xã cho biết: Xác định giải quyết việc làm là tiền đề quan trọng để KT - XH của xã phát triển. Vì vậy, xã đã tăng cường tuyên truyền để người dân nắm được thông tin và có định hướng đúng đắn trong việc lựa chọn nghề nghiệp, nhất là các tầng lớp thanh niên chưa có việc làm ổn định. Thời gian tới, xã tiếp tục chú trọng việc tuyên truyền cho người người dân hiểu rõ ý nghĩa, hiệu quả của học nghề và xuất khẩu LĐ tại thị trường trong và ngoài nước; đẩy mạnh công tác hướng nghiệp, tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm cho LĐ sau đào tạo...
Bài, ảnh: TIẾN LÂM
Ý kiến bạn đọc